Thừa Thiên Huế xử lý cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Thứ Tư, 20/03/2024, 23:27

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương rà soát chỉ đạo khắc phục các cơ sở thuộc ngân sách Nhà nước còn tồn tại vi phạm về PCCC; trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các chợ trên địa bàn; UBND cấp huyện, UBND cấp xã bố trí kinh phí, chi cho công tác PCCC theo quy định.

Qua đợt tổng kiểm tra rà soát về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên toàn địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng chức năng phát hiện, đến nay có 85 cơ sở chưa khắc phục theo quy định các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về an toàn PCCC, trong số này có nhiều chợ truyền thống, trường học, trụ sở làm việc… UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa đưa ra các phương án tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và xử lý dứt điểm các tồn tại, thiếu sót nhằm đảm bảo an toàn PCCC sau đợt ra quân kiểm tra lĩnh vực này trên toàn địa bàn tỉnh.

Theo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 96/178 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các thiếu sót về PCCC, 85 cơ sở chưa khắc phục theo Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh về Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC. Theo đánh giá từ thực tế, hầu hết các cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 39 là các chợ truyền thống, trường học, trụ sở làm việc nên cần nguồn kinh phí lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách của UBND cấp huyện, thành phố còn hạn chế không thể đầu tư khắc phục trong một thời gian ngắn.

Thừa Thiên Huế xử lý cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy -0
Công an huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) kiểm tra an toàn PCCC tại các chợ truyền thống.

Điều đáng lo, những năm gần đây, tình hình cháy chợ trên cả nước diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đơn cử như vụ cháy chợ Khe Tre ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế) xảy ra vào tháng 12/2023 đã khiến khoảng 300 gian hàng thiêu trụi gây thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng cho tiểu thương. Sau vụ cháy này, nhiều tiểu thương rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Tại TP Huế, qua kiểm tra, có 37 chợ kiên cố, bán kiên cố và 5 chợ tạm tự phát với quy mô lớn, giá trị hàng hóa lên đến hàng trăm tỷ đồng. Qua kiểm tra 5/5 chợ thuộc phân cấp quản lý, Công an TP Huế phát hiện có 3 cơ sở vi phạm và đã xây dựng công văn kiến nghị gửi UBND thành phố và ban quản lý các chợ: Trường An, Bến Ngự, Vỹ Dạ về việc hướng dẫn khắc phục các tồn tại.

Qua kiểm tra tại các chợ trên địa bàn TP Huế, lực lượng chức năng nhận định, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy chợ, trong đó các chợ thường được bố trí xây dựng tại nơi tập trung đông dân cư, dễ giao thương hàng hóa nên trữ lượng chất cháy cao hơn so với các khu vực khác. Bên cạnh đó, các tuyến đường, phố bên ngoài xung quanh chợ luôn là các tuyến đường kinh doanh buôn bán nhộn nhịp; hàng hóa, phương tiện cá nhân được bày bán trên vỉa hè, lòng đường khiến giao thông khu vực này dễ tắc nghẽn. Đặc biệt, trong các giờ tan tầm, gây khó khăn cho lực lượng, phương tiện chữa cháy khi di chuyển trong trường hợp xảy ra cháy, nổ trong chợ. Bên cạnh đó, bên trong chợ, các lối đi giữa các quầy, sạp hàng thường nhỏ hẹp và hay bị các hộ kinh doanh lấn chiếm, tận dụng để bày bán hàng hóa. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, lực lượng chữa cháy rất khó khăn khi tiếp cận đám cháy qua các lối này.

Qua khảo sát, các chợ dân sinh, chợ tạm trên địa bàn TP Huế là loại hình chưa được xây dựng kiên cố, kết cầu xây dựng chủ yếu là khung thép, mái lợp tôn hoặc các vật liệu như: gỗ, vải bạt, nhựa… có khả năng lan truyền ngọn lửa nhanh khi xảy ra cháy. Các chợ được xây dựng kiên cố, bán kiên cố thì khu vực chợ chính được xây dựng từ 1-2 tầng bằng vật liệu gạch đất nung, bê tông cốt thép có bậc chịu lửa hạng I, II. Tuy nhiên, xung quanh khu vực chợ chính thường có các khu vực chợ tạm với đặc điểm nguy hiểm cháy nên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Tương tự, tại huyện Phú Lộc, đoàn liên ngành UBND huyện Phú Lộc qua kiểm tra, nhận thấy một số chợ được xây dựng và đưa vào hoạt động từ cách nay 30 năm nên đã xuống cấp, thuộc diện cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.

Tại chợ Lăng Cô, thời điểm kiểm tra, hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà và ngoài nhà chưa được lắp đặt, chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, chưa lắp đặt hệ thống chống sét, lối đi, đường thoát nạn không đảm bảo độ rộng theo quy định. Bên cạnh đó, chợ chưa trang bị đủ số lượng bình chữa cháy, chưa cải tạo, thiết kế lại hệ thống điện, chưa lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành còn nhận thấy, tại các ki-ốt kinh doanh, hiện tượng các hộ tiểu thương tự ý câu móc tùy tiện các dây dẫn điện nhưng không có biện pháp bảo vệ đường dây vẫn xảy ra không đảm bảo theo đúng quy định; hàng hóa bố trí sát hệ thống dây dẫn chạy trần và các ổ cắm điện không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chưa đảm bảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho biết, thời gian qua, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, các sở, ngành và UBND các địa phương đã triển khai nghiêm túc các kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác PCCC và CNCH. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác PCCC và CNCH cần sớm được khắc phục nhằm đảm bảo an toàn về PCCC trên địa bàn.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương rà soát chỉ đạo khắc phục các cơ sở thuộc ngân sách Nhà nước còn tồn tại vi phạm về PCCC; trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các chợ trên địa bàn; UBND cấp huyện, UBND cấp xã bố trí kinh phí, chi cho công tác PCCC theo quy định. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện rà soát, thống kê nguồn kinh phí để khắc phục các cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 39; chủ động bố trí ngân sách địa phương; đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện.

“Quá trình thực hiện, cần ưu tiên chỉ đạo khắc phục đối với các chợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 39; đây là loại hình có nguy cơ cháy nổ cao cần phải có giải pháp khắc phục ngay, vì phải tập trung lượng lớn hàng hóa của nhân dân; khi xảy ra cháy ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Hoàng Hải Minh cho hay.

Nhằm đảm bảo an toàn PCCC tại địa bàn cơ sở, đến giữa tháng 3/2024, UBND các địa phương trên toàn tỉnh đã trang bị phương tiện chữa cháy cho 1.103 Đội dân phòng/1.103 Đội dân phòng. Đồng thời, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho khoảng 8.000 Đội viên.

Hải Lan
.
.