Phòng ngừa cháy, nổ liên quan đến chập điện

Thứ Ba, 19/09/2023, 05:16

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2023 tình hình cháy và thiệt hại do cháy gây ra vẫn tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh…

Về nguyên nhân các vụ cháy  đã điều tra làm rõ nguyên nhân 455/881 vụ. Trong đó, do sự cố hệ thống, thiết bị điện 299 vụ.

Đơn cử, trước đó, khoảng hơn 2h sáng 19/7, một vụ cháy xảy ra tại căn nhà kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) làm 3 người trong nhà đã tử vong được xác định là anh T.D.Q. (SN 1985); chị N.T.H. (SN 1990; vợ anh Q.) và cháu T.N.L. (SN 2016; con vợ chồng anh Q.) Nhiều xe đạp, xe máy điện và đồ dùng gia đình bị cháy rụi.

1-1694591694952.jpeg -0
Vụ cháy chung cư mini xảy ra vào đêm 12/9, nguyên nhân ban đầu liên quan đến điện. Ảnh: Nguyễn Thắng

Trước đó, đêm 12/7, tại Thanh Hóa xảy ra vụ cháy tại nhà anh Lê Văn Dương, phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn khiến 2 bà cháu tử vong, bước đầu cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân gây ra vụ cháy là do nổ bình ác quy của xe điện bốn bánh nên bị chập điện dẫn đến cháy xe; tại tỉnh Thái Nguyên, khoảng 3h sáng 17/7, tại khu vực vui chơi ở Quảng trường Vạn Xuân, TP Phổ Yên cũng đã xảy ra vụ cháy bãi tập kết xe điện trẻ em, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do chập điện.

Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, cán bộ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã đưa ra những khuyến cáo về các kỹ năng phòng tránh cháy, nổ liên quan đến điện và các thiết bị tiêu thụ điện… Qua công tác điều tra các vụ cháy liên quan đến xe điện, cho thấy nguyên nhân chủ yếu do sạc điện ắc quy, pin của xe dẫn đến cháy, nổ như: Sử dụng ắc quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã bị sửa chữa, làm thay đổi thông số kỹ thuật của nhà sản xuất; lắp đặt thêm hoặc thay thế thiết bị tiêu thụ điện so với thiết kế (lắp đặt thiết bị báo động, còi, đèn tăng công suất so với thiết kế của nhà sản xuất…) hoặc chở quá tải sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc quy, pin, khi sạc điện sẽ gây hiện tượng ắc quy, pin bị phồng lên có thể gây nổ.

Bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại cũng là nguyên nhân gây ra cháy nổ ở xe điện, do mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt, nó có thể gây ra hiện tượng phóng điện hoặc chập điện, dẫn đến cháy.

Việc thay thế, sửa chữa, sử dụng bộ sạc không chính hãng, bảo đảm đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc quy, pin của phương tiện khi sạc có thể gây chập điện hoặc nổ ắc quy, pin. Sạc điện thời gian quá dài, tần suất sạc điện quá cao; sạc trong điều kiện nhiệt độ cao; sạc ngay sau khi sử dụng, ắc quy chưa kịp nguội tự nhiên; sạc gần nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt hoặc gần, bên trên các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ, đồng thời ắc quy, pin tự tỏa nhiệt mà không được thoát nhiệt cũng là nguyên nhân gây nổ ắc quy, pin, gây cháy.

Khi sạc không ngắt khóa điện nguồn điện (vừa sạc và vừa xả điện), thiết bị báo động sẽ tiêu thụ điện năng sẽ làm chức năng điều khiển của bộ sạc cảm biến sai, quá trình điều khiển tại dòng chuyển đổi không được, gây ra hiện tượng sạc không chuyển sang dòng sạc duy trì (không nhảy đèn) từ đó làm mất kiểm soát trong điều khiển của sạc, có thể gây hư hỏng, chập điện bộ sạc. Đồng thời, làm tăng nhiệt độ ắc quy, pin có thể gây đoản mạch bên trong (Cell pin đoản mạch) hoặc đoản mạch bên ngoài (bộ pin được kết nối với thiết bị điện tử công suất, động cơ và cả các phụ kiện khác bị đoản mạch) sẽ gây cháy xe.

