Cấp cứu tai nạn thảm hoạ sau vụ cháy Chung cư Carina: Những bài học xương máu

Thứ Năm, 14/06/2018, 22:58

Buổi toạ đàm với chủ đề rút kinh nghiệm trong công tác cứu hộ-cứu nạn, sau vụ cháy Chung cư Cariana đã diễn ra tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy trong sáng 14-6 thu hút sự quan tâm của nhiều đại diện Sở ban ngành. Nhiều bài học "xương máu" đã được đúc kết....

Tổng đài chỉ huy là "tối" quan trọng trong cấp cứu tai nạn thảm hoạ

"Từng trong đội ngũ là những người làm công tác chuyên môn y khoa tham gia trong các vụ cấp cứu thảm hoạ cháy nổ, thiên tai,...chúng tôi thấy rằng, rất cần thiết phải có một Tổng đài chỉ huy đảm đương nhiệm vụ chỉ đạo công tác cấp cứu ngay tại hiện trường cũng như chỉ huy trong chuyên môn cấp cứu nhằm mang lại hiệu quả cao nhất của việc "cứu người". 

Đây chính là bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất rút ra sau vụ cháy chung cư Carina". PGS.TS Trần Minh Trường-Phó GĐ BV Chợ Rẫy đã nhấn mạnh tại buổi toạ đàm.

Bệnh nhân vụ cháy chung cư Carina được chăm sóc tại BV Nguyễn Tri Phương và Chợ Rẫy.

Báo cáo về qui trình tiếp nhận thông tin, điều phối các xe cấp cứu tới hiện trường vụ cháy chung cư Carina, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115-TP HCM BS Nguyễn Duy Long cho biết: Trong vụ cháy Chung cư Carina, chỉ sau 3 phút từ lúc báo, ê kíp cấp cứu đầu tiên đã được cử tới hiện trường. 

Đồng thời cử 6 trạm cấp cứu vệ tinh lân cận gồm: Cấp cứu vệ tinh BV Triều An, BV Nguyễn Tri Phương, BV Q.6, BV ĐK Sài Gòn, BV Q.8. Kíp 1 của Cấp cứu 115 tới là 1 h 55 phút đêm 23-3. Đoạn đường đi mất khoảng 12 phút. 

Ngay sau đó, Trung tâm 115 điều động tiếp 2 xe cấp cứu hỗ trợ, thiết lập khu vực lọc bệnh, sơ cứu và đưa BN về các BV. Trong đó, phân công BV Nguyễn Tri Phương trực tiếp tiếp nhận bệnh nhân (BN tử vong và cả BN bị thương.
 

Cuộc họp rút kinh nghiệm sau vụ cấp cứu cháy chung cư Carina tại Chợ Rẫy ngày 14/6 

Công tác phối hợp cấp cứu của y tế tại hiện trường kéo dài từ 1 h 40 phút 23-3 tới 7 h sáng 24-3. 

Cũng theo BS Long, qua rà soát toàn bộ qui trình từ khi tiếp nhận cuộc gọi tới khi triển khai các bộ phận cấp cứu cho thấy, khi phối hợp giữa các lực lượng còn chưa nhận diện được Tổng đài chỉ huy tại hiện trường. Các đơn vị còn lúng túng. 

Ngoài ra còn thiếu chặt chẽ trong phối hợp giữa lực lượng cấp cứu 115 và cứu hộ-cứu nạn 114; còn thiếu hẳn bộ phận tiếp dân và trấn an, thông tin và thông báo. Điều này cho thấy, việc xử trí sự cố sau thảm hoạ cần được đặt ra.

BS Long cũng cho biết, toàn bộ trạm vệ tinh Cấp cứu 115 có thể điều động 40 xe và nếu tính trên toàn thành phố có thể điều động 100 xe cứu thương khi cần. Nhưng cho tới nay, xe chỉ huy chung của Cấp cứu 115 khi xử trí sự cố tương tự như Carina là chưa có. 

Việc điều trị sang chấn tâm lý cho Nhân viên Cấp cứu 115 cũng cần được quan tâm. Trong vụ cấp cứu cháy Carina vừa qua có nhiều người mất ngủ suốt 2 tuần.

Hiện trường vụ cháy chung cư Carina xảy ra vào đêm 23/3/2018.

Chia sẻ thêm về vấn đề Tổng chỉ huy trong cứu hộ-cứu nạn, Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC &CNCH TP HCM khẳng định: Qua vụ Carina, Cảnh sát PCCC cũng đã rút kinh nghiệm rằng, trong tất cả các vụ cấp cứu cháy toà nhà cao tầng, các nạn nhân bao giờ cũng tìm cách chạy ra thang bộ để chạy xuống tầng trệt.

Nhưng trong vụ Carina tại nơi cầu thang bộ lại chứa nhiều khí độc nhất. Lý do vì các cửa kính khu vực cầu thang bộ (có tác dụng giữ áp) nhưng khi xảy ra cháy những cửa này tại chung cư Carina lại bị mở hết do người dân tự ý mở và lấy đá chặn lại, dẫn tới áp suất nguồn cầu thang bộ bị giãn ra. 

