Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch

Thứ Tư, 07/09/2022, 11:03

Với những lợi thế sẵn có cùng với sự cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN) khi đến đầu tư tại Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc đã và đang ghi dấu ấn tốt với các nhà đầu tư, cùng với đó là lượng vốn FDI có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường tìm đến và phát triển tại Vĩnh Phúc ngày một tăng.

Đây là những tín hiệu tích cực trong việc thu hút và xúc tiến đầu tư đúng hướng, để Vĩnh Phúc tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước trong tương lai gần.

Đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường

Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc, 8 tháng năm 2022, các KCN trên địa bàn thu hút được 15 dự án FDI mới và 24 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 261 triệu USD; thu hút 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.182 tỷ đồng. Số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 438 dự án, trong đó có 94 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 24.196 tỷ đồng và 344 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 5.653 triệu USD, với 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư với thế mạnh về vốn và công nghệ. 

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch -0
 Công ty Ô tô Toyota Việt Nam ngày một phát triển, thường xuyên tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Thế Hùng

Mặc dù số vốn FDI đầu tư trên địa bàn 8 tháng không được như mong đợi nhưng các dự án này đều tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao như sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy, điện tử. Đặc biệt, các dự án này thân thiện với môi trường với những quy trình kiểm soát chặt chẽ, hệ thống xử lý khói bụi, nguồn nước với công nghệ hiện đại…Ban Quản lý các KCN đã hoàn thành dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về ban hành chính sách thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2030.

Hiện nay, huyện Bình Xuyên đang là địa phương đang dẫn đầu các huyện, thành phố về số lượng KCN và các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với 7 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô gần 1.900ha, 1.291 DN đang hoạt động. Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện Bình Xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh để có phương án tối ưu nhất thu hút nhà đầu tư.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã cấp mới 14 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm hơn 208 triệu USD và gần 231 tỷ đồng.

Trong đó, đã cấp mới cho 9 dự án FDI trong KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký 125,5 triệu USD và cấp điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với số vốn tăng hơn 83 triệu USD; cấp mới cho 5 dự án DDI. Đã thực hiện điều chỉnh giảm vốn đầu tư đăng ký cho 1 dự án DDI (Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị phụ trợ công nghiệp và tự động hóa MT VINA - KCN Bá Thiện II) với tổng vốn đầu tư giảm từ 95,1 tỷ đồng xuống 65,1 tỷ đồng. Do chủ đầu tư chuyển nhượng một phần diện tích đất thuê trong KCN cho chủ đầu tư khác, điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án phù hợp với tài sản gắn liền trên phần diện tích đất thuê còn lại. Chấm dứt hoạt động cho 5 dự án FDI theo đề nghị của chủ đầu tư. Số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 426 dự án, gồm 87 dự án DDI và 339 dự án FDI. Ở lĩnh vực xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN có 14 dự án, gồm 3 dự án FDI và 11 dự án DDI. Lĩnh vực công nghiệp có 409 dự án, gồm 333 dự án FDI và 76 dự án DDI.

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch -0
Công ty Ev Advanced Material Vina (KCN Bá Thiện 2) là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất bảng mạch điện tử. Ảnh: Thế Hùng

Các dự án tập trung vào các nhóm ngành chính như sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất, lắp ráp điện tử, máy tính; sản xuất hàng may mặc; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất chế biến các sản phẩm công nghiệp khác. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có 3 dự án FDI với số vốn đầu tư 49,2 triệu USD. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã thu hút được 2 dự án có tổng số vốn đầu tư trên 50 triệu USD. Đó là dự án sản xuất kinh doanh ghế Sofa, đệm và trang trí nội thất tại xã Sơn Lôi của DN chế xuất Nitori Việt Nam với tổng vốn đầu tư 61,5 triệu USD. Dự án Nhà máy Ojitex Vĩnh Phúc tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc của Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 58 triệu USD; DN này chuyên gia công các sản phẩm bao bì chất lượng cao.

