Những người bước qua bóng tối tái hoà nhập cộng đồng

Thứ Sáu, 15/12/2023, 15:02

“Tôi đã có tội/ làm gì để xoá đi/ đến với tôi phía trước/ hay nhìn lại đằng sau/ Tôi xin đời một lần/ thôi không hờn trách/ bên tôi còn đời/ còn đời còn tôi..” lời bài hát “Vết nhơ” cứ thổn thức khi tôi ngồi với tâm sự với những người đã từng có một quá khứ lỗi lầm và tôi hiểu: hơn ai hết chính họ rất cần sự cảm thông để bước qua bóng tối hoà nhập với cộng đồng.

Vượt lên nghịch cảnh

Lĩnh án chung thân về tội giết người, tưởng như cánh cửa cuộc đời đã đóng sập với Lê Văn Chiến, ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Nhưng, ngay sau bản án của Toà án, Lê Văn Chiến đã tự mình nuôi một ý chí là trở lại với cuộc đời, làm người có ích, đó cũng là cách để Chiến chuộc lại lỗi lầm.

Từ ý chí đến hành động, bước vào cổng trại giam, Lê Văn Chiến đã phấn đấu từng ngày, từng ngày một với suy nghĩ sẽ có ngày được trở về. Và sau 15 năm cải tạo tốt, Lê Văn Chiến đã được trở về địa phương.

Những người bước qua bóng tối tái hoà nhập cộng đồng -0
Các địa phương trên địa bàn Quảng Bình đang chung tay hỗ trợ, động viên những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống. 

Đêm đầu tiên được ngủ ở nhà sau 15 năm biền biệt nhận án tù, Chiến hiểu “cuộc chiến” để tái hoà nhập với bà con, làng xóm là không hề đơn giản. Bản án tù Chiến đã trả nhưng giờ là lúc Chiến phải trả “bản án” với cuộc đời, với những lời dị nghị và có chút hờn oán…Nhưng may mắn, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, Lê Văn Chiến đã nhận được sự động viên, hỗ trợ, giúp đỡ từ chính gia đình, cán bộ Công an xã cùng chính quyền địa phương. Chiến mở lòng và mọi người đều sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ để Chiến có được cơ hội hoàn lương, trở thành người có ích.

Chiến tâm sự “Khi mới về cũng không dám ra đường, sợ người ta ngại mình gặp phải thằng tù, thằng giết người. Còn bạn bè cũ cũng ngại gặp, vì thấy cuộc sống của mình đã thua kém họ quá nhiều nên có một khoảng cách vô hình. May mắn cho tôi lúc đó còn có gia đình, rồi cả sự quan tâm của chính quyền địa phương, động viên tôi vượt qua sự mặc cảm, kỳ thị của bản thân”.

Phải có việc làm ổn định, thay đổi bản thân bằng những việc làm thiết thực, Lê Văn Chiến nghĩ vậy, và anh mở cửa hàng làm đồ mỹ nghệ. Những sản phẩm của Chiến đã làm ngỡ ngàng gia đình và nhiều người làng. Chính những ngày trong trại giam, nhờ sự giúp đỡ, hướng thiện của cán bộ, chiến sĩ Công an trại giam đã giúp Chiến học nghề. Với bàn tay khéo léo, tỷ mẩn và sự sáng tạo trong mỗi sản phẩm gỗ mỹ nghệ do Lê Văn Chiến làm ra được nhiều người biết đến.

Những người bước qua bóng tối tái hoà nhập cộng đồng -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình xuống địa bàn thăm hỏi, động viên người chấp hành xong án phạt tù hoà nhập cuộc sống. 

Khách hàng nhiều, anh thuê một số thanh niên trong địa phương đến làm, đào tạo nghề cho họ…Và từ đây Chiến đã thực sự hoà nhập cộng đồng. Tiếp đó, cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ ngày một lớn, Lê Văn Chiến đã gọi một số người chấp hành xong án phạt tù đến làm với anh. Chính anh lại tiếp tục bắc cầu về nẻo thiện cho những người khác hoà nhập cộng đồng.

Cũng giống như Lê Văn Chiến, khi bước chân vào trại giam với tội danh cố ý gây thương tích, Trương Quang Viễn ở xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình đã dặn lòng phải tự cải tạo thật tốt để ngày trở về gần hơn, làm việc để trả lại những sai lầm khi tuổi trẻ mắc phải.

