Cộng đồng K'ho đã tha lỗi cho cán bộ hôn ngực nàng Biang

Thứ Ba, 26/07/2016, 15:57
“Thấy ông ấy (ông Phan Tuấn Anh) đã nhận lỗi, thừa nhập đã sai khi có hành động như thế thì người K’ho chúng tôi cũng sẳn sàng thứ lỗi cho họ”- Kra Jan Plin nói.

Ông Kra Jan Plin (55 tuổi), là người đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, phong tục tín ngưỡng, tập quán sinh sống, luật tục của người K’ho ở Lâm Đồng, hiện định cư ngay dưới chân núi LangBiang, người được cộng đồng người K’ho tín nhiệm bầu làm già làng Đang Ja, thị trấn Lạc Dương, từ năm 39 tuổi cho biết, khi nhìn thấy tấm hình người đàn ông (ông Phan Tuấn Anh, cán bộ Phòng TN&MT huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) hôn ngực tượng nàng Biang bản thân ông và cộng đồng người K’ho ở Lạc Dương đều rất buồn.

Hình ảnh không đẹp 

Theo ông Kra Jan Plin, tượng chàng Lang và nàng Biang nắm tay nhau đặt trên đỉnh núi LangBiang là biểu tượng thiêng liêng của cộng đồng người K’ho Nam Tây Nguyên. Trong quan niệm của người K’ho tại Lâm Đồng, chàng Lang và nàng Biang là con của trời. Chàng Lang là thần Nam, nàng Biang là thần nữ, luôn che chở cho cộng đồng K'ho. Đây còn là biểu tượng cho lòng thủy chung, tình yêu son sắc, không rời giữa hai người.

“Ban đầu nhìn thấy hình ảnh này chúng tôi rất bất bình, cảm thấy tượng Biang của cộng đồng chúng tôi bị làm ô nhục. Nhưng sau thấy ông ấy (ông Phan Tuấn Anh) đã nhận lỗi, thừa nhập đã sai khi có hành động như thế thì người K’ho chúng tôi cũng sẵn sàng thứ lỗi cho họ”- Kra Jan Plin nói.

Già làng người K'ho, ông Kra Jan Plin 

Langbiang là hai tên ghép từ câu chuyện của chàng K’lang và nàng H’biang theo truyền thuyết của dân tộc K’ho ở Lâm Đồng. Chàng K’lang (người Lát, một nhánh của dân tộc K’ko) và người con gái tên H’biang (người Chil, một nhánh khác của dân tộc K’Ho). Nhà K’lang và H’biang đều ở dưới chân núi, họ tình cờ gặp nhau trong một lần lên rừng hái quả. H’biang gặp nạn và chàng K’lang đã dũng cảm cứu nàng thoát khỏi đàn sói hung dữ.

Một lần gặp gỡ nhưng cả hai đã cảm mến, rồi họ đem lòng yêu nhau. Nhưng do lời nguyền giữa 2 tộc người mà H’biang không thể lấy K’lang làm chồng. Vượt qua tục lệ khắt khe và lễ giáo, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau. Họ trở thành chồng vợ rồi bỏ đến một nơi trên đỉnh núi để sinh sống.

Tượng LangBiang

Khi H’biang bị bệnh, K’lang tìm mọi cách chữa trị nhưng không khỏi. Chàng đành quay về báo cho buôn làng để tìm cách cứu nàng. Kết thúc câu chuyện, H’biang bị chết do nàng đỡ mũi tên có tẩm thuốc độc của buôn làng nhắm bắn K’lang. Đau buồn khôn xiết, K’lang đã khóc rất nhiều, nước mắt chàng tuôn thành suối lớn, ngày nay gọi là Đạ Nhim (suối khóc).

Sau cái chết của hai người, cha Biang rất hối hận, đứng ra thống nhất các bộ tộc thành một dân tộc có tên là K’Ho. Từ đó các đôi nam nữ trong làng dễ dàng đến với nhau. Ngọn núi cao ở làng La Ngư Thượng, nơi chàng K’lang và nàng H’biang chết được đặt lên là Lang Biang - tên ghép của đôi trai gái, để tưởng nhớ hai người và tình yêu của họ.

Kim Ngân
.
.