TP Hồ Chí Minh đầy ắp hàng hóa trong ngày đầu giãn cách

Thứ Bảy, 10/07/2021, 09:54
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương khẳng định, TP Hồ Chí Minh đã dự trữ lượng hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường, với mức hơn 120.000 tấn hàng. Trong khi nhu cầu thực tế hàng ngày chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn/ngày. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng mà ồ ạt đi mua hàng, không đảm bảo giãn cách là nguy cơ tiềm ẩn, không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.


Thành phố dự trữ lượng hàng hóa gấp 3 lần

8h sáng, cửa hàng tiện lợi Co.op food tại khuôn viên chung cư Belleza (quận 7) được bổ sung thêm các loại thịt gia cầm lên quầy kệ đang còn trống. Nhân viên cửa hàng cho biết: “Lúc sáng, hàng chất đầy kệ nhưng khách mua từ sáng sớm nên hết nhanh. Do rau củ, thịt tươi sống là những mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất nên được ưu tiên châm hàng trước. Còn các mặt hàng đồ khô, gia vị, hóa phẩm, trước đó người tiêu dùng mua trữ nhiều rồi, nên thời gian rảnh thì mới châm thêm”.

Các siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh đầy ắp hàng hóa, thực phẩm trong ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Tại Bách hóa Xanh (đường Phạm Hữu Lầu, quận 7), các quầy thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, rau củ, hôm trước bị người tiêu dùng (NTD) “vét” sạch thì sáng 9/7 đã được bổ sung đầy ắp, với đầy đủ các chủng loại, mặt hàng. Khách khai báo y tế để vào trong mua sắm cũng thưa thớt, mỗi lượt cũng chỉ khoảng trên dưới 10 người, chủ yếu vẫn là mua các loại thịt, trứng và rau củ.

Còn tại siêu thị Co.op Mart (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) thì tại mỗi quầy thực phẩm, thực phẩm tươi sống, đều có các nhân viên siêu thị túc trực, liên tục châm hàng. Khác với cảnh chen lấn để “gom” hàng trong 2 ngày trước khi có thông tin TP giãn cách theo Chỉ thị 16, sáng 9/7, lượng khách hàng đến mua sắm tại đây giảm mạnh.

Nhìn chung, tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị… theo ghi nhận của PV, hàng hóa được cung ứng khá kịp thời để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Giá các mặt hàng ổn định so với trước và các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường cũng khá dồi dào, được bổ sung liên tục. NTD đã hoàn toàn yên tâm mua sắm, không còn sợ thiếu hàng hoặc sốt giá.

Lý giải nguyên nhân hàng hóa tăng giá trong những ngày qua, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, do 148/234 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối ở TP phải tạm đóng cửa, nên việc sắm hàng hoá của người dân trở lên khó khăn hơn. Mặc dù lượng hàng hóa dự trữ tăng gấp 2-3 lần, đảm bảo nguồn cung đầy đủ, nhưng hệ thống phân phối bị giảm sút nên đã có sự ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa tại các địa phương về TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn do các địa phương áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát dịch khiến các thương lái bị cách ly...

Trong khi đó, khi có thông tin TP áp dụng Chỉ thị 16, người dân có tâm lý muốn dự trữ hàng hóa nên tập trung mua sắm rất nhiều. Khi cầu tăng đột biến, vượt quá khả năng cung ứng dẫn đến giá cả hàng hóa tăng là đương nhiên. Ngoài ra, giá cả xăng dầu tăng, chi phí xét nghiệm cho tài xế khi vận chuyển hàng hóa... cũng khiến giá cả thực phẩm, hàng hóa tăng trong thời gian qua.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương cũng khẳng định, TP  Hồ Chí Minh đã dự trữ lượng hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường, với mức hơn 120.000 tấn hàng. Trong khi nhu cầu thực tế hàng ngày chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn/ngày. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng mà ồ ạt đi mua hàng, không đảm bảo giãn cách là nguy cơ tiềm ẩn, không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Kiểm tra, xử lý vi phạm, kết hợp hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Tại quận 8, Công an quận phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các chợ tự phát, các trường hợp tụ tập đông người tại nơi công cộng, khu dân cư, các điểm kinh doanh vi phạm quy định về phòng, chống dịch thì kiên quyết xử lý hoặc đề xuất xử lý đóng cửa các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Tại quận 4, mặc dù đã có thông báo nhưng một tiệm sửa xe trên đường Tôn Đản vẫn mở cửa để kinh doanh rau quả. Sau khi tuần tra, phát hiện Công an quận 4 đã giải tán và xử lý hành chính nhiều người.

Tại quận Phú Nhuận, UBND quận đã triển khai các chốt kiểm soát những trường hợp người dân không thực hiện đúng chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19. Các công viên, khu vực công cộng đã ngừng hoạt động, người dân không được ra vào tụ tập, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp cố tình vi phạm.

Hàng hóa đầy ắp tại siêu thị Co.op Mart trong ngày 9/7.

Tại Công viên Gia Định, phường 9, quận Phú Nhuận, mặc dù các bảng thông báo dừng hoạt động, dây đã căng tại các khu vực nhưng vẫn có người cố tình vào tập thể dục. Chốt chặn tại khu vực này đã lập biên bản xử lý 4 trường hợp vi phạm với tổng mức phạt là 8 triệu đồng. Theo một cán bộ trong đoàn, tại quận Phú Nhuận, UBND quận Phú Nhuận đã triển khai 65 chốt kiểm soát (mỗi phường 5 chốt) và 29 tổ kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16.

Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 16, chiều tối 8/7, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tạo “luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển hàng hóa và chuyên gia cùng công nhân trong thời gian áp dụng chỉ thị này. Do vậy, ngày đầu tiên thực hiện cách ly xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, mọi hoạt động đã nhanh chóng được lưu thông, các phương tiện chở hàng hóa cung ứng cho thành phố được tạo điều kiện thuận lợi.

Bên cạnh đó, ngày 9/7, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo các địa phương từ cấp quận, huyện đến phường, xã, thị trấn chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân trên địa bàn và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để yên tâm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Cùng với đó, tổ chức lực lượng tình nguyện viên của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên hỗ trợ “đi chợ thay”; trực tiếp đặt hàng qua điện thoại tình nguyện viên và giao trực tiếp đến các đối tượng nêu trên; chủ động cung cấp các suất ăn miễn phí cho người già neo đơn, người bệnh và các đối tượng khác.

Với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Tô Thị Bích Châu kêu gọi người dân gặp khó khăn, phục vụ người dân chưa chu đáo thì báo giúp bằng điện thoại để có biện pháp hỗ trợ. 

Đảm bảo ANTT tại các chốt kiểm soát dịch bệnh

Ngày 9/7, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết căn cứ diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và nhằm góp phần triệt để khoanh vùng, tập trung truy vết, dập dịch trong cộng đồng, từ 0 giờ ngày 9/7, UBND thành phố đã tổ chức tái hoạt động đối với 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 do thành phố kiểm soát. 

Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra phương tiện tại các chốt phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16.

Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục bố trí lực lượng thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh; các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo chức năng, thẩm quyền của lực lượng Công an.

Theo ghi nhận của phóng viên CAND vào sáng 9/7, tại các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở khu vực cầu Trường Đai, giáp ranh quận Gò Vấp và quận 12; tại chốt, trạm kiểm soát ở khu vực chân cầu Phú Long, quận 12 (giáp ranh với tỉnh Bình Dương), lực lượng Cảnh sát giao thông – Trật tự, Cảnh sát cơ động, y tế, Thanh tra giao thông, Dân quân tự vệ… đã có mặt để làm nhiệm vụ.

Tại trạm kiểm soát ở khu vực chân cầu Phú Long, quận 12 (giáp ranh với tỉnh Bình Dương), lực lượng CSGT đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm giấy tờ cũng như hỏi về việc đi lại, Y tế sẽ đo thân nhiệt người tham gia giao thông… Nếu có mục đích rõ ràng thì sẽ được tiếp tục lưu thông, ngược lại, nếu không có mục đích đi lại rõ ràng, CSGT sẽ yêu cầu người đi đường quay đầu, không được phép đi vào địa bàn quận 12.

Sáng cùng ngày, Thượng tá Phạm Đình Ngọc, Trưởng Công an quận 12 cùng lãnh đạo UBND quận 12 đã tới động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm kiểm soát khu vực chân cầu Phú Long. Thượng tá Phạm Đình Ngọc cho biết, tại trạm kiểm soát này, Công an quận đã điều 4 cán bộ chiến sĩ (gồm 2 Cảnh sát giao thông – Trật tự, 2 Cảnh sát cơ động của Bộ Công an tăng cường) cùng với cán bộ y tế, dân quân tự vệ để làm nhiệm vụ tại trạm kiểm soát này.

Cũng theo Thượng tá Phạm Đình Ngọc, trên địa bàn quận 12, các chốt kiểm soát trong các khu dân cư rất nhiều, có cả trăm chốt. Nhưng có một số chốt, trạm chính, quan trọng như trạm kiểm soát ở khu vực cầu Phú Long tiếp giáp Bình Dương, khu vực Bệnh viện dã chiến có hàng ngàn bệnh nhân COVID-19 ở đó, khu phong tỏa ở phường Tân Thới Nhất, phường Trung Mỹ Tây, Thạnh Xuân…

Ngoài ra, Công an quận, phường cũng chú trọng các khu dân cư đông để kiểm soát sự ra vào của người dân. Công an quận đã chỉ đạo Công an 11 phường phân công lực lượng phối hợp với cơ quan chức năng của phường đồng loạt ra quân kiểm tra và xử lý nghiêm việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16. Bên cạnh đó, Công an các phường tham mưu cho UBND các phường phát loa tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Ghi nhận tại chốt trạm thu phí Phước Long ở cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, lượng xe lưu thông khá đông nên cũng xảy tình trạng ùn ứ, nhiều phương tiện không đáp ứng đủ yêu cầu quy định nên phải quay đầu. Lực lượng trực tại chốt, nhất là CSGT, Thanh tra giao thông hoạt động hết công suất và tài xế đều chấp hành quay đầu xe khi không có đủ giấy tờ về phòng chống dịch.

Tại các cửa ngõ phía Tây thành phố, nhiều phương tiện cũng được các cán bộ, chiến sĩ CSGT yêu cầu quay đầu xe vì không đủ các loại giấy tờ đảm bảo công tác chống dịch.

Ngày 9/7, ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID -19 theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ. Theo ghi nhận của PV trong buổi sáng cùng ngày, hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi liên tục được các nhân viên túc trực tiếp ứng kịp thời, đầy ắp trên các quầy. Còn tại các địa bàn, các cửa ngõ ra vào thành phố, lực lượng Công an tăng cường lực lượng đảm bảo ANTT, giao thông, kiểm soát phòng, chống dịch.
Nhóm PV
.
.