Một số trường hợp do tác động ngoại cảnh cũng dẫn đến chập cháy: Ổ sạc bị ẩm ướt, sạc nơi không thông thoáng để thiết bị có thể tản nhiệt; dây dẫn điện được đấu nối không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật hoặc sử dụng thời gian dài hoặc bị va đập, chuột cắn bị mất khả năng cách điện gây phóng điện, chập điện.

Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo:  Lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định; tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất; thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng; không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới.

Đồng thời lưu ý, sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết, dùng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp nhà sản xuất khuyến cáo) và ổn định; sau khi sử dụng phải chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới bắt đầu sạc (và phải sạc ở khu vực ngay lối cửa ra vào, không để ở góc khuất), không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8 giờ liên tục, khi sạc điện cần ngắt khóa điện nguồn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình sạc điện… Nếu lâu không dùng xe, nên sạc ắc quy, pin đầy rồi tháo rời khỏi xe; không để ắc quy, pin ở khu vực nóng, ẩm; bảo quản bình điện ở nơi cao ráo, thoáng mát…

Thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà. Đối với sạc xe điện tại chung cư, tập thể cần có người ngồi trực 24/24h, đường dây điện khu vực nạp sạc xe điện cần có attomat tự đóng ngắt. Bởi khi không may xảy ra chập cháy, nổ cục pin của xe đạp điện nó sẽ như quả bom ngay lập tức nó bùng lên ngăn đường thoát chính thống dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra như những vụ cháy vừa qua.

Khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định của sạc điện, động cơ và bộ điều khiển, không sử dụng loại không rõ nguồn gốc; không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ). Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất.

Đối với xe ôtô điện: Sạc tại những trạm sạc xe điện dành cho ôtô đã được cấp phép theo quy định (tại trạm xăng, điểm dừng nghỉ, trong nhà và công trình...) hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Các trạm sạc điện phải được duy trì yêu cầu về giải pháp ngăn cháy, chống cháy cháy lan đối với các khu vực xung quanh (cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khu vực gara để xe...) và trang bị phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; có phương án xử lý tình huống cháy nổ tại khu vực sạc điện. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống điện, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại trạm sạc để kịp thời phát hiện, thay thế các thiết bị hư hỏng trong quá trình hoạt động.

Mỗi người dân chủ động trang bị kiến thức nhất định khi sử dụng thiết bị tích điện. Cùng với đó, mỗi người phải có được kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm và phải có phương án thoát hiểm ngay tại ngôi nhà, cơ quan nơi mình sinh sống, làm việc. 

Đối với nơi để nhiều đồ đạc, nguyên vật liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như bãi đỗ phương tiện hầm chung cư, chung cư mini, ngoài việc trang bị đầy đủ thiết bị an toàn PCCC, báo cháy sớm, hệ thống chữa cháy tự động, mỗi gia đình cần trang bị và sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy, cứu nạn ban đầu như bình cứu hoả, chăn chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thang dây thoát nạn, búa, rìu và không thể thiếu được nhân tố con người, đó là đội ngũ bảo vệ được trang bị đầy đủ kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ và tinh thần trách nhiệm cao.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, hiện nay một số chung cư ngoài chuẩn bị sẵn các trang thiết bị an toàn về PCCC, còn chuẩn bị thùng cát để khi xảy ra cháy điện và các thiết bị điện có thể sử dụng phương tiện này hỗ trợ dập tắt cháy khi phát hiện sớm, lửa còn nhỏ.  Ngoài ra, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn nhiều về việc mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn và mở lối thoát nạn thứ 2, cắt mở “chuồng cọp” trong ngôi nhà của mình. Những khuyến cáo, hướng dẫn thiết thực đó rất cần sự thẩm thấu trong mỗi người dân, để giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn.

Minh Hiền
.
.