Khắc khoải mong mưa ở “rốn” hạn Cà Mau

Thứ Ba, 19/03/2024, 08:00

Bắt đầu từ mùa hạn 2015 2016, những diễn biến bất thường của thời tiết đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội (KTXH) cho tỉnh Cà Mau. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau nhận định: “Những diễn biến khốc liệt của hạn, mặn tại Cà Mau từ hiện tượng bất thường dần hình thành quy luật theo chu kỳ 3-4 năm/lần, sẽ có những mùa hạn với mức độ nghiêm trọng hơn. Không chỉ là những giải pháp thời điểm, mà cần thiết hơn là những tính toán lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)”.

Oằn mình chống hạn, sạt lở, sụt lún

Từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời oằn mình chống chịu với mùa khô hạn. Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời thông tin: “Mùa hạn 2019-2020, vùng ngọt hoá mà trọng điểm là Trần Văn Thời đã có trên 1.000 điểm sụt lún, gây thiệt hại lớn về KTXH, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân sinh. Mùa hạn năm nay được dự báo còn kéo dài, số lượng, hậu quả mà sụt lún gây ra ở mức báo động.”.

Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời cho biết: “Có 120 tuyến kênh nội đồng xảy ra hiện tượng sạt lở, sụt lún, tổng số điểm sạt lở, sụt lún ở mức 500 vụ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tổng chiều dài sạt lở, sụt lún khoảng 12.000m với thiệt hại hạ tầng cơ sở, chủ yếu là lộ giao thông”. Theo ông Sử, huyện Trần Văn Thời (2 thị trấn và 11 xã) đều bị ảnh hưởng.

Một số xã vùng ngọt hoá của Trần Văn Thời như: Khánh Hải, Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc trở thành “rốn” khô hạn của tỉnh Cà Mau. Ông Phạm Thành Được, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, lo lắng: “Toàn xã có gần 200 điểm sạt lở, sụt lún, có những nơi gây thiệt hại hoàn toàn lộ giao thông nông thôn, tê liệt việc di chuyển, đi lại của người dân. Các vụ việc sạt lở, sụt lún được cập nhật hàng giờ, hàng ngày, và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”. Bà Lê Thị Hồng, ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, nhà trên tuyến bờ Bắc kênh chống Mỹ chưa hết bàng hoàng khi kể lại vụ sụt lún mà bà tận mắt chứng kiến: “Cả đoạn đường rộng 1,5m dài hơn 200m chỉ trong nháy mắt đổ ụp xuống, không ai hiểu chuyện gì. Bà con xúm lại giăng dây cảnh báo để tránh người lưu thông xảy ra tai nạn. Còn việc đi đứng của bà con thì đứt đoạn, mất lộ, sông cạn thì bó tay. Khổ nhất là trúng ngay lúc thu hoạch lúa, nông dân ai cũng than trời”.

Khắc khoải mong mưa ở “rốn” hạn Cà Mau -0
Hàng trăm tuyến lộ trên địa bàn huyện Trần Văn Thời bị sụt lún, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Tại ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi tuyến kênh Cơi 4 – Quảng Hảo ghi nhận thiệt hại lớn về hạ tầng giao thông vì hạn hán. Ông Trịnh Văn Tùng, người dân nơi đây chia sẻ: “Tuyến lộ 3m mới đưa vào sử dụng cách nay 2 năm, nay bị phá huỷ hầu như hoàn toàn. Ngay trước nhà tôi, đoạn lộ cả trăm mét đã sụt lún, bể nát. Không có dấu hiệu gì báo trước, nó sụt cái ầm, bà con đâu biết làm sao. Ngặt nhất là đúng vụ bà con thu hoạch lúa”.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng hết sức cấp thiết. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.700 hộ thiếu hoặc khó khăn về nước sinh hoạt. Huyện Trần Văn Thời có 537 hộ, với gần 2.200 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt. Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời cho biết: “Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiến cứu nạn tỉnh đã hỗ trợ bồn trữ nước cho một số bà con ở cuối tuyến ống cấp nước. Cách các khu vực đó không xa có trạm cấp nước tập trung. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh có vào kiểm tra, chỉ đạo là cho kéo dài tuyến ống cấp nước đến bà con khu vực có trạm cấp nước”.

