Tăng cường kiểm tra để tránh xảy ra tranh chấp lao động

Thứ Năm, 30/11/2023, 08:25

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hồ Chí Minh, trong năm 2023, tình hình doanh nghiệp (DN) và công nhân lao động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cơ bản ổn định. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 7 vụ lao động ngừng việc tập thể với khoảng 1.769 người tham gia (giảm 6 vụ và 4.168 người so cùng kỳ năm 2022). Đa số vụ việc xảy ra ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm tỷ lệ 71,43% (gồm 5 vụ tại DN Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc).

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể là do quyền và lợi ích lợi của người lao động chưa được đảm bảo như: DN chưa công khai kịp thời thưởng Tết năm 2023, còn nợ lương hay không thanh toán lương đúng quy định, chưa nâng lương đúng theo thỏa ước lao động tập thể đã ký kết, việc xây dựng các phương án sử dụng lao động chưa đúng quy định.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới và khu vực, đơn hàng sản xuất giảm nên tình hình kinh doanh của DN gặp khó khăn, nhất là ở các DN giày da, may mặc… Một số DN phải thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Điển hình tại 1 công ty ở quận Bình Tân, từ đầu năm đến nay có 9.284 công nhân lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Một số DN phải cho công nhân nghỉ chờ việc hoặc nghỉ vào ngày thứ bảy hàng tuần.

Tăng cường kiểm tra để tránh xảy ra tranh chấp lao động -0
Ngành dệt may thiếu đơn hàng nên khó giữ chân người lao động.

Đánh giá của LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, đến nay đa số công nhân đã an tâm sản xuất. Tuy nhiên, dự báo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN còn tiếp tục khó khăn do đơn hàng sản xuất chưa ổn định, đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng, tình hình quan hệ lao động thời gian cuối năm 2023 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể liên quan đến vấn đề lương, thưởng Tết, nợ bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi... Trong đó đáng lưu ý, thưởng Tết sẽ có sự chênh lệch về mức thưởng tại những DN có đông công nhân lao động, trong cùng một tập đoàn.

Theo ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, từ nay đến thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, LĐLĐ Thành phố sẽ phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước về lao động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách về lương, thưởng Tết đối với người lao động. Tham gia giám sát việc thực hiện chính sách cho người lao động tại DN như: giờ làm thêm, xây dựng thang bảng lương, quy chế trả lương, trả thưởng... Chủ động phối hợp với các ngành chức năng của Thành phố và chính quyền địa phương nơi có khu chế xuất - công nghiệp tập trung nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động, kịp thời kiến nghị xử lý ngay những DN cố tình vi phạm những quy định của pháp luật lao động, đồng thời tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động chấp hành nghiêm pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đặc biệt, LĐLĐ Thành phố cũng sẽ triển khai các kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán năm 2024 cho người lao động. Ngoài tập trung giám sát việc chi trả lương, thưởng Tết, thì cũng ưu tiên việc hỗ trợ người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng.

T.Hà
.
.