“Tắm” rau, quả bằng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục

Bài cuối: Đừng để thuốc độc vào bàn ăn

Thứ Ba, 06/01/2015, 08:56
Hậu quả của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngoài luồng thì đã rõ, nhưng hiện nay ở nhiều địa phương trong cả nước, tình trạng sử dụng thuốc BVTV không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra. Người tiêu dùng khi ăn phải thực phẩm có hàm lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt là thuốc diệt cỏ thì ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?
>> Bài 1: Ghi từ vùng "nóng" biên giới Lào Cai

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, theo khoa học thì thuốc diệt cỏ là một tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp, nó làm đỡ công cho người nông dân. Người dân ở miền núi trước khi khai hoang, phát nương trồng rừng người ta thường dùng thuốc diệt cỏ rất nhiều. Đặc biệt khi khai hoang trồng ngô, khoai, sắn, mía thì đều diệt cỏ trước khi trồng. Thuốc diệt cỏ có tính độc cao, nếu pha không đúng cách, mưa sẽ trôi xuống đất, mương, sông, suối gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất xa. Đây cũng là một chất độc, nếu rau, ngô, khoai, sắn... bị nhiễm thuốc diệt cỏ, người ăn vào lâu ngày tích lũy trong cơ thể sẽ gây bệnh gan, thận và cao hơn là ung thư.

Cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai thu giữ thuốc BVTV và thuốc diệt cỏ nhập lậu của một hộ kinh doanh.

Với cách sử dụng tràn lan ở nhiều vùng như hiện nay, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thì nó rất nguy hiểm, trước hết là cho người sử dụng. "Về nguyên tắc thuốc diệt cỏ phải được bảo vệ tốt, người dùng phải đeo mặt nạ phòng độc, nếu không sẽ nhiễm độc ngay. Hiện thuốc diệt cỏ có hai loại tổng hợp là 2,4 D và 2,5C, Việt Nam chưa sản xuất được 2 loại này, chủ yếu là phải nhập". Ông Thịnh đưa ra cảnh báo về tình trạng thuốc diệt cỏ không có nguồn gốc. Liệu công nghệ của thuốc diệt cỏ Trung Quốc có làm sạch không? Nếu lẫn với dioxin thì khi sử dụng cực kỳ nguy hiểm bởi sẽ gây biến đổi gen. Đặc biệt, tồn dư ảnh hưởng của nó đến rau, lượng cỏ, cây rừng, trong sắn, ngô, mía... rất nhiều.

Theo ông Thịnh thì cơ quan chức năng phải lấy ngay nhiều mẫu thuốc diệt cỏ của Trung Quốc ở nhiều nơi, nhiều vùng khác nhau để xét nghiệm xem có điôxin hay không, nếu có thì phải tuyệt đối cấm sử dụng và coi đó như là tội phạm hình sự. "Phải ra tay chứ không chỉ vận động người dân. Nếu không có điôxin là may mắn, nhưng không phải dùng tràn lan như hiện nay vì nó là chất rất độc, khi nhiễm vào nước, vào đất mà con người sử dụng phải thì cơ thể không tiêu độc được và dễ dàng nhiễm bệnh" – ông Thịnh khuyến cáo.

Việc dùng tràn lan thuốc diệt cỏ nhập lậu cũng như thuốc BVTV ngoài danh mục ở Lào Cai và một số tỉnh miền núi phía Bắc, một số tỉnh giáp biên giới ở phía Nam đang là mối lo ngại rất lớn. Những quả cam, táo sau khi được bảo quản có thể để tới vài tháng không hỏng.

Nông dân ở HTX Đông Dư, Hà Nội chọn cách nhổ cỏ chứ không sử dụng thuốc diệt cỏ để bảo vệ an toàn sức khỏe con người.

Qua trao đổi với Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Lào Cai, chúng tôi được biết, đơn vị đã bắt được vụ vận chuyển 2 lô hàng dung dịch của Trung Quốc pha sẵn vào nước để nhúng các loại hoa quả cho tươi lâu. Theo kết quả điều tra thì mỗi gói dung dịch có trọng lượng 100g được lái buôn hòa với 1 khối nước, sau đó nhúng nhãn, vải, táo, cam sẽ làm cho chúng tươi lâu hơn. Thậm chí, để hoa quả có màu đẹp hơn, lái buôn còn nhúng thêm bột màu. Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thì có một số người dùng chất diệt cỏ để bảo quản cam, táo, lê, mận, nho khô với thời gian bảo quản lâu, điều này rất nguy hiểm. Thậm chí, để thúc cho quả chín nhanh, trước đây một số hộ dân ở huyện Đan Phượng, Hà Nội đã sử dụng thuốc BVTV "Hoa quả thúc chín tố" không rõ nguồn gốc bơm vào cuống của đu đủ, chuối.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, hằng năm lượng nông sản nhập khẩu vào Việt Nam rất lớn nhưng từ khi có Thông tư 13 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm, việc kiểm tra kiểm soát các loại hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật được tăng cường và chặt chẽ hơn rất nhiều. Mặc dù tỷ lệ hàng hóa nông sản được cơ quan kiểm dịch phát hiện có dư lượng và dịch hại vẫn còn cao nhưng phần lớn vẫn nằm trong ngưỡng an toàn cho phép theo chỉ số an toàn thực phẩm của thế giới quy định.

Theo ông Hồng, chỉ có 2% lượng hàng hóa nhiễm dư lượng vượt mức cho phép. “Chúng tôi đã cảnh báo cũng như áp dụng lệnh tăng tần suất kiểm tra đối với các lô hàng và doanh nghiệp vi phạm, bắt buộc chủ lô hàng phải tái xuất trở lại nơi nhập khẩu nếu hàng tiếp tục vi phạm”- ông Hồng khẳng định.

Đấy là quản lý trên phương diện nhập khẩu chính ngạch, còn hoa quả, thuốc BVTV nhập lậu trôi nổi đang được một số bà con vùng cao sử dụng tràn lan trên thị trường thì quản lý thế nào? Theo GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chính quyền và các cơ quan BVTV địa phương phải hướng dẫn người dân khi nào thì dùng và cách dùng. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phải xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, về danh mục các chất được phép và không được phép sử dụng trong quá trình bảo quản, chế biến để kiểm soát các cơ sở sản xuất kinh doanh...

Trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các lực lượng liên ngành tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra và chỉ đạo các địa phương kiểm tra các mặt hàng nông sản. Bộ NN&PTNT sẽ đi kiểm tra những cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp theo Thông tư 14 để kiểm soát tận gốc, đồng thời ngăn chặn được hàng giả, hàng nhái qua biên giới.

Theo Công an tỉnh Lào Cai, hiện đơn vị đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan và Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, đồng thời siết chặt công tác theo dõi, nắm tình hình, thu thập thông tin, chứng cứ về các đối tượng hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV từ Trung Quốc về Việt Nam. Lào Cai cũng đang nghiên cứu để sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù tỉnh Lào Cai để phục vụ hoạt động quản lý thuốc BVTV...
Trần Hằng – Xuân Mai
.
.