Những sai lầm tai hại trong xử lý vết bỏng ở trẻ em

Thứ Hai, 07/08/2017, 08:54
Những tiếng kêu đau xé lòng của trẻ nhỏ đang điều trị cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia do bị bỏng luôn ám ảnh mọi người. Hậu quả của bỏng nhiều trường hợp để lại những di chứng suốt đời cho nhiều đứa trẻ, là nỗi ân hận khôn nguôi của người lớn. 

Nhiều trẻ không được sơ cứu kịp thời, không được đưa đến cơ sở y tế chữa trị mà lại chữa bằng đông y dẫn tới nhiễm trùng, biến chứng… rất cần lên tiếng để có biện pháp chữa trị hiệu quả khi gặp phải.

Dáng người khắc khổ, khuôn mặt mang nặng ưu tư, anh Nguyễn Văn Sỹ, quê ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thẫn thờ dõi vào phòng bệnh vô trùng của con rồi thở dài. 

Anh Sỹ cho biết, con trai anh là cháu Nguyễn Đức Thế, 18 tháng tuổi đang điều trị tại phòng 206 Khoa cấp cứu ở Viện Bỏng quốc gia hơn nửa tháng mà chưa có dấu hiệu khả quan. 

Theo lời kể của anh Sỹ thì do lập gia đình muộn, năm nay 43 tuổi anh mới có hai người con, đứa lớn 5 tuổi và cháu Thế. Cách hôm xảy ra tai nạn 15 ngày, vợ anh đi vào Bình Dương làm công nhân da giày để kiếm tiền đóng học cho con. Anh Sỹ ở nhà làm ruộng, ai mượn việc gì thì đi làm thuê. 

Ngày 16-7, nhà có đám cưới, cháu Thế được bà trông. Để tiếp khách, người nhà đun một nồi nước chè to (khoảng 50 lít). Nồi nước vừa sôi sùng sục được bắc ra sân để mời khách. Trong lúc bận bịu không ai để ý đến cháu Thế đang lẫm chẫm chơi ở gần đó. Bỗng mọi người giật mình khi nghe tiếng khóc thảm thiết của cháu Thế. Tất cả khách khứa đều hoảng hốt khi thấy cháu Thế đang giãy giụa trong nồi nước chè. 

Cần trang bị kiến thức phòng tránh để trẻ em không bị bỏng.

“Tôi chỉ nghe mọi người kể lại, lúc đó họ bế cháu ra vòi xả nước. Về đến nơi nhìn thấy con đau đớn, toàn thân từ ngực xuống lột hết da, tôi không chịu đựng nổi. Đưa cháu lên Vinh cấp cứu, bác sĩ bảo chỉ có 20% sống sót. Ngay hôm sau gia đình cấp tốc đưa cháu ra Hà Nội” - anh Sỹ không giữ nổi bình tĩnh kể lại.

Sau 15 ngày cấp cứu cháu Thế từ hôn mê li bì tỉnh lại. Bị bỏng nặng với diện tích 80% cơ thể, mỗi lần thay băng bác sĩ phải gây mê để tránh cho cháu đau đớn. Sau lọc máu 3 ngày 3 đêm, cháu Thế đã nhận biết được bố mẹ nhưng chỉ quấy khóc vì đau. Cháu hiện còn bị viêm phổi, phải thở bằng máy. 

Nghĩ đến sự sống mong manh của con, anh Sỹ lại đau đớn cho biết: “Bác sĩ chưa tiên lượng được gì, chỉ nói với gia đình phải điều trị 2- 3 tuần mới nói được, tình trạng của cháu còn phải điều trị lâu dài, với nhiều cuộc phẫu thuật cấy ghép da”.

Tại Khoa Nhi của Viện Bỏng quốc gia, trẻ em nhập viện do rất nhiều nguyên nhân, cháu thì bị bỏng nước sôi, cháu thì bỏng cồn, xăng, điện… hầu hết đều bắt nguồn từ do sự bất cẩn của người lớn. 

Cháu Hoàng Văn Bằng, 3 tuổi, dân tộc Tày ở Cao Bằng do bất cẩn bị ngã từ nhà sàn xuống đống lửa. Cháu kêu khóc rất lớn nhưng bố không nghe thấy. Đến khi hàng xóm phát hiện được thì cháu đã bị bỏng quá nặng. Bằng được đưa vào Viện Bỏng quốc gia cấp cứu với một gương mặt và cơ thể gần như không thể nhận ra. 

Hay cháu Giành Thị Chinh, dân tộc Mông, quê ở Yên Bái, bị bỏng lửa xăng khiến 25% diện tích cơ thể cháy sém. Có cháu, đang tuổi tập đi, do gia đình không để ý cháu ra khu vực bếp, tay với vào phích nước sôi, cả phích nước đổ vào người. 

