Vụ cháy tại Công ty Kwong Lung – Meko (Cần Thơ):

Kwong Lung- Meko là vụ cháy lớn nhất từ trước đến nay

Thứ Hai, 27/03/2017, 11:24
Đến 10h25’ ngày 27-3, sau khi đập phá cửa chính và các cửa sổ của nhà kho, lực lượng chức năng đã tiếp cận được khu vực cháy và tiến hành di dời hàng hóa, máy móc ra khỏi khu vực cháy.

Ghi nhận tại hiện trường, hàng trăm chiến sĩ PCCC, CSCĐ được huy động, triển khai tiếp cận sâu vào bên trong đám cháy. Theo quan sát, phía trong nhà kho mọi thứ bị hư hại gần như hoàn toàn, sức nóng vẫn còn, xung quanh khu vực cháy mùi khét lẹt gây cảm giác khó chịu, ngộp hơi…

Trao đổi với PV Báo CAND ngay tại hiện trường lúc 11h, ngày 27-3, Đại tá Trần Đức Đình, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ cho biết, có thể nói, đây là vụ cháy lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ từ trước đến nay. 

Đã qua 4 ngày, nhưng đám cháy thi thoảng bùng phát trở lại. Trong 4 ngày, lực lượng Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ, dưới sự chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) đã huy động tổng lực, cố gắng phối hợp với đơn vị chức năng của thành phố, quần chúng nhân dân và Cảnh sát PCCC địa phương lân cận và TP Hồ Chí Minh để dập tắt đám cháy. Nhiều cán bộ, chiến sỹ (CBCS) đã bị thương, bị kiệt sức, ngộ độc khói. Chúng tôi cũng đã ngăn chặn không để cháy lan sang 1 số tầng dưới của nhà xưởng là nơi còn chứa nhiều hàng hóa thành phẩm và khu dân lân cận.

Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an), chỉ đạo công tác tiếp cận hiện trường vụ cháy.
Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cùng chỉ đạo lực lượng Công an thành phố tiếp cận hiện trường để chuyển hàng hóa ra. 

Khi được hỏi tại sao vụ cháy này kéo dài lại khó xử lý? Đại tá Trần Đức Đình, trả lời: "Đây là cơ sở sản xuất đồ chứa nhiều chất dễ cháy, khi cháy tỏa nhiều khói khí độc, đặc biệt dễ cháy trở lại nếu không cào bới để triệt tiêu tận gốc nguồn nhiệt trong các kiện vật liệu và thành phẩm. Đặc điểm kiến trúc nhà xưởng có khối tích lớn, bề mặt ngoài nhà xưởng xây bằng tường đặc, trong nhà xưởng chia nhiều khu vực nhỏ, ngăn cách bằng nhiều lớp cửa, lớp tường… Do vậy rất khó khăn cho công tác chữa cháy, lực lượng chữa cháy không thể tiếp cận được gốc lửa tích nhiệt của các kiện hàng, thành phẩm trong đám cháy, đây là yếu tố tác động không nhỏ, dẫn đến hiện tượng cháy lại".


Cơ quan chức năng đã tiếp cận hiện trường vụ cháy để chuyển hàng hóa, máy móc thiết bị ra ngoài. 

Về nguyên nhân vụ cháy, Đại tá Trần Đức Đình cho biết, cơ quan điều tra sẽ sớm xác định nguyên nhân để công bố. 

Về tình hình chung, qua theo dõi, nguyên nhân dẫn đến cháy ở các khu công nghiệp có chiều hướng gia tăng, phải khẳng định chủ yếu là do ý thức chủ quan của con người. 

Cụ thể, nhiều cơ sở, người đứng đầu chưa quan tâm tổ chức thực hiện các qui định của pháp luật về PCCC, chỉ quan tâm đến sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận. Người lao động còn chủ quan, lơ là, thiếu kiến thức về PCCC, thậm chí không chấp hành nội qui, qui định PCCC, (nhất là trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện, chất dễ cháy).

Hiện tượng “già hóa, lão hóa” hệ thống trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, hệ thống điện, hệ thống PCCC làm mất an toàn PCCC nếu như không được bảo dưỡng định kỳ theo qui định.

Về giải pháp sắp tới, lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ cho biết, cần có giải pháp đồng bộ đề cao trách nhiệm của Ban quản lý Khu công nghiệp, công ty xây dựng hạ tầng. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở sản xuất ở các khu công nghiệp. Thực hiện đầy đủ, đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC. 

Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác chấp hành quy định pháp luật về đầu tư trong xây dựng (thẩm duyệt thiết kế về PCCC); đảm bảo đủ điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy; lắp đặt, duy trì hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định, nhất là đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; duy trì lực lượng PCCC tại chỗ đủ năng lực làm công tác phòng ngừa và chữa cháy ban đầu. Tăng cường công tác tự kiểm tra, tuần tra canh gác, phát hiện cháy sớm…

Văn Đức - Trần Lĩnh
.
.