Sống chung với hạn, mặn

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá: “Nguyên nhân của thực trạng sụt lún, sạt lở khốc liệt là do mực nước kênh rạch và trên ruộng chênh lệc lớn; kết cấu đất ven sông không tốt. Bên cạnh đó, khi thi công, nạo vét kênh rạch thủy lợi có những nơi sâu hơn mức trung bình cho phép nên mất chân đất chịu lực. Ngoài ra, đa số công trình giao thông nằm gần bờ kênh, gia tải lớn, khi mực nước xuống thấp đã dẫn đến trượt, sạt, sụt lún đất”.

Thực tế cho thấy, trong quá trình cải tạo, bồi trúc làm bờ bao, đường giao thông nông thôn và người dân lấy đất sử dụng đã đào lòng kênh quá sâu, quá gần với mép bờ kênh, độ dốc mái kênh lớn, dẫn đến mất ổn định, sạt lở bờ kênh kéo theo sụt lún mặt đường. Một nguyên nhân khác là người dân trữ nước ở trên ao hồ, mặt ruộng (đặc biệt với gần 60 ha người dân tự ý làm vụ 3) làm cho nước lòng kênh hạ thấp, nước từ mặt ruộng, ao đìa thẩm thấu, rò rỉ xuống lòng kênh gây ra sạt trượt đường giao thông nông thôn.

Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời giải thích thêm: “Do thói quen sản xuất, người dân sử dụng nước chưa hiệu quả, chưa tiết kiệm. Cụ thể, tại thời điểm xuống giống lúa vụ 2, phải bơm nước ra kênh làm cho lượng nước ngoài kênh lớn, dẫn đến phải mở cống xả bỏ nước ngọt ra biển Tây. Đây cũng là moat trong những lý do khiến hạn hán trở nên khốc liệt hơn”.

Về nước sinh hoạt cho người dân, Sở NN&PTNT Cà Mau đưa ra giải pháp, trước mắt huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang cùng người dân địa phương tham gia lắp đường ống nổi trên mặt đất và vòi nước công cộng để cho người dân thuận tiện lây nước sử dụng. Với hơn 1.300 hộ sống ở khu vực dân cư thưa thớt cấp phát mỗi gia đình 1 bồn nhựa; với gần 1.000 hộ dân cư sinh sống gần công trình cấp nước tập trung, nhưng chưa tiếp cận được nước sẽ mở rộng mạng đường ống cấp nước; hơn 1.400 hộ dân sống trong khu vực có trạm cấp nước nhưng do nhu cầu sử dụng cao bị quá tải sẽ thực hiện cấp nước luân phiên.

Ông Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam đã chỉ ra nguyên nhân chính gây sụt, sạt lở đất là thiếu nước và đề xuất, cần cơ cấu, thực hiện sớm vụ mùa sản xuất. Tuy nhiên, thực tế sản xuất của vùng ngọt hoá Cà Mau lại còn nhiều vướng mắc nếu thực hiện đề xuất trên. Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời đề xuất: “Ngành chức năng phải làm tốt hơn công tác dự báo thời tiết, nhất là tính toán được thời điểm có diễn biến thất thường. Cơ cấu lại vụ mùa và vận động nhân dân thực hiện là cần thiết nhưng phải trên cơ sở thực tiễn sản xuất của từng vùng, từng nơi. Vấn đề nữa là cần đầu tư đầy đủ hệ thống đê bao chống tràn và các trạm bơm điều tiết chống ngập úng mới đảm bảo sản xuất sớm, tránh mất nước trong mùa khô”.

V.Đức – P.Nguyên
.
.