Với những nỗ lực không ngừng, ngày càng nhiều DN quy mô lớn vào đầu tư và sản xuất, góp phần tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ đạo cho ngân sách địa phương. Đến nay, đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản là các quốc gia có số lượng dự án và số vốn đầu tư dẫn đầu.

Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Vĩnh Phúc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định; thu hút được một số dự án đầu tư lớn, như: Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc; Nhà máy vòi rửa TOTO Việt Nam; Nhà máy sản xuất gạch ốp, lát cao cấp, gạch cotto và ngói lợp do Công ty cổ phần Công nghiệp HERA đầu tư...

Nhiều dự án đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động như Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC; Sân Golf Thanh Lanh; Nhà máy Hyunwoo Vina; Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt Phúc Yên; Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc... Chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2021 đã có sự cải thiện đáng kể, xếp vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Với những lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, nguồn lao động dồi dào, cộng với sự năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, có thể khẳng định, Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch -0
Công ty TNHH Cammsys Việt Nam, KCN Bá Thiện (Bình Xuyên) chuyên sản xuất linh kiện điện tử, hoạt động hiệu quả , tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Chu Kiều

Để chủ động đón đầu xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI, Vĩnh Phúc tiếp tục kiên định mục tiêu, định hướng thu hút và xúc tiến đầu tư đối với các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao. Chú trọng thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các dự án có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, cân bằng giữa dòng vốn FDI và DDI, gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy KCN.

Trước đó, ngày 7/4, UBND Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022. Hội nghị nhằm tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) vào các lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư như công nghệ cao, cơ khí, điện tử, bán dẫn, thiết bị y tế, đào tạo lao động, nông nghiệp công nghệ cao… thông qua việc gặp gỡ, trao đổi về môi trường đầu tư, cơ hội kinh doanh giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp; đại diện các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại; các hiệp hội, DN trong và ngoài nước.

Các dự án đầu tư trực tiếp tại Vĩnh Phúc của các nhà đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc) tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: sản xuất, lắp ráp, gia công linh kiện, phụ tùng cho ô tô, xe máy; sản xuất, gia công linh kiện điện tử và gia công các sản phẩm cơ khí, tráng phủ kim loại... tạo việc làm cho khoảng trên 12.000 lao động, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư

Nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô là điều kiện thuận lợi cho Vĩnh Phúc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao. Để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế đó, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung mời gọi các nhà đầu tư có thương hiệu mạnh trong và ngoài nước. Trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các DN, phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của cả nước.

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch -0
Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ CNC, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) ngày một phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động.

Theo đó, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tập trung thu hút các DN đầu tư những dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, bảo vệ môi trường. Để ngày càng thu hút được những dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc luôn quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN phát triển bền vững.

Thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của mỗi địa phương; lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng KCN; giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, tập trung vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài các KCN.

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch -0
Dự án đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc đang được đẩy nhanh tiến độ.

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng chính sách thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao mang tính đột phá để không bỏ lỡ cơ hội thu hút các tập đoàn lớn, các dòng vốn đầu tư chất lượng, các dự án công nghệ cao. Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ giá thuê hạ tầng KCN; hỗ trợ chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao nhằm giúp DN có thêm nguồn tài chính cho sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo đòn bẩy, sự lan tỏa để thu hút nhà đầu tư quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư dự án sản xuất thuộc lĩnh vực này.

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch -0
Vĩnh Phúc tạo điều kiện thuận lợi nhằm tập trung thu hút các DN đầu tư những dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, bảo vệ môi trường.

Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025: “Ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước”, Vĩnh Phúc tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng “thu hút có chọn lọc”, “thu hút chủ động”, “thu hút dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường”.

Vĩnh Phúc thúc đẩy hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản

Từ đầu tháng 8/2022, Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 1451/QĐ-UBND về việc kiện toàn Bộ phận Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN từ Nhật Bản tại Vĩnh Phúc (Japan Desk Vĩnh Phúc). Japan Desk Vĩnh Phúc được thành lập ngày 20/7/2018 trên cơ sở Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc với Công ty TNHH Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long Vĩnh Phúc và Tập đoàn Sumitomo, nhằm hỗ trợ các DN Nhật Bản đến đầu tư tại Vĩnh Phúc, nhất là các DN khi tìm hiểu đầu tư vào KCN Thăng Long Vĩnh Phúc. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Japan Desk Vĩnh Phúc đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

6 tháng đầu năm 2022, Japan Desk Vĩnh Phúc đã cùng Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản. Các thủ tục đầu tư đều được giải quyết trước hạn so với quy định.

