Tính cấp thiết của việc nạo vét chỉnh trị sông Hậu

Thứ Sáu, 20/04/2018, 08:38
Những ngày qua, hàng chục hộ dân ở ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú (An Giang) đã không nghe nội dung giải thích của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, mà kịch liệt “tuyên chiến” với đơn vị thi công Dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đoạn sông Hậu (thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và xã Vĩnh Trường, Đa Phước, huyện An Phú).


Đây là dự án được UBND tỉnh An Giang quyết định phê duyệt nhằm nạo vét cát chỉnh trị dòng chảy hạn chế tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Hậu, thuộc xã Châu Phong trong thời gian qua. 

Trước khi thực hiện dự án, đơn vị chức năng tỉnh An Giang đã phối hợp cùng UBND các xã tổ chức họp dân lấy ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Kết quả người dân đồng tình thực hiện dự án. 

Thế nhưng, khi triển khai dự án, lo ngại nạo vét cát sẽ làm bờ Vĩnh Trường sạt lở nên nhiều người dân phản đối. Cụ thể vào cuối tháng 1-2018, hàng chục hộ dân đã chạy ghe ra giữa sông để phản ứng với công nhân xáng cạp của đơn vị thi công đang hút cát. Lúc này, UBND tỉnh An Giang tiếp tục chỉ đạo họp dân để giải đáp thắc mắc và tầm quan trọng, tính cấp bách của dự án, tiếp đó dự án được tiếp tục thi công. 
Người dân xã Vĩnh Trường tập trung để phản đối và yêu cầu dự án ngưng thi công.

Cho đến ngày 16-4, cũng chính những hộ dân trên tiếp tục ra sông để phản đối và “tuyên chiến” với sà lan hút cát của đơn vị thi công. Đáng nói hơn, khi bị lực lượng chức năng ngăn cản, không thể dùng phương tiện, những người này liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm, ôm cây chuối, bơi tự do ra giữa dòng sông để ngăn cản sà lan hút cát.

Theo tìm hiểu, hơn 20 hộ dân của xã xã Vĩnh Trường đứng ra phản ứng cho rằng, khu vực này là đất bãi bồi nhiều năm nay. Bà con vùng này đa số nghèo, mỗi người chỉ có một nền nhà sinh sống ven sông Hậu và tận dụng đất ven sông để canh tác. Nếu nạo vét khả năng gây sạt lở khu vực này. 

Anh Huỳnh Văn Hải (31 tuổi, xã Vĩnh Trường) cho biết, dự án được thực hiện trước Tết Nguyên đán đến nay và người dân nơi đây đã phản đối. Chính quyền có mời họp dân nhưng chúng tôi không đồng ý. 

“Yêu cầu của chúng tôi là ngành chức năng phải cho dừng dự án hoặc cam kết sau này có bị sạt lở phải chịu trách nhiệm. Ai nấy cũng sợ múc lấy cát sẽ gây sạt lở, bởi phía bờ xã Châu Phong không làm gì mà nhà cửa, đất vườn cứ nối tiếp xuống sông”, bà Nguyễn Thị Thủy (ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường), nêu ý kiến.

Phía bên bồi là vậy, còn phía bên lở - xã Châu Phong, hàng chục hộ dân đã được di dời về khu dân cư sinh sống do ảnh hưởng của sạt lở. Chỉ tay về quán nước nhỏ của gia đình, nằm cheo leo trên phần đất nhỏ còn sót lại sau đợt sạt lở, bà Đinh Thị Sắc (ngụ ấp Vĩnh Lợi 2, xã Châu Phong) cho biết: 

“Trước đây, từ nhà tôi đến sông cách nhau hơn 20 mét đất. Thế nhưng, sạt lở bào mòn, cuối cùng căn nhà cũng bị đổ xuống sông Hậu một phần. May mắn là chính quyền địa phương bố trí nền tái định cư. Nhưng nếu không thay đổi dòng chảy, cứ đà này vài năm tới xã Châu Phong sẽ biến mất giữa dòng sông Hậu”. 

Hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở phía xã Châu Phong cho rằng, việc cơ quan chức năng cho hút cát để chỉnh trị dòng chảy để 2 bên bờ được hài hòa là rất hợp lí. Đồng thời, mong muốn các hộ dân phía bên kia sông Hậu cần bình tĩnh, không nên bơi ra sông phản đối sẽ rất nguy hiểm.

Ghi nhận đến chiều ngày 19-4, sau khi được chính quyền địa phương cùng nhiều cán bộ chiến sĩ Công an huyện An Phú tuyên truyền, vận động, các hộ dân tại ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường đã không còn phản đối gay gắt. 

Thượng tá Huỳnh Văn Đảm, Trưởng công an huyện An Phú, cho biết: “Để tránh xung đột dẫn đến những tình huống đáng tiếc giữa người dân tại xã Vĩnh Trường và công nhân của đơn vị thi công, Công an huyện An Phú đã phân công cán bộ đến hiện trường, tuyên truyền ổn định tình hình, không để người dân tự ý đi ghe hoặc bơi ra dòng sông để phản đối việc hút cát. Đến nay, tình hình tại xã Vĩnh Trường đã ổn định”.

Trao đổi thêm với PV Báo CAND, ông Nguyễn Bảo Trung, Chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp cùng chính quyền địa phương tiếp tục đối thoại với bà con, tuyên truyền vận động để bà con hiểu rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của dự án.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (đơn vị tư vấn khảo sát, nghiên cứu và đề xuất phương án nạo vét), nếu không thực hiện nạo vét bờ xã Vĩnh Trường, dòng nước xoáy từ ngã ba sông Vĩnh Trường chảy dài xuống tận phà Châu Giang sẽ xoáy vào đường bờ Châu Phong gây sạt lở, uy hiếp đến 3.400ha lúa 3 vụ. 

Thậm chí, sạt lở liên tiếp nhiều năm liền khả năng xóa sổ xã Châu Phong. Nạo vét khu vực trên sẽ tạo cân bằng cho địa hình đáy sông, hướng dòng chảy chính điều chỉnh về hướng giữa dòng và ra xa bờ Châu Phong khoảng 25m, giảm áp lực nước lên đường bờ xã Châu Phong khoảng 30% so hiện tại, đảm bảo mục tiêu chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đường bờ xã Châu Phong, bảo vệ tuyến dân cư đường lộ Long An - Châu Phong. 

Theo phê duyệt, dự án được thực hiện trong 2 năm. Chiều dài đoạn nạo vét là 1,4km, rộng 130-180m và sâu 11m. Tổng trữ lượng cát thu được ước khoảng 700.000m³, chủ yếu là cát bùn.

Trước khi thực hiện dự án, UBND tỉnh An Giang đã giao Sở Nn&ptnt Tiển khai dự án xây dựng kè đường bờ xã Châu Phong và giao Sở TN&MT triển khai dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở theo hình thức xã hội hóa. 

Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã công bố công khai để lựa chọn nhà thầu. Kết quả Công ty TNHH MTV Khoáng sản Minh Thư được chọn là nhà đầu tư và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam là đơn vị tư vấn khảo sát, nghiên cứu và đề xuất phương án nạo vét đảm bảo mục tiêu chỉnh trị dòng chảy. 

Trần Lĩnh
.
.