Trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh vùng lũ

Thứ Năm, 29/09/2016, 08:53
Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn và Vu Gia, hằng năm thường hứng chịu những trận lũ lớn. Vì thế, thời gian qua, các trường học đã quan tâm trang bị cho kỹ năng bơi lội cho học sinh…


Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn và Vu Gia, hằng năm thường hứng chịu những trận lũ lớn. Nơi đây cũng đã xảy ra nhiều vụ học sinh, trẻ em tắm sông, hoặc bị lũ cuốn chết đuối thương tâm. Vì thế, thời gian qua, các trường học đã quan tâm trang bị cho kỹ năng bơi lội cho học sinh; trong đó, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (khu 7, thị trấn Ái Nghĩa) là đơn vị có bể bơi được trang bị đầy đủ và khai thác hiệu quả nhất…

Thầy Đỗ Xuân Thưởng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu, cho biết, xuất phát từ mong muốn làm giảm thiểu tai nạn sông nước cho học sinh, nhà trường đã tìm hiểu và xin hỗ trợ bể bơi. Đến năm 2012, tổ chức Swim Vietnam đã đồng ý hỗ trợ một bể bơi để phục vụ cho công tác dạy bơi tại trường. 

Bể được xây dựng phía sau khuôn viên trường, được thiết kế theo kiểu di động, có đầy đủ thiết bị hỗ trợ và việc khử trùng bể được thực hiện đều đặn 2 lần/tuần. Vì thế, vệ sinh nguồn nước và an toàn cho các em luôn được đảm bảo. Bên cạnh đó, niềm vui của thầy và trò trong trường càng được nhân lên khi được UBND huyện Đại Lộc hỗ trợ 300 triệu đồng để xây dựng công trình phụ trợ cho bể. 

Một điểm dạy bơi lội cho học sinh.

“Từ đó đến nay, bể bơi của trường không chỉ là nơi dạy bơi cho gần 2.000 học sinh trong trường mà còn cho các trường khác trên địa bàn như: Trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu, Trương Hoành, Đoàn Nguyên, THCS Trần Hưng Đạo...”, thầy Thưởng chia sẻ. 

Là một trong những giáo viên dạy bơi cho học sinh, thầy Nguyễn Sự phấn khởi cho biết: Việc dạy kỹ năng bơi lội cho học sinh ngay từ cấp tiểu học là rất cần thiết, bởi nó có tầm quan trọng lớn đối với các em trong cuộc sống. Mặc dù lúc đầu có rất nhiều em nhút nhát, sợ nước và chưa bơi được, thế nhưng sau khi được các thầy cô hướng dẫn, động viên thì các em cũng làm quen được với bơi lội và yêu thích bộ môn này hơn. 

Dựa theo lịch bơi đã phân sẵn mà hằng ngày, các nhóm học viên từ các trường sẽ đến đây để học và rèn luyện kỹ năng bơi lội. Trước khi được tiếp xúc với bể bơi, các em phải trải qua 18 bài học lý thuyết kỹ lưỡng, được hướng dẫn về an toàn sông nước và cách ứng phó với tai nạn, sau đó mới được thực hành để đảm bảo an toàn…

Được biết, từ năm 2008 đến nay, tổ chức Swim Vietnam đã vận động các tổ chức đầu tư xây dựng 8 hồ bơi tại 7 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Nam và tổ chức dạy bơi miễn phí cho 57.000 học sinh vùng lũ kỹ năng an toàn dưới nước. 

Cụ thể, xây dựng 2 bể bơi cố định tại Hội An và lắp đặt 6 bể bơi nổi ở các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Tiên Phước, Quế Sơn và Tam Kỳ. Trong 8 năm qua, các thầy cô giáo và tình nguyện viên của tổ chức Swim VietNam đã dạy bơi cho gần 17.000 học sinh và dạy an toàn dưới nước cho hơn 40.000 em nhỏ ở những địa phương vùng lũ tại Quảng Nam. 

Bên cạnh học bơi, các em còn học kỹ năng sống sót dưới nước, giúp đỡ người bị nạn. Ngoài ra, tổ chức Swim Vietnam còn hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng cho 300 giáo viên dạy bơi lội và hơn 100 giáo viên đang tham gia giảng dạy tại các trường học… 

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho rằng, Quảng Nam là một trong những địa phương có mật độ sông suối dày đặc và thiên tai thường diễn biến thất thường, việc người dân được trang bị kỹ năng bơi lội, nhất là các em học sinh, lứa tuổi dễ gặp tai nạn sông nước, thì việc dạy bơi được xem là thứ yếu và mang nhiều ý nghĩa.

Hà Ngọc
.
.