Trụ hạng Premier League

Chuyện của những kẻ đường cùng

Thứ Sáu, 15/05/2015, 14:30
Với giải Ngoại hạng Anh, mảnh đất bóng đá khắc nghiệt nhất thế giới, chuyện trụ hạng đôi khi còn khốc liệt và được chú ý hơn cả ngai vô địch. Ví dụ như mùa giải năm nay, khi mà Chelsea một mình một ngựa về đích quá nhẹ nhàng thì ở cuộc đua trụ hạng, cuộc chiến còn kéo dài đến tận phút cuối cùng. Thậm chí, màn tranh giành sự sống của những CLB nhỏ ở cuối mùa giải còn có những chuyện đặc biệt.

1.Tại sao việc trụ hạng lại được coi trọng như thế? Đó là câu hỏi mà bất cứ ai cũng thắc mắc, bởi cách đây hơn chục năm thôi, việc một đội bóng xuống hạng chẳng khiến ai bận tâm lắm. Người ta chỉ chờ đợi nhà vô địch, các đội đại diện tham dự các giải đấu lớn ở châu Âu, bởi đó là "vùng đất" dành cho các đại gia lắm của, nhiều tiền. Nhưng chục năm trở lại đây, việc trụ hạng đôi khi còn được quan tâm và đề cao hơn cả chức vô địch bởi nhiều lẽ.

Thứ nhất, được góp mặt ở giải đấu danh giá, tầm cỡ bậc nhất thế giới như Premier League là giấc mơ của mọi đội bóng. Danh tiếng, hình ảnh CLB, sức hút, sự lan tỏa của nó phải nói là không biên giới, bất chấp họ là Chelsea, Man Utd, Arsenal… hay chỉ là những Burnley, QPR hay Watford… Và khi có một chân ở đó rồi, sẽ dẫn đến hiệu ứng thứ hai, đó là vấn đề tài chính.

Chỉ cần tham dự 1 mùa giải rồi xuống hạng, mỗi CLB sẽ nhận được ít nhất 70 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình, tiền thưởng từ giải đấu. Thậm chí, con số đó từ mùa giải 2016/2017 còn tăng lên gần gấp đôi khi Premier League sẽ kí hợp đồng bản quyền truyền hình có giá trị tới 5,1 tỷ bảng. Tiếp đó, lợi ích thứ ba sẽ đến, đó là các CLB sẽ bán được nhiều tiền vé hơn nhờ giá vé cao hơn khi đá ở giải hạng Nhất, rồi tiền quảng cáo áo đấu (thông thường tăng gấp 3 lần), tiền thu nhập từ bán đồ lưu niệm, các dịch vụ sử dụng khác. Và bên cạnh đó, các đội bóng dự Premier League còn có nhiều cơ hội đi du đấu nước ngoài vào mùa hè, thu nhập về hàng triệu bảng nữa…

Tony Pullis, chuyên gia "chữa cháy" với nhiệm vụ trụ hạng.

Như vậy, nếu tính mức thu nhập trung bình, mỗi CLB dự Premier League một mùa sẽ bỏ túi ít nhất khoảng 80 đến 100 triệu bảng. Trong khi đó, con số cho đội vô địch giải hạng Nhất ở Anh cũng chỉ bỏ túi cỡ 48 triệu bảng cho… 4 năm. Đó là sự chênh lệch rất lớn về tài chính, cộng thêm sự khác biệt về đẳng cấp, sẽ tạo ra hai thế giới khác nhau khi một đội bóng phải xuống hạng.

Chính vì lẽ đó mà thời gian gần đây, những trận đấu của những đội chạy đua trụ hạng diễn ra cực kì quyết liệt, dẫn tới những kết quả bất ngờ đến khó tin. Và khi một đội bóng trụ hạng thành công (hoặc lên hạng thành công), không khí trên sân lúc đó thậm chí còn điên loạn hơn cả cái cách mà Chelsea chính thức vô địch Ngoại hạng Anh. Các cổ động viên tràn xuống sân hò hét, tung hô các cầu thủ. Họ đập phá khắp nơi, cắt lưới mang về làm kỉ niệm, rồi thậm chí là loạn đả, gây ra sự hỗn loạn, thậm chí có người còn đào cả mảng cỏ ở sân mang về, sau đó đem đi… đấu giá.

Đó là chưa nói đến chuyện, nếu xuống hạng, CLB đó sẽ đối diện nguy cơ chảy máu lực lượng và không biết bao giờ mới trở lại, thậm chí có thể còn xuống hạng sâu hơn nữa. Vì thế mà việc trụ hạng được coi là một đặc sản thú vị của Premier League. Nhưng chuyện trụ hạng ấy cũng mang lại những giai thoại.

