Như Quỳnh: Điện ảnh dần dà từ giã chúng tôi

Thứ Ba, 09/11/2004, 09:00

Điện ảnh dần từ giã thế hệ chị. Không phải không yêu nghề mà tuổi tác ngày một hạn chế sự nghiệp của chị. Hơn thế, phim nhựa ngày nay ít được đầu tư. Phim video, phim truyền hình được ưu tiên dành cho các diễn viên trẻ nhiều hơn nên chị cũng ít có cơ hội tham gia.

Buổi sáng mùa thu trên phố Hàng Đào. Qua một cửa hàng thời trang, tôi dắt thẳng xe vào một cái sân rộng, qua cầu thang tối, hẹp, rồi lên gác hai. Phía bên tay trái có một cái chuông nhỏ cạnh có dòng chữ: Bảo - Quỳnh. Cửa mở nhưng không thấy có ai trong nhà. Tôi bấm chuông, chuông điện không kêu. Tôi đứng đợi.

Một cụ già hơn chín mươi tuổi (sau này tôi mới biết là bố chồng của chị Như Quỳnh) từ phòng tắm mệt mỏi bước ra. Tôi hỏi: “Thưa cụ đây có phải là nhà chị Như Quỳnh không ạ?”. Tôi hỏi đến ba lần mà cụ ông vẫn không hiểu gì. Tới lúc ấy, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Như Quỳnh từ trên gác chạy xuống. Đúng là “cô Nết” cách đây ba mươi năm tôi được gặp trên màn hình chiếu bóng ở đình làng!

Thoáng nhìn, gương mặt chị đã điểm nhiều tàn nhang, không có gì thật ấn tượng, nhưng khi trò chuyện, gương mặt chị vẫn ánh lên nét gì đó còn xuân sắc, đằm thắm đến lạ lùng.

Như Quỳnh là con gái của cặp nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Kim Xuân - Tiêu Lang. Cha mẹ chị là một trong những người xây những viên gạch đầu tiên của Đoàn cải lương Chuông Vàng. Chị là người được thừa hưởng những tài hoa đó.

Cô Nết trong phim Đến hẹn lại lên đã tạo một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của chị. Từ một diễn viên cải lương, chị được biên chế sang Xưởng Phim truyện Việt Nam. Năm 1975, bộ phim Đến hẹn lại lên đoạt giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam và nhiều giải cá nhân cho đạo diễn, nhà quay phim và giải diễn viên xuất sắc nhất cho nữ diễn viên trẻ Như Quỳnh.

Nết - một thiếu nữ thôn quê có số phận nghiệt ngã, khổ đau và một sức chịu đựng phi thường. Ngày người mẹ ốm yếu và đau khổ của Nết tắt thở cũng là ngày Nết phải ôm hoa về nhà chồng. Cùng một lúc cô phải chịu đựng hai cuộc chia tay khảm khốc: Với mẹ - người ruột thịt duy nhất trên đời và với Chi - mối tình đầu trong sáng, thơ mộng, mãnh liệt của cô. Giữa đám rước dâu và tiếng pháo nổ đì đẹt, cô dâu Nết nước mắt chan hòa, người rũ ra như tàu lá héo. Người ta dìu, đẩy cô đi về nhà chồng. Người ta giằng tay cô, bịt miệng cô lại khi cô ôm chặt quan tài, khóc gọi “Đẻ ơi!”.

Đêm tân hôn cũng là đêm cô quyết định trốn khỏi nhà chồng. Giữa đêm khuya trên cánh đồng hoang vắng, bóng người con gái bé nhỏ mảnh mai trắng màu tang khóc ròng bên mộ mẹ. Người con gái ấy đơn độc và tội nghiệp vô cùng, nhưng người xem vẫn nhận thấy ở trong cô tiềm ẩn một sự quả quyết, một sức mạnh vô hình muốn giải thoát mình khỏi cái số phận trớ trêu và nghiệt ngã. Trước khi nhận vai Nết, Như Quỳnh đã vào vai Thúy Kiều trong vở cải lương cùng tên được chuyển thể từ Truyện Kiều của Nguyễn Du nên chị có thêm kinh nghiệm thể hiện sâu sắc và cảm động nỗi đau của người con gái bất hạnh trong bộ phim này.

Như Quỳnh đã cuốn hút khán giả điện ảnh bằng nét diễn dung dị, tự nhiên, bằng vẻ đẹp dịu dàng đến thánh thiện của một cô thôn nữ. Nữ diễn viên điện ảnh Như Quỳnh ngày ấy được nhiều người mến mộ, chẳng khác nào những siêu sao điện ảnh trẻ bây giờ. Những năm đất nước mới được thống nhất, báo chí còn khan hiếm, ảnh diễn viên không có cơ hội in nhiều như bây giờ, nhiều người hâm mộ chị vẫn cất công kiếm tìm, cắt hình chị trên họa báo để treo trang trọng trong nhà.

