Hòn Trống Mái sẽ được bảo tồn như thế nào (?)

Thứ Sáu, 18/08/2023, 17:00

Thông tin từ Ban quản lý vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, công tác bảo tồn hòn Trống Mái đến nay đã cơ bản hoàn thành những giải pháp cần thiết, nhằm giữ gìn một trong những sản phẩm thiên nhiên đặc sắc nhất trên vịnh Hạ Long, vốn từ lâu đã được xem là biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh.

Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, quần thể vịnh Hạ Long có tổng diện tích khoảng 1.553km2, bao gồm 1.969 đảo đá có có giá trị đặc biệt về địa chất - địa mạo, cảnh quan, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Tuy nhiên, các quá trình địa chất - địa động lực hiện tiếp tục diễn ra, đã tác động đến một số khu vực, tạo ra nhiều nguy cơ làm thay đổi kết cấu truyền thống của quần thể này, mà một trong những địa danh nổi tiếng tiềm ẩn nguy cơ cao nhất là hòn Trống Mái. Chính vì vậy, tỉnh Hạ Long từ lâu đã có phương án chủ động, nhằm ngăn ngừa nguy cơ này.

Quảng Ninh nỗ lực bảo tồn hòn Trống Mái -0
Hòn Trống Mái (vịnh Hạ Long) đang đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn do tác động địa chất.

Hòn Trống Mái còn có tên gọi khác là hòn Gà Chọi, gồm 2 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống, mái cao khoảng 13,9m, nằm cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy (TP Hạ Long) khoảng 5km về phía Tây Nam.

Đây là một trong những cụm đảo nổi tiếng nhất của vịnh Hạ Long, xuất hiện với vị thế là biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chỉ dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

Tuy nhiên, vì nằm ở vị trí có phần độc lập, dưới sự tác động của sóng gió, nước biển, khí hậu tự nhiên và cả nhân tạo, hòn Trống Mái trải qua quá trình hoạt động địa chất có cấu tạo đơn nghiêng với nhiều hệ thống khe nứt.

Ngày 24/3/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quyết định số 730/QĐ-UBND về thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long”.

Liên quan đến công tác này, ông Phan Đăng Chính - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Ninh chia sẻ, việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái có ý nghĩa quan trọng, thiết thực phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho nhiều thế hệ.

Trong đó, Viện khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài Nguyên-Môi trường) là đơn vị chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Khoa học - Công nghệ, cùng một số cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Ninh cùng vào cuộc thực hiện.

 Sau thời gian nỗ lực, các cơ quan nói trên đã tổ chức triển khai đúng tiến độ, kịp thời báo cáo đề xuất các giải pháp, bảo tồn hòn Trống Mái.

Đến nay, nhiệm vụ trên cơ bản hoàn thành đầy đủ các nội dung, sản phẩm theo đúng quyết định phê duyệt.

Theo đó, các chuyên gia đề xuất các giải pháp để giảm thiểu nguy cơ trượt lở, đổ lở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định hòn Trống Mái.

Một số giải pháp khả thi được lựa chọn là dùng neo bảo vệ các khối trượt, bơm trám xi măng các khe nứt, xây tường bê tông chịu lực hỗ trợ gia cố các vách hang và hệ thống đê bao vòng quanh chân cụm đảo nhằm giúp xử lý độ ổn định chân đế hòn Trống Mái… theo nguyên tắc hạn chế tác động tối đa, song song với bảo tồn, không làm thay đổi cảnh quan của hòn Trống Mái.

Trước mắt, Sở Khoa học – Công nghệ Quảng Ninh đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh có giải pháp phân luồng, thời gian và tốc độ lưu thông của phương tiện qua lại cho phù hợp, nhằm giảm thiểu tác động xâm thực, ăn mòn,  gây ảnh hưởng đến an toàn, sự ổn định của hòn Trống Mái.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Quảng Ninh Phan Đăng Chính, Sở yêu cầu Viện Khoa học địa chất - khoáng sản hoàn thành các nội dung, thủ tục công việc của nhiệm vụ để nghiệm thu bàn giao cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long trong tháng 8 này, để sớm báo cáo UBND tỉnh cho triển khai các giải pháp bảo tồn tiếp theo.

Văn Minh
.
.