2.Để một đội bóng trụ hạng đương nhiên cần yếu tố may mắn và đặc biệt quan trọng là con người. Nếu các cầu thủ tốt thì mọi chuyện đã chẳng nên nỗi. Vấn đề là nhân sự yếu kém, và họ cần một "cơ duyên" từ HLV. Đó là những thuyền trưởng gắn liền sự nghiệp của mình với những màn chiến đấu trụ hạng ngoạn mục. Và không quá khi nói rằng, có những HLV sinh ra chỉ để dành cho những đội bóng chạy đua tránh khỏi lưỡi hái tử thần.

Cuộc "đào thoát" khỏi 3 vị trí xuống hạng nổi tiếng nhất trong lịch sử Ngoại hạng Anh thuộc về West Brom của mùa giải 2004/2005. Khi đó, đội bóng này bị cho rằng chắc chắn 100% sẽ xuống hạng khi họ đứng ở vị trí cuối cùng suốt gần 3/4 mùa giải. Đến lúc đó, Premier League có một quy luật mang đầy tính tâm linh: bất cứ CLB nào đứng bét bảng ở thời điểm sau Giáng sinh thì đội bóng đó sẽ phải xuống hạng. Tuy nhiên, West Brom ngày đó như kẻ điếc không sợ súng, và trụ hạng ngoạn mục 16 điểm sau 8 trận cuối mùa với thành tích bất bại.

Dưới sự dẫn dắt của HLV nổi tiếng Bryan Robson, toàn bộ Ban lãnh đạo đều tin rằng West Brom sẽ ở lại. Bởi lẽ, Bryan Robson mặc dù là cầu thủ giỏi, nhưng cả sự nghiệp HLV của mình, ông luôn phải dẫn dắt những CLB có nhiệm vụ trụ hạng. Trong 7 năm dẫn dắt Middlesbrough (4 năm rưỡi), Bradford (1 năm ở hạng Nhất), West Brom (2 năm), Bryan Robson có 6 năm chiến đấu trụ hạng với 3 lần thành công và 3 thất bại, đỉnh cao chính là giúp West Brom trụ hạng năm 2005.

Trước khi bắt đầu chuỗi 5 trận thần thánh cuối mùa, Robson đi nhà thờ hằng ngày để cầu nguyện, rồi ông cho cầu thủ thư giãn, đi cùng họ sau những buổi tập vất vả. Điều đó đã khiến mối quan hệ trong nội bộ, sự tập trung và đoàn kết được đẩy lên rất cao.

Tiếp theo có thể kể đến HLV có cái tên dài Mike Walker Michael Stewart Gordon, được gọi tắt là Mike Walker, cha của thủ thành nổi tiếng Ian Walker. Dù đã đưa Norwich đứng ở vị trí thứ 3 mùa 1992/1993, nhưng sau đó ông được coi là người chuyên trụ hạng khi được bổ nhiệm dẫn dắt Everton thoát hiểm ở mùa 1993/1994. Ông chỉ có 3 tháng cuối mùa để cứu Everton, và ông thành công một cách kì diệu ở vòng cuối cùng, vượt qua tới 3 CLB xếp trên với chiến thắng 3-2 đầy kịch tính trước Wimbledon, dù bị dẫn trước 2-0. Từ đó, Walker luôn bị "điều" đến các CLB đang "hấp hối", nhưng sau 2 lần không thành công, ông phải sang Síp làm việc và sau đó mất hút từ năm 2001 đến nay.

Queens Park Rangers đã xuống hạng mùa này, bi kịch nào sẽ đợi họ?

Một người nổi tiếng không kém là HLV Roberto Martinez. Bắt đầu được biết đến khi dẫn dắt Wigan, nhưng đây là HLV được bổ nhiệm chỉ để giúp đội bóng trụ hạng, bắt đầu từ mùa giải 2009/2010. Ngay mùa giải đầu tiên, Wigan trụ hạng ngoạn mục với vị trí thứ 16, chính thức thoát hiểm ở vòng áp chót. Mùa 2010/2011, Wigan lại thoát hiểm ở vòng cuối, đứng thứ 16, hơn nhóm xuống hạng 3 điểm.

Mùa 2011/2012, Wigan trụ hạng còn thần kì hơn khi đánh  bại 6/8 đối thủ cuối cùng, trong đó có Liverpool, Man Utd, Arsenal, tạo ra cú sốc lớn nhất lịch sử dành cho một CLB trụ hạng. Một năm sau, Martinez lại phải giúp Wigan lần thứ 4,  nhưng lần này thì thất bại. Họ xuống hạng, thế nhưng bù lại, Wigan dành chức vô địch FA Cup. Tất cả những mùa ở Wigan, cứ vào giai đoạn quyết định, Martinez lại "giở võ" thường xuyên kích động tinh thần cầu thủ bằng những bài giảng, những câu chuyện về sự sống, cái chết, thậm chí kích động bằng "đòn" so sánh họ với đối thủ.