Tiếp đó, Như Quỳnh tham gia đóng hàng loạt phim về đề tài chiến tranh: Thiếu nữ Hương trong phim Mối tình đầu; nữ y tá Mai trong phim Bài ca ra trận... Mai - nữ y tá xinh đẹp, dịu dàng, nhân hậu, mộng mơ làm nhiệm vụ chăm sóc thương bệnh binh tại một trạm y tế giữa núi rừng Trường Sơn khói lửa. Biết bao lớp thanh niên, sinh viên hăng hái lên đường mang theo những cảm xúc đẹp từ bộ phim đó. --PageBreak--

Nghệ sĩ ưu tú Như Quỳnh giờ đã bước sang tuổi năm mươi. Có thời gian dài chị mở quán cà phê tại nhà của mẹ đẻ ở phố Bát Đàn. Quán tuy nhỏ, không tấp nập lắm nhưng cũng thêm thu nhập để vợ chồng chị nuôi hai cô con gái ăn học. Quán cà phê Quỳnh cũng là nơi bè bạn, những người hâm mộ chị tới hàn huyên. Hiện gia đình chị đã chuyển về ở hẳn tại căn nhà nhỏ trên gác trong ngõ phố Hàng Đào. Đây là ngôi nhà của bố mẹ chồng chị để lại.

Chị bảo “lâu nay mình có tham gia đóng phim gì đâu. Những gì mình làm được đều cũ lắm rồi. Các con mình ngày ấy còn nhỏ không có điều kiện để xem phim mình diễn. Bây giờ được xem, nó bảo: ‘Chán lắm! Không xem được’. Mà mình thấy chúng nó không thích cũng phải thôi, cuộc sống bây giờ gấp gáp khác hẳn ba mươi năm trước. Chúng nó làm sao chịu được cách tư duy, tiết tấu ngày ấy”.

Hằng tuần, chị đến cơ quan (Xưởng Phim truyện Việt Nam) vào thứ ba. Thời gian còn lại chị dành chăm chút cho chồng - nhà nhiếp ảnh tài hoa Nguyễn Hữu Bảo và gia đình. Tuy chuyển về phố Hàng Đào từ lâu nhưng chị vẫn có thói quen hằng ngày đi mua đồ ăn ở chợ Hàng Da gần nhà mẹ đẻ. Chị có cảm giác mọi thứ hàng mua ở đây đều dễ chịu hơn những nơi khác. Ngay từ nhỏ, chợ Hàng Da là địa chỉ thân thuộc của chị. Chị và người bán quá thân thuộc nhau.

Ngày nghỉ nhóm bạn thân của chị  thường tổ chức gặp gỡ, đi du lịch cả gia đình. Thế hệ con cái cũng lại tiếp tục thân thiết với nhau như cha mẹ. Chị cũng dành thời gian chăm chút cho tình bạn ấy. Chị đưa cho tôi xem những bức ảnh 5 gia đình vừa đi biển Nha Trang về cách đây mấy hôm.

Thời giờ còn lại chị dành để xem những phim mới do các diễn viên trẻ tham gia. Chị thấy các em bây giờ rất thông minh, năng động. Có điều các em chưa tạo được cho mình những vai diễn ấn tượng. Nhưng thôi, không nên đòi hỏi quá cao ở các bạn trẻ, bởi các em còn phải dành thời gian tham gia nhiều lĩnh vực khác: MC, người mẫu, đóng kịch, quảng cáo, làm phim video, phim truyền hình...Thời gian dàn trải, trí tuệ dàn trải khó có những vai diễn ấn tượng, sâu sắc để đời. Chị bảo, đừng trách các em. Kịch bản luôn phải viết vội để đáp ứng nhu cầu sản xuất phim truyền hình phục vụ công chúng. Lời thoại cũng còn không thuộc nổi, còn đâu thời gian để mà học tri thức.

Thời gian trôi nhanh. Chúng tôi chia tay nhau. Chị từng bước dẫn tôi đi hết cầu thang gỗ lim mới làm trong nhà nhưng trông rất cổ để ra cầu thang hẹp, tối, cũ kỹ của cả khu nhà. Tôi lại dắt xe qua cửa hàng lớn bán áo quần để ra được đường Hàng Đào. Nắng gay gắt đã lên đỉnh đầu. Người, xe cộ tấp nập nối nhau theo đường một chiều về hướng chợ Đồng Xuân.

Vô tình đưa mắt nhìn vào màn hình của một cửa hàng bên đường, tôi nhìn thấy chị ngồi trên dãy ghế Ban giám khảo của chương trình “Vượt qua thử thách”. Về nhà gọi điện báo cho chị, chị bảo, tiền thù lao mỗi buổi là 500.000 đồng. Truyền hình trả theo buổi chứ không phải theo tháng nhưng mỗi lần họ mời làm luôn 4-5 số cho cả tháng nên cũng được khoảng 2.500.000 đồng. Chị bảo, vui là chính, ngoài lương hằng tháng ở xưởng phim, hợp đồng làm phim nào được nhận tiền thù lao phim ấy. Mỗi thứ một chút nên đời sống cũng không đến nỗi nào

Minh Nguyệt
.
.