Khói độc từ đó tràn vào vùng cầu thang bộ gây ngạt khói CO cho người chạy nạn tại vùng cầu thang bộ. Làm 13 ca tử vong tại hiện trường, và còn có 48 người bị thương, trong đó 2 người là chiến sỹ PCCC bị thương khi đang làm nhiệm vụ.

Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn cũng khẳng định, còn nhiều hạn chế trong phối hợp cấp cứu trong cụ Carina. Các đơn vị chưa nhận dạng được đâu là Tổng đài chỉ huy để liên hệ, phối hợp. 

Cấp cứu điều trị nạn nhân bị bỏng hô hấp: Kinh nghiệm xương máu từ vụ Carina

Trực tiếp tham gia trong cấp cứu vụ cháy tại Trung tâm Thương mại ITC( 2002), BS Phan Văn Nghiệm - nguyên cán bộ quản lý Y Sở Y tế TP. HCM, Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương chia sẻ: Khi cấp cứu bất cứ vụ tai nạn thảm hoạ nào thì nhân viên y tế trước hết phải an toàn. Sau đó mới đi cứu bệnh nhân được. 

Thứ hai là tâm lý của người bệnh. Khi trong hoàn cảnh bị tai nạn gây một tình trạng sốc, chấn thương tinh thần rất lớn, nạn nhân khi ấy thường rất sợ chết. Tim đập hỗn loạn, khó thở, có thể ngạt khí CO một phần nhưng hồi hộp căng thẳng quá cũng gây tử vong đột ngột. Do đó, ổn định tâm lý tinh thần cho nạn nhân vô cùng quan trọng. 

Kinh nghiệm cho thấy, khi được ổn định tâm lý, truyền dịch, cho thở o xy xong là nạn nhân hợp tác với BS, cùng song hành là lực lượng cứu nạn để được đưa ra ngoài an toàn. Việc sơ cứu ban đầu hết sức quan trọng: nếu đưa người tới làm nhiệm vụ không có kinh nghiệm sẽ không thể đảm đương được nhiệm vụ. 

Đại diện khoa Hồi sức cấp cứu tích cực của Chợ Rẫy chia sẻ: Khoa này tiếp nhận 4 bệnh nhân. Trong đó có bệnh nhân điều trị dài ngày nhất là 54 ngày, một bệnh nhân nặng nhất là thiếu oxy, hôn mê, điều trị 26 ngày. 

Cũng theo chia sẻ của Th.S.BS Phạm thị Vân Thanh - Khoa Nội soi BV Chợ Rẫy, thời điểm nội soi phế quản cho tất cả bệnh nhân bỏng hô hấp trong tai nạn thảm hoạ cháy - bỏng lửa là rất quan trọng. Nên được làm ngay khi nhập viện. 

Áp lực stress còn xảy ra với chính cả BS và điều dưỡng trong quá trình chăm sóc những BN nặng. Một điều dưỡng trong suốt quá trình chăm sóc BN nặng của vụ cháy chung cư Carina đã không ăn nổi cơm trưa suốt cả tháng. Vấn đề đưa ra là tại tất cả các BV nên có Khoa Tâm lý tiếp nhận xử lý những tình huống sang chấn tâm lý.

PGS.TS Phạm Văn Ngọc Trưởng khoa Hô hấp BV Chợ Rẫy cũng góp ý: Tất cả BN bỏng đường hô hấp phải được đưa vào đúng nơi là BV có nội soi phế quản, có bộ phận cấp cứu nội soi nữa. Các BV Đa khoa cần có nội soi trẻ em vì nếu không sẽ trễ trong cấp cứu bỏng hô hấp. BV Chợ Rẫy và BV Nhi đồng 1 hiện nay còn chưa có khoa nội soi cho trẻ em. Cần bổ sung ngay.

Còn gần 1 tỷ đồng chi phí chữa trị cho bệnh nhân chưa thể thanh toán
Theo báo cáo của BV Chợ Rẫy, trong số 13 BN vào Chợ Rẫy vụ cháy chung cư Carina gồm có 7 nam, 6 nữ. BN nằm điều trị lâu nhất là 58 ngày (từ 23-3 tới 21-5), bệnh nhân chủ yếu là bị bỏng đường hô hấp. Có 10 ca BV Chợ Rẫy cho xuất viện; 1 trường hợp chuyển ĐH Y dược, 2 ca chuyển BV quận 8 TP. HCM. Có 6 ca đã tái khám tại BV Chợ Rẫy tính tới thời điểm này. Tổng chi phí điều trị cho 13 BN là 1.036.559.002 đồng. Trong đó có 2 ca được BHYT thanh toán với số tiền trên 70 triệu. Tuy nhiên, tổng chi phí chữa trị cho 2 ca này là: 965.815.593 đồng. (Hiện BN chưa có khả năng thanh toán).

Huyền Nga
.
.