Khi được đặc xá tha tù trở về địa phương, bằng nghị lực và ý thức phục thiện đã giúp cho Trương Quang Viễn sức mạnh để làm lại cuộc đời. Không gì nhanh chóng lấy lại niềm tin của mọi người bằng hành động những việc làm tốt, lời ăn tiếng nói và cách cư xử với người làng, Viễn nghĩ vậy và anh bắt tay vào lao động, sản xuất.

Trương Quang Viễn thuê đất làm trang trại, vay vốn phát triển kinh tế. Hàng ngày, nhìn thấy Viễn quần quật lao động từ sáng sớm đến tối mịt mới nghỉ tay, trang trại hoa màu và chăn nuôi của Viễn đưa lại nhiều giá trị kinh tế, không ít người làng đến lân la tìm hiểu, học theo Viễn cách phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình.

Viễn tâm sự, từ ngày ra trại đến nay anh luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn và bà con lối xóm động viên, chia sẻ, tạo điều kiện cho gia đình anh thuê đất, vay vốn phát triển kinh tế. Từ đó bản thân anh luôn muốn khẳng định mình để bù đắp cho gia đình những gì mình đã đánh mất và cũng cho mọi người thấy sự giúp đỡ của họ đối với những người lầm lỡ không phải là sai lầm.

Để đường về không còn gập ghềnh

Mong muốn cùng đồng hành, chắp cánh ước mơ, khuyến khích, cảm hóa giúp các trại viên cải tạo tốt để khi chấp hành xong án phạt từ về quê sớm hòa nhập cộng đồng, nhiều năm qua, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Bình thường phối hợp với Trại giam Đồng Sơn, Trại tạm giam Công an Quảng Bình tổ chức chương trình giao lưu “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”.

Những chương trình diễn ra trong không khí ấm áp, vui tươi với những hoạt động thiết thực như; giao lưu với phạm nhân, thanh niên đã hoàn lương thành công; chia sẻ những việc làm, chính sách thiết thực của nhà nước để tiếp thêm quyết tâm cho những thanh niên phạm nhân phấn đấu, cải tạo để làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội; định hướng cho những trại viên trong việc xác định mục tiêu, lý tưởng sống, thắp lên “Ước mơ hoàn lương”, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội…

Những người bước qua bóng tối tái hoà nhập cộng đồng -0
Công an Quảng Bình phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai phương án tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. trên địa bàn. 

Gần đây, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giống như một cái phao đã giúp cho biết bao nhiêu người bước chân ra cổng trại giam có điều kiện phát triển kinh tế, hoà nhập sớm với cộng đồng. Quyết định 22/2023/QĐ-TTg là chính sách hỗ trợ cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Chính sách này cũng nâng cao trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và các lực lượng cùng vào cuộc quan tâm, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng. Từ chính sách của Chính phủ, nhiều người chấp hành xong án phạt tù ở Quảng Bình được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng cuộc sống, phát triển kinh tế, làm lại cuộc đời.

Đến Ngân hàng chính sách xã hội để được giải ngân vốn vay, ông Lê Văn Bình ở xã Ngư Thuỷ, huyện Lệ Thủy và ông Trần Văn Định ở xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình không dấu nổi niềm vui. Các ông chia sẻ “chúng tôi đã phải trả giá cho những lầm lỗi của mình mắc phải trong quá khứ, giờ trở về địa phương được vay vốn để làm ăn, từng bước ổn định cuộc sống, chúng tôi rất biết ơn các cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ…”.

Những người bước qua bóng tối tái hoà nhập cộng đồng -0
Cơ sở du lịch sinh thái của một người sau khi chấp hành xong án phạt tù đã thu hút nhiều du khách và tạo việc làm cho người lao động ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Ông Trần Văn Tài, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi Bộ Công an và Ngân hàng chính sách xã hội phối hợp triển khai Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội các địa phương trên địa bàn phối hợp với ngành Công an, chính quyền địa phương thực hiện rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện để tiến hành giải ngân kịp thời, tạo điều kiện cho những người từng lầm đường, lỡ bước, giúp họ có điều kiện tái hòa nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống.

“Trong cuộc sống nếu ai không mắc phải sai lầm thì đó là điều thật tuyệt, nhưng nếu mắc phải sai lầm mà biết đứng dậy sửa chữa thì còn tuyệt vời hơn” câu ngạn ngữ này như một lời sẻ chia đối với những người bước ra khỏi cổng trại giam, chấp hành xong án phạt tù trở về hoà nhập với cộng đồng.

Sông Lam
.
.