Tăng thời gian làm thêm: Cần cơ chế giám sát

Thứ Ba, 29/03/2022, 07:36

Quy định tăng giờ làm thêm lên tối đa 60 giờ/tháng, áp dụng cho tất cả các ngành nghề nhận được sự đồng tình của người lao động và doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã khẳng định đây chỉ là giải pháp tạm thời nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian phục hồi sản xuất, khắc phục những ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra, trước mắt thực hiện trong năm 2022.

Tuy vậy, theo các chuyên gia lao động, việc thực hiện quy định này dù được sự đồng thuận của cả hai bên vẫn cần có cơ chế giám sát. Đồng thời, cốt lõi vẫn phải là khuyến khích doanh nghiệp tăng cường thêm chế độ tiền lương chăm sóc cho người lao động.

Gần 2 tháng qua, công ty có quá nhiều F0 dẫn đến việc thời gian làm thêm của chị Nguyễn Ngọc Hậu (Công ty May xuất khẩu Hà Nội) có lúc phải tăng lên thành 3 giờ/ngày. Hơn chục năm làm việc ở đây, chưa có lúc nào chị làm thêm với mức thời gian cao như thế. Tuy nhiên, theo chị Hậu, việc quá nhiều đồng nghiệp là F0 những người khác làm thêm cao hơn một chút cũng là bình thường, vừa là hỗ trợ công ty cũng như đồng nghiệp.

“Bình thường mỗi ngày chúng tôi làm thêm khoảng 1 giờ, có những thời điểm đơn hàng của công ty gấp thì làm thêm 2 giờ/ngày. Tuy vậy, thời gian làm thêm chúng tôi nhận được 150% lương với khoảng thời gian 8 tiếng chính thức. Đáp ứng được tiến độ đơn hàng của công ty, công nhân chúng tôi cũng được lợi. Làm thêm thì có thêm phụ cấp, thưởng định mức… Ai có sức khỏe thì đăng ký, người lao động có thêm thu nhập do đó việc tăng thời gian làm thêm lên 60 giờ/tháng cũng không hẳn là bất lợi với người lao động”, chị Hậu cho hay.

Cũng giống như chị Hậu, chị Hà Thị Loan (SN 1994, Công ty TNHH May xuất khẩu Quang Minh) cho rằng, với người lao động hiện nay, thay vì làm 8 giờ nhận lương 6,5 triệu đồng thì mỗi ngày làm thêm 2 giờ để thu nhập tăng thêm 3 – 4 triệu đồng/tháng thì đa số công nhân người lao động sẽ chọn việc làm thêm.

“Dù thế nào thì việc làm thêm vẫn là trên cơ sở tự nguyện. Công ty và người lao động phải thỏa thuận về mức thời gian, thu nhập, các khoản hỗ trợ khác. Chính vì thế với sức khỏe như của tôi thì không ngại. Hiện mỗi khi công ty thông báo tăng ca tôi đều đăng ký làm tối đa thời gian. Thứ nhất là sức khỏe đảm bảo, thứ hai nữa là chưa vướng bận gì. Nếu sau này, mình không đủ sức khỏe để đáp ứng nữa thì mình xin thôi. Quan trọng nhất hiện nay là tăng ca có thể cải thiện được thu nhập để hỗ trợ gia đình”, chị Loan nói.

Tăng thời gian làm thêm: Cần cơ chế giám sát -0
Tăng giờ làm thêm nhưng phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, các chính sách đãi ngộ cho người lao động.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Đức Tiến (công nhân Công ty Calalan, KCN Yên Phong, Bắc Ninh) cho rằng, hiện đa số công nhân, người lao động trong công ty đều mong muốn được làm thêm giờ.

“Thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, cả gia đình trở thành F0 phải nghỉ việc, cách ly. Chính vì thế mà kinh tế gia đình cũng gặp không ít khó khăn. Gần 10 năm làm việc, mỗi ngày làm thêm 1 – 1,5 giờ thu nhập được khoảng 11 - 12 triệu đồng/tháng, nếu làm thêm đủ 40 giờ/tháng thu nhập sẽ lên mức khoảng 15 triệu đồng. Do đó, lúc này công nhân chúng tôi thực sự muốn được tăng giờ làm thêm để tranh thủ kiếm thêm thu nhập bù lại thời gian vừa qua. Không chỉ công nhân được lợi mà công ty cũng duy trì được công việc, hoạt động để sớm khôi phục sản xuất, có việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động”, anh Tiến chia sẻ.

Theo các chuyên gia về lao động, tăng thời gian làm thêm lên không quá 60 giờ/tháng giúp doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, ứng phó với sự thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường giám sát việc thực thi, nếu không làm tốt công tác này thì về lâu dài có thể làm bào mòn sức khỏe của người lao động.

Dưới góc độ của tổ chức công đoàn, bà Lê Thị Thanh Hương, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Jimec cho rằng, làm thêm giờ để có thêm thu nhập là mong muốn của rất nhiều công nhân, người lao động hiện nay. Theo bà Hương, ảnh hưởng của COVID-19 khiến rất đông công nhân, người lao động bị ảnh hưởng đến thu nhập 2 năm qua. Nếu làm thêm mà thu nhập người lao động cải thiện từ 8 triệu/tháng lên 10 triệu đồng/tháng mà vẫn đảm bảo được sức khỏe thì không phải không tốt. Tuy nhiên, việc tăng giờ làm thêm này vẫn cần sự giám sát của tổ chức công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở.

“Quy định là việc làm thêm giờ cần phải được sự đồng thuận, thỏa thuận với người lao động, tuy nhiên không loại trừ những tình huống khác xảy ra. Trong đó, công đoàn cơ sở là lực lượng sát sao nhất. Chẳng hạn, vì doanh nghiệp có chạy tiến độ đơn hàng mà ép người lao động phải làm thêm quá nhiều, vượt quá thời gian quy định thì công đoàn cơ sở sẽ nắm bắt được và phải có ý kiến. Tổ chức công đoàn phải giám sát để đảm bảo sức khỏe, chế độ đãi ngộ cho người lao động”, bà Hương nêu ý kiến.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội thì giải pháp tăng thời gian làm thêm giờ trong bối cảnh hiện nay sẽ giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hậu COVID-19. Doanh nghiệp hiện nay đang rất cần lao động, tuy nhiên bà Hương cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi xu thế chung phải tăng năng suất lao động và giảm giờ làm.

“Dù được sự đồng thuận của người lao động, nhưng ở góc độ khoa học lao động cần phải có các quy định cụ thể về thời giờ tăng ca, mỗi tháng được tăng ca tối đa 60 giờ nhưng tăng ca vào giờ nào trong ngày. Cần hạn chế tăng ca nhiều vào ban đêm vì nó sẽ khiến lao động bị ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động. Triển khai chính sách tăng giờ làm thêm phải song hành cùng với chính sách đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Tức là nếu doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm thì phải đảm bảo các chính sách đãi ngộ về phụ cấp, đảm bảo dinh dưỡng cho người lao động khi làm tăng ca. Vấn đề này cũng cần thiết phải được giám sát, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách ép người lao động tăng ca quá mức”, TS Nguyễn Thị Lan Hương khuyến nghị.

Phan Hoạt
.
.