Cảnh báo nguy hiểm khi dùng điện quá tải

Thứ Sáu, 09/06/2017, 09:12
Số vụ cháy liên quan đến chập điện và thiết bị điện liên tiếp xảy ra, đặc biệt là vào mùa hè khi các thiết bị điện sử dụng hết công suất, thậm chí là quá công suất.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 2.338 vụ cháy (2.208 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 130 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy gây ra: Làm chết 51 người, bị thương 94 người, thiệt hại khoảng 1.172 tỷ đồng, 806 ha rừng. Trong số các vụ cháy trên, đã điều tra rõ nguyên nhân 1.812 vụ (chiếm 77,5%). Trong đó, nguyên nhân do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện 1.008 vụ, chiếm 43,1%...

Vụ cháy do chập điện tại Công ty Kwong Lung – Meko gây thiệt hại lớn (Ảnh: Văn Đức).

Số vụ cháy liên quan đến chập điện và thiết bị điện liên tiếp xảy ra, đặc biệt là vào mùa hè khi các thiết bị điện sử dụng hết công suất, thậm chí là quá công suất. Theo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng vọt.

Sản lượng điện bình quân ngày 1-6 là 62.944.000 kWh, ngày 2-6 là 71.643.000 kWh, tăng 129% so với cùng kỳ tháng trước. Trong 2 ngày của đợt nắng nóng kỷ lục (1 và 2-6), Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội đã nhận được 385 cuộc gọi báo mất điện do sự cố quá tải lưới điện. Với lượng sử dụng điện đột biến như vậy, nguy cơ chập cháy có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào.

Trong những ngày hè nắng nóng, để đảm bảo an toàn PCCC, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các nội dung như: Thường xuyên và định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu mất an toàn về PCCC do điện và kịp thời khắc phục nhằm hạn chế các nguy cơ cháy, nổ xảy ra.

Thượng tá Đỗ Thanh Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH nêu biện pháp phòng ngừa cụ thể: “Mỗi gia đình cần nâng cao ý thức phòng cháy cho từng thành viên. Để đề phòng, trước khi ngủ, các thành viên phải sàng lọc nguyên nhân gây cháy. Ví dụ như: Tắt các thiết bị điện không cần thiết (rút phích điện ra khỏi ổ cắm), tuyệt đối không cắm sạc pin xe đạp điện, điện thoại, bếp điện… qua đêm; khóa bình gas, tắt công tắc điện xe máy, kiểm tra nơi đun nấu, thờ cúng…

Bên cạnh đó, các gia đình nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm, thiết bị báo rò rỉ gas, chuẩn bị sẵn mặt nạ lọc độc, các thiết chữa cháy tại chỗ…

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo mỗi gia đình cần phải có nhiều phương án thoát hiểm đề phòng khi xảy ra cháy. Có thể tính đến lối chính, lối phụ, lối qua mái, qua ban công, cửa sổ… sang nhà bên… phổ biến đến các thành viên gia đình; thống nhất nơi để chìa khóa dễ lấy sau khi khóa; chuẩn bị thiết bị phá dỡ, phá khóa mở lối thoát nạn khi cần thiết; đối với nhà làm khung sắt ở ban công thì không hàn cố định mà phải có cửa sắt mở được và để chìa khóa ở nơi dễ lấy…”.

Khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ, thiết bị bảo vệ phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn PCCC điện. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn trên cùng một ổ cắm, không câu, mắc tuỳ tiện, luồn dây điện qua mái lá, mái tôn.

Không để các chất dễ cháy, như: Mút xốp, giấy, bông, vải, sợi... gần các thiết bị, dụng cụ điện. Trước khi ra khỏi phòng phải đóng, ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt.

(Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

Việt Hà – Nguyễn Hương
.
.