Cùng với đó, Công ty TNHH KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã hỗ trợ thu hút 2 nhà đầu tư mới, trong đó có 1 nhà đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Công ty TNHH KCI).

Đồng thời, hỗ trợ về thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ và các báo cáo cần được giải trình đối với từng dự án; hỗ trợ hoàn thiện bản dự thảo hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hỗ trợ giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư liên quan đến công tác phòng, chống dịch; xúc tiến đầu tư...

Các DN Nhật Bản luôn được đánh giá là những DN uy tín nhất, quản trị tốt nhất, tuân thủ luật pháp và nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật thuế, đóng góp số thuế lớn cho Ngân sách Nhà nước. Dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN Nhật Bản có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu tăng 133%, xuất khẩu tăng 208%, nộp ngân sách tăng 36%, giải quyết việc làm mới cho hơn 1.000 lao động so với thời điểm cuối năm 2021.

Đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn trong việc thu hút các DN Nhật Bản đến đầu tư, không chỉ có các DN, tập đoàn lớn, mà ngay cả các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng quan tâm, đầu tư vào tỉnh. Với làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ trên thế giới, thời gian tới, Ban Quản lý các KCN sẽ nghiên cứu, tham mưu với tỉnh các cơ chế, chính sách linh hoạt để thu hút các DN nói chung, DN đến từ Nhật Bản nói riêng.

Trong đó sẽ tập trung việc phát triển hạ tầng các KCN, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các KCN nhằm sẵn sàng quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư mới, phát huy vai trò của các thành viên tham gia Japan Desk Vĩnh Phúc trong việc xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN Nhật Bản tại Vĩnh Phúc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong quá trình tìm hiểu đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...

Vĩnh Phúc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính tại Văn bản số 7413/BTC-ĐT ngày 28/7/2022 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa yêu cầu các sở, ngành và huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh quyết tâm thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến hết ngày 30/9/2022 đạt trên 60%; đến hết ngày 31/12/2022 đạt trên 90% và đến hết ngày 31/1/2023 giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

UBND tỉnh yêu cầu giám đốc/thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là ban hành kế hoạch cụ thể nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, trường hợp vượt thẩm quyền phải chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết.

Thời gian gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư. Điển hình là Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 26/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Sau hơn 01 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU đã đạt được kết quả khả quan.

Trong năm 2021, toàn tỉnh đã giải phóng mặt bằng  được 1.030 ha đất, cao gấp 2,5 lần so với năm 2020. UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức cưỡng chế 94 cuộc cưỡng chế thu hồi đất, 22 cuộc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và 2 cuộc bảo vệ thi công. Vĩnh Phúc đã ban hành 451 quyết định cưỡng chế thu hồi đất và 146 quyết định cưỡng chế, kiểm đếm tại 78 dự án, gấp 10 lần giai đoạn 2015-2020. Đây là bước đột phát để tạo đà cho các dự án giao thông, xây dựng, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp sớm được triển khai theo đúng kế hoạch, tạo niềm tin với các nhà đầu tư, doanh nghiệp...

Năm 2022, nguồn vốn kế hoạch giao cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được bố trí cho 17 công trình và dự án chuyển tiếp; 2 dự án khởi công mới và 13 dự án kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022. Nguồn vốn đã giao, bố trí đến ngày 15/6 đạt gần 1.600 tỷ đồng; trong đó trên 530 tỷ đồng bố trí cho các dự án ODA, còn lại là các dự án, công trình trọng điểm khác. Ngoài các dự án ODA đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 50% kế hoạch, nhiều dự án trọng điểm khác đều có tỷ lệ giải ngân thấp.

PV
.
.