Nhiều căn bệnh nghiêm trọng do hút thuốc lá thụ động

Thứ Sáu, 03/05/2019, 07:35
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá thụ động cũng chịu những hậu quả nghiêm trọng như người hút thuốc lá trực tiếp.

Không khó để bắt gặp hình ảnh những ông bố hút thuốc lá trong gia đình có trẻ em và phụ nữ, đàn ông hút thuốc ở quán nhậu, nơi công cộng. Họ vô tư nhả khói khiến nhiều người xung quanh phải nhăn mặt khó chịu. Những người hít phải khói thuốc lá từ người khác được gọi là hút thuốc thụ động.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá thụ động cũng chịu những hậu quả nghiêm trọng như người hút thuốc lá trực tiếp.

Hút thuốc lá thụ động cũng độc hại như hút thuốc lá trực tiếp.

Chị Hoàng Mai ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội than phiền: “Nhà chật, trẻ con ngồi chơi ở phòng khách, trong khi đó chồng tôi lại thường xuyên ngồi ở bàn uống nước hút thuốc lá. Tôi đã nhắc anh ấy không hút thuốc khi có con ở bên cạnh thì anh ấy phản ứng là anh hút mới độc, chứ con hít khói thì không sao. Chỉ đến khi một người bạn của anh sinh sống ở Singapore về chơi, mỗi khi hút thuốc, người bạn này kéo chồng tôi ra cửa nhà để không ảnh hưởng đến các cháu, vậy là anh ấy mới hiểu ra và có ý thức tránh để con hít phải khói thuốc”.

Những người đàn ông nghiện thuốc lá có suy nghĩ giống như chồng chị Hoàng Mai không phải là ít. Bởi thế, việc tác động hàng ngày lên ý thức của họ là vô cùng cần thiết để đảm bảo một môi trường trong sạch cho không chỉ trẻ em mà người lớn cũng cần. Đặc biệt, ở những nơi công cộng như trường học, bệnh viện, bến xe… là nơi tập trung đông người càng cần đến ý thức bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất được xếp vào loại gây ung thư. Khói thuốc lá vẫn có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không nhìn thấy hoặc ngửi thấy được.

Người không hút thuốc nếu thường xuyên hít phải khói thuốc lá cũng chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe giống như những người hút thuốc lá trực tiếp, như nguy cơ mắc ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch. Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ở những người hút thuốc thụ động cao hơn 25-30% so với những người không hít phải khói thuốc.

Mỗi năm, trên thế giới có 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc thụ động, trong đó 64% là phụ nữ. Đáng sợ hơn, một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen, ung thư máu... ở trẻ em là khói thuốc lá.

Điều đáng mừng là sau nhiều năm nỗ lực truyền thông và đưa các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá vào thực tế, tình trạng người dân phải hút thuốc lá thụ động đã giảm.

Theo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở hầu hết các địa điểm công cộng như: Bệnh viện, trường học, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng.

Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong kết quả hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, thể hiện qua điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 (GAST 2015).

Kết quả này là sự kết hợp của nhiều biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả, là nỗ lực của công tác phối hợp liên ngành và sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông và các tổ chức phòng, chống tác hại thuốc lá trong nước và quốc tế.

Người dân có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá

Điều 7 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định: Công dân có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Ngọc Lan
.
.