Niềm vui ngày đầu năm mới từ những ngôi làng biển miền Trung

Thứ Ba, 02/01/2018, 10:44
Ngày đầu năm mới 2018, “xông đất” các làng biển miền Trung đã bắt gặp cảnh tàu thuyền tấp nập ra khơi vào lộng, đây là tín hiệu vui cho sự khởi đầu của một năm mới đang mở ra trước mắt...

Ngư dân Phan Tư Nam, ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê (Hải Lăng, Quảng Trị) rủ chúng tôi một chuyến vươn khơi. 17h, thuyền rời bến. 20h, con thuyền đã cách bờ trên 10 hải lý. Anh Nam và các bạn thuyền bắt đầu buông lưới. Dưới ánh sáng đèn thuyền, đôi bàn tay họ thoăn thoắt, đều đặn kéo, thả những sải lưới xuống nước. “Đây là loại lưới 2 chuyên bủa cá cháo, còn gọi cá khoai”, anh Nam giới thiệu với chúng tôi.

Mùa này vùng biển miền Trung cá khoai và mực ống nhiều vô kể. Chị Hà, vợ của anh Nam ra tận chân sóng đón chồng trong niềm vui. 6h sáng, bờ biển Thâm Khê đã đông vui như trẩy hội. Dọc hơn 1km bờ biển chỗ nào cũng có thuyền cá cập bờ, bà con ngư dân chạy lui chạy tới và các thương lái tập trung đến thu mua hải sản ngay tại bãi.

Theo lời cụ Trần Việt Hội, làng Thâm Khê có lịch sử trên 700 năm. Các thế hệ người làng đều theo nghề biển truyền thống. Nghề biển gian nan bởi sóng to, gió lớn, biển động bất thường, sau này việc đánh bắt cá tôm ngày càng có những ảnh hưởng của con người và sự thay đổi của khí hậu, môi trường biển. Nhưng ngư dân bao đời nay không vì bất kỳ khó khăn nào mà bỏ biển. Hiện toàn thôn có khoảng 400 hộ dân, trong đó trên 70% bám biển mưu sinh.

Qua trò chuyện với một số ngư dân, chúng tôi có thêm thông tin, thời gian qua, vùng biển bãi ngang Thâm Khê đã hồi sinh rất mạnh mẽ. Thu thập bình quân của mỗi lao động biển trực tiếp sau khi đã trừ mọi chi phí, là trên 20 triệu đồng/tháng.

Ngư dân Cửa Việt vui mừng trúng đậm cá tôm.

Nhưng không riêng làng biển Thâm Khê. Chúng tôi về làng biển Cửa Việt, huyện Gio Linh. Ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND thị trấn biển Cửa Việt phấn khởi cho biết: “Hơn 6 tháng nay, biển đã hồi sinh, khởi sắc trở lại rất đáng mừng.

Bà con ngư dân trong thời gian này thường trúng rất đậm, bình quân mỗi tàu cá với mỗi chuyến vươn khơi 15-20 ngày, thu nhập lãi ròng tầm 1,5 đến 2 tỷ đồng. Còn ở địa phương bạn lân cận như xã Gio Việt, cá biệt có đợt một tàu thu trên 5 tỷ đồng, như tàu của hộ ngư dân Lê Văn Tuấn”.

“Ai bảo làm biển không giàu, chứ tôi thấy bà con ngày càng khấm khá. Đơn cử, làng biển Tân Lợi, Cửa Việt, chừng 10 năm trước chỉ là những ngôi nhà xập xệ bên mép sóng, nhưng nay toàn những nhà cao tầng”, ông Cảm nói tiếp trong niềm vui.

Theo chỉ dẫn của ông Cảm, chúng tôi đến thăm làng biển Tân Lợi và chứng kiến nhiều đổi thay thú vị. Làng có 200 hộ dân, với gần 1.000 nhân khẩu.

Lão ngư Võ Văn Huynh, với hơn 30 năm kinh nghiệm đi biển, bảo: “Mùa đông rất dài và biển thường động suốt. Nhưng điều mà chỉ ngư dân biển mới biết, việc đánh bắt vào mùa này thường có kết quả rất cao. Tuy nhiên, để ra biển vào mùa biển động không phải là việc dễ. Trước thực tế bất lợi đó, từ những năm 1998, 1999, bà con ngư dân Tân Lợi đã tự mày mò nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc dù chống bão cho tàu thuyền vươn khơi xa. Từ đó đến nay, mùa biển động là mùa làm giàu của bà con ngư dân ở đây”.

Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh chia sẻ: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn huyện năm 2017 là 727,3 ha, giảm 13,85ha so với cùng kỳ. Song điều đáng mừng, sản lượng nuôi trồng đạt tới 1.086,13 tấn, tăng 18,4% so cùng kỳ. Sản lượng khai thác thủy hải sản cũng đạt tới 12.558,4 tấn, tăng 1.048 tấn so với cùng kỳ. 

Năm 2017, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo chính quyền, ngành chức năng liên quan trong huyện tích cực triển khai thực hiện Nghị định 67 và 89 của Chính phủ, tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp cận nguồn vốn, đăng ký đóng mới và nâng cấp tàu cá. Ngư dân đã sử dụng một phần kinh phí đền bù sự cố môi trường biển để cải tạo, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ.

Đến tháng 10-2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cho vay 84 tàu, trong đó đóng mới 21 tàu và nâng cấp 63 chiếc với tổng mức đầu tư trên 435 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện có 886 tàu, thuyền với tổng công suất 78.914CV; trong đó, 171 tàu xa bờ, tăng 8 tàu và 22.364CV so với năm 2016. Các đội tàu khai thác xa bờ, tổ tự quản bến bãi tàu thuyền phối hợp hoạt động có hiệu quả, đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển.

Thanh Bình
.
.