Một số phận HLV khác gắn đời mình với những cuộc chiến sống còn, và có thể nói ông còn nổi tiếng hơn cả Roberto Martinez. Đó là Tony Pullis. Suốt 22 năm làm HLV, ông được coi như "siêu nhân trụ hạng" khi chỉ dẫn dắt những CLB nhỏ, những đội chơi ở hạng dưới như Bournemouth, Gillingham, Bristol, Plymouth… Nhiệm vụ của ông ở đây đương nhiên là trụ hạng hoặc đưa đội bóng lên hạng. Chính vì "danh tiếng" đó, Pullis được Stoke đưa về.

Trong 3 năm liên tục ở đây (từ 2002 đến 2005), Pullis 3 lần giúp Stoke thoát hiểm ngoạn mục vào cuối mùa. Rồi khi trở lại Stoke lần thứ 2 vào năm 2006, ông lại 2 lần nữa giúp đội bóng này ở lại Premier League (2008/2009 và 2011/2012). Rồi sau đó, tháng 11/2013, Pullis lại được đưa về Crystal Palace để cứu đội bóng này sa lầy, và một lần nữa ông trục vớt Crystal, kết thúc mùa giải ở vị trí 11.

Mới đây nhất, tháng 1/2015, Pullis được "chuyển công tác" đến West Brom ở thời điểm CLB đang đứng ở nhóm xuống hạng. Cứ miệt mài làm việc, Pullis lại vừa mới thành công khi West Brom chính thức sống sót sau vòng 36.

Cảnh tượng trên sân sau khi Cardiff thăng hạng hồi năm ngoái.

3.Trong bóng đá, một đội bóng yếu phải xuống hạng là điều đương nhiên. Nhưng đôi khi, một biến cố nào đó lại giúp họ "sống sót" một cách kì lạ. Có thể là do đội bóng đó hưởng lợi từ những kết quả khác, cộng với may mắn do chính họ tạo ra, nhưng cũng có thể những màn thoát hiểm xảy ra nhờ cái duyên của một HLV. Ví dụ như Roberto Martinez hay Tony Pullis chẳng hạn. Một câu hỏi đặt ra, nếu như thực sự có tài, có tố chất của một HLV lớn, tại sao họ không được đến với những CLB danh tiếng? Đơn giản thôi, với một số người, họ chỉ quen làm với những đội bóng nhỏ, chỉ quen với những cuộc chiến trụ hạng, dần dần trở nên có duyên và gắn bó với nó.

Và chính những điều đó, những con số đó tạo nên sự thú vị cho cuộc chiến trụ hạng ở Premier League!

Điều thú vị về những cuộc trụ hạng Premier League

Những năm đầu tiên khi Premier League ra đời (năm 1992), việc trụ hạng được tính toán khá phức tạp. Họ muốn giảm số CLB dự giải đấu từ 22 xuống 20 nên mùa 1994/1995, có tới 4 CLB xuống hạng và chỉ có 2 đội lên hạng. Tính đến trước mùa giải năm nay, sau 22 mùa giải Premier League có 67 lượt CLB xuống hạng với 37 đội bóng. Trong số đó, có 2 CLB xuống hạng ở mùa giải đầu tiên (1993/1994) là Swindon Town và Oldham Athletic đến nay vẫn chưa thể trở lại Premier League, thậm chí lúc này họ đang chơi ở giải hạng Ba. Khác với hai đội bóng "xấu số" kia, có 24 CLB đã may mắn ít nhất 1 lần trở lại với giải đấu hàng đấu nước Anh, và vô cùng "bùi ngùi" là 20 trong số đó đã ít nhất phải xuống hạng thêm 1 lần nữa.

Điều đó có nghĩa, "khu vực xuống hạng" đã được  "hoạch định" tương đối rõ ràng, và nó chỉ diễn ra luẩn quẩn giữa một nhóm những đội bóng được xác định. Trong số 24 CLB từng xuống hạng, có 11 đội bóng hiện đang có mặt ở Premier League mùa này, và 8 trong số đó đứng ở nửa dưới của bảng xếp hạng.

Như thế, nó dẫn đến một sự thật là có vài CLB chỉ sống nhờ vào việc làm sao lên hạng và trụ lại ở đó. Những cái tên xuống hạng nhiều nhất là Birmingham, Bolton Wanderers, Middlesbrough, Norwich City, Nottingham Forest, Sunderland, Leicester và West Bromwich Albion (tất cả xuống hạng ba lần). Crystal Palace đã bị xuống hạng 4 lần.

Trong nhóm từng xuống hạng, có 2 trường hợp đặc biệt. Blackburn và Man City là 2 CLB vừa từng nếm trải nỗi đau xuống hạng, vừa đã từng vô địch Premier League. Sự khác biệt là ở chỗ, hiện tại Blackburn chưa biết bao giờ mới có thể trở lại thì Man City đang là một thế lực lớn trong làng bóng đá Anh.

Lê Giang
.
.