Diện mạo mới ở miền núi Khánh Hòa

Thứ Tư, 06/12/2023, 08:24

Khánh Hòa có 35 dân tộc thiểu số (DTTS) với 72.000 người đang sinh sống ở hai huyện miền núi (MN) Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một số xã MN thuộc huyện Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa, TP Cam Ranh, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh; trong đó có 77,62% là dân tộc Raglai… Và trong giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa có 28 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và MN, trong đó có 66 thôn đặc biệt khó khăn.

a.jpg -1
Một góc phố huyện miền núi Khánh Vĩnh.

Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp đồng bộ để đầu tư đổi mới và phát triển diện mạo vùng đồng bào DTTS và MN. Trong Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 11/1/2021 của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đặt ra mục tiêu quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó có mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát nghèo, trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng trong năm 2030.

Điều đáng lưu ý đó là Khánh Hòa không chỉ được ngân sách Trung ương hỗ trợ 85% nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) vùng đồng bào DTTS và MN theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Chính phủ, mà Quốc hội đã có Nghị quyết 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khánh Hòa, trong đó cho phép các huyện, thị xã, thành phố sử dụng ngân sách địa phương và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện chương trình MTQG. Đó là cơ hội tốt để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN ở Khánh Hòa.

Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau 30 tháng thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 11/1/2021 của Tỉnh ủy, bình quân thu nhập hàng năm của mỗi người dân vùng DTTS và MN đạt 22 triệu đồng, tăng 1,57 lần so với năm 2020; hộ nghèo giảm 6,2%, 100% thôn, xã có đường ôtô thảm nhựa – bê tông đến trung tâm, 61,9% trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, 95,4% số thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, 100% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 100% đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt vệ sinh, 100% khu dân cư phủ sóng phát thanh, truyền hình, 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế, 100% người có uy tín được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, 65,8% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp nhu cầu…

1_20230804225715.jpg -0
Nông dân huyện Khánh Sơn với niềm vui được mùa sầu riêng.

Trong tổng nguồn vốn 782,5 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG vùng DTTS và MN ở Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, có gần 619,5 tỷ đồng của Trung ương và hơn 163 tỷ đồng của địa phương. Dự ước đến cuối năm nay giải ngân 261,5 tỷ đồng nguồn vốn được giao hai năm 2022-2023, đạt 80,1%. Bên cạnh đó, hai năm qua còn có nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng 202 căn nhà cho hộ nghèo vùng DTTS với tổng kinh phí 16 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị hỗ trợ cho các xã trong sản xuất nông nghiệp, giáo dục, hoạt động xã hội hơn 3 tỷ đồng.

Từ hiệu quả đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và tầm nhìn, đã có 318 hộ nhận khoán bảo vệ 9.045ha rừng; các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng 6 mô hình liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 821 hộ dân tham gia 54 mô hình sinh kế cộng đồng, hơn 80% hộ nghèo chủ động vay vốn chính sách xã hội xây dựng nhà ở, đẩy lùi tư tưởng trông chờ nhà nước hỗ trợ 100%. Trong 2 năm qua đã có 176 hộ được hỗ trợ đất, 1.470 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà mới, 853 hộ thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, 1.046 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.

Đến miền núi Khánh Hòa hôm nay du khách sẽ cuốn hút trước vùng chuyên canh hơn 2.300ha ở huyện Khánh Sơn, 700ha bưởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh và nhiều vùng xen canh mía tím, măng cụt, chôm chôm, chuối gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm… đã tạo nên thương hiệu sản phẩm đặc trưng giá trị kinh tế cao, nên nhiều hộ đồng bào DTTS sản xuất giỏi có thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng.

Bà Cao Thị Nỷ, trú ở thôn Suối Cá, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh hồ hởi cho biết, gia đình bà cùng nhiều hộ nghèo được Trung ương và tỉnh hỗ trợ 80 triệu đồng, rồi được vay thêm 40 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách ưu đãi đặc biệt để xây nhà mới thay cho căn nhà cũ xập xệ, dột nát. Bà còn được hỗ trợ học nghề nấu ăn để mở quán ăn sáng tại nhà có thêm đồng ra đồng vào nên thoát khỏi hộ nghèo. Cùng niềm vui đổi mới, bà Cao Thị Thịnh, trú ở thôn Gia Răng, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh cho hay nhờ có kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn tận tình nên gia đình bà thoát khỏi hộ cận nghèo từ hiệu quả trồng hơn 100 cây bưởi da xanh trên 3 sào đất.

Diện mạo vùng DTTS&MN ở Khánh Hòa thêm đổi mới trong hai năm qua khi nhà nước đầu tư xây dựng, nâng cấp 83 công trình giao thông nông thôn, văn hóa thể thao, trạm y tế, trường học với tổng kinh phí 117,8 tỷ đồng, đến cuối năm nay đã có 43 công trình hoàn thành, đạt 78,5% kế hoạch.

Góp phần để Chương trình MTQG vùng DTTS&MN lan tỏa sâu rộng, tác động hiệu quả trong đời sống của người dân và tạo nên diện mạo mới ở miền núi Khánh Hòa là những nỗ lực tích cực của lực lượng Công an thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ động nắm chắc tình hình để triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và MN, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân. Chương trình MTQG vùng DTTS và MN đã và đang thắp sáng miền núi Khánh Hòa để hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát nghèo trong năm 2025 và trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng trong năm 2030.

Hữu Toàn
.
.