Cá biệt có trường hợp mẹ vừa đổ nước sôi vào chậu định cho con tắm, khi chưa kịp pha nước lạnh thì con đã ngồi vào chậu như cháu Đinh Việt Hoàng ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Hậu quả cháu Hoàng bị bỏng độ III với 39% diện tích cơ thể.

Theo khuyến cáo của Viện Bỏng quốc gia, các gia đình có trẻ nhỏ phải hết sức cẩn trọng trong việc chăm sóc trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc với các đồ vật có nguy cơ gây bỏng như điện, nước sôi, bếp… Bởi các nguyên nhân gây bỏng phần lớn đều do sự bất cẩn của người lớn. Trẻ em chiếm 50% tổng số nạn nhân bỏng, trong đó độ tuổi từ 1-5 chiếm 50-60%. Đây là lứa tuổi trẻ rất hiếu động, thích khám phá xung quanh nhưng lại chưa có ý thức và chưa có khả năng phòng tránh các nguy cơ nguy hiểm. Theo ghi nhận của chúng tôi tại Khoa Nhi, nhiều trẻ là người dân tộc bị bỏng sâu và nặng, hoàn cảnh gia đình các cháu vô cùng khó khăn khi không thể chi trả nổi viện phí và tiền thuốc, tiền phẫu thuật. Có những ca bỏng nặng, tiền điều trị và phục hồi chức năng đến khi ra viện lên tới vài trăm triệu đồng. Có nhà bố mẹ phải xin cơm ăn, tiền thuốc thang đều do các tấm lòng từ thiện quyên góp mới giúp các cháu khỏi lưỡi hái của tử thần.

Viện Bỏng quốc gia cũng cảnh báo tới nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng muộn do đã điều trị ở cơ sở y tế tư nhân không đủ điều kiện, hoặc điều trị bằng đông y dẫn đến vết bỏng bị biến chứng, nhiễm trùng máu, sốt. Có cháu bị bỏng sâu nhưng không đến viện mà lại điều trị bằng cách đắp thuốc lá. Sau 6 tháng cơ thể cháu bị tàn phá, chân tay co rút mới vào bệnh viện cấp cứu. Theo các bác sĩ thì bỏng sâu mà đắp thuốc đông y là cực kỳ nguy hiểm, trường hợp nặng để dẫn đến nhiễm trùng máu, nguy cơ tử vong cao. 

Một số cơ sở y tế tư nhân không chuẩn đoán được độ sâu nên giữ bệnh nhân lại điều trị đã dẫn đến vết bỏng không khỏi, còn nguy hiểm tới tính mạng. 

Viện Bỏng quốc gia đã từng cấp cứu cho trường hợp cháu Nguyễn Hải Đ., 2 tuổi, quê ở huyên Trực Ninh (Nam Định) bị bỏng nước sôi nhưng gia đình lại tự mua thuốc không rõ nguồn gốc về bôi và uống. Hậu quả sau 8 ngày điều trị cháu sốt cao, khó thở, vùng bụng thấm dịch nhiều… Cháu được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Nam Định nhưng do diễn biến bệnh quá nặng đã được chuyển lên Viện Bỏng quốc gia. 

Mặc dù được điều trị tích cực cho thở máy, thuốc vận mạch, trợ tim, truyền dịch, truyền khối hồng cầu, albuim, thay băng cắt lọc vết thương, nhưng do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nặng, hôn mê sâu và cháu đã tử vong. Đây là trường hợp đáng tiếc vì diện tích bỏng của cháu chỉ 10% nhưng do tự điều trị ở nhà đã gây ra biến chứng nặng.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Chu Anh Tuấn, Viện Bỏng quốc gia thì trẻ em bị bỏng dù diện tích nhỏ cũng gây rối loạn toàn thân, diễn biến bệnh bỏng thường phức tạp hơn, quá trình điều trị cũng gặp khó khăn hơn so với người lớn do cơ quan chưa hoàn thiện. Do vậy, dù bỏng chỉ 10% diện tích thì gia đình cũng cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để cấp cứu và điều trị đúng cách.

Khi bị bỏng cần biết sơ cứu đúng cách như ngâm vùng bị bỏng vào nước mát từ 16-20 độ C, giội nước hoặc hứng vùng bị bỏng dưới vòi nước mát, sạch càng sớm càng tốt trong khoảng thời gian 20 phút. Sau đó đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, không nên tự điều trị hoặc đến các thầy lang để chữa bỏng.

Trần Hằng
.
.