Phát động trồng rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Bảy, 20/07/2019, 12:25
Sau lễ phát động, các đại biểu tham gia trồng rừng ngập mặn tại khu vực bãi bồi thuộc ấp Kinh Hòn, Xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). 

Ngày 20-7, tại Cà Mau, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (gọi tắt là GIZ), phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau, tổ chức lễ phát động phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Đại biểu quốc tế tham gia trồng rừng ngập mặn sau lễ phát động. 

Tham dự lễ phát động có trên 500 người, gồm: Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND một số tỉnh vùng ĐBSCL; đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế; người dân và các em học sinh xã Khánh Bình Tây; các tỉnh ven biển triển khai hưởng ứng trồng rừng ngập mặn tại địa phương. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, nhấn mạnh: “Đây là dịp để cán bộ, nhân dân các tỉnh ven biển ĐBSCL và tất cả chúng ta nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển; hiểu rõ lợi ích, giá trị do rừng ngập mặn mang lại. Từ đó tích cực tham gia trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn; bảo vệ vùng đất ven biển; bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái ven biển bằng những hành động thiết thực, hiệu quả”. 

Cán bộ kiểm thâm tham gia trồng rừng ven biển tại Cà Mau. 

Ông Tim McGrath - Giám đốc GIZ, khẳng định: “Tầm quan trọng của việc kết hợp các biện pháp phục hồi rừng ngập mặn với bảo vệ bờ biển để có một giải pháp toàn diện và hiệu quả bảo vệ vùng ven biển. Đây cũng chính là lĩnh vực ưu tiên của GIZ nhằm góp phần bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn để giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như đảm bảo cuộc sống an toàn của người dân”. 

Cũng theo ông Tim McGrath, trong gần mười năm qua, GIZ đã hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Bộ NN&PTNT, Tổng Cục Lâm nghiệp, Tổng cục PCTT và các tỉnh ĐBSCL, thực hiện một loạt hoạt động như xây dựng chính sách, công cụ, hướng dẫn quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn; thí điểm mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn tại Sóc Trăng, Cà Mau... Những hoạt động về chính sách không chỉ có tác động trực tiếp đến ĐBSCL mà còn đến toàn bộ 28 tỉnh ven biển của Việt Nam.

Các đại biểu tham gia trồng rừng ven biển sau lễ phát động. 

Theo bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, sự kiện này cũng sẽ góp phần truyền tải thông điệp rộng rãi đến các địa phương về tầm quan trọng to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, để mọi người cùng chung tay bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng ngập mặn.

Sau lễ phát động, các đại biểu đã tham gia trồng rừng ngập mặn tại khu vực bãi bồi sau kè Đá Bạc thuộc ấp Kinh Hòn, Xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.

Tiếp theo lễ phát động, các tỉnh, thành phố ven biển sẽ xây dựng kế hoạch ra quân, hưởng ứng lễ phát động. Đây là hoạt động tiếp nối có tính lan tỏa, hệ thống, khả thi và để bảo đảm tính bền vững cho phong trào trồng rừng ngập mặn, bảo vệ bãi ven biển trên phạm vi cả nước…

Văn Đức
.
.