Kiểm duyệt phim đang kìm hãm sự sáng tạo

Thứ Bảy, 19/10/2019, 13:17
Một bộ phim thắng lớn tại Liên hoan phim Quốc tế Busan như phim “Ròm”  bị án phạt và “tiêu hủy” ở Việt Nam trong khi phim ngoại công chiếu trong nước lại để lọt lưới những hình ảnh sai phạm nghiêm trọng, liên quan đến lợi ích của quốc gia. Rõ ràng, việc kiểm duyệt phim ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề?


11 thành viên duyệt phim vẫn để lọt!

Hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong bộ phim “Everet- Người tuyết bé nhỏ” một lần nữa lại gây sốc cho người xem. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo dừng chiếu trên toàn quốc, đặc biệt yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ trailer quảng cáo trên mọi phương tiện truyền thông gây hậu quả không tốt cho xã hội.

Cục Điện ảnh đã tổ chức xem lại bộ phim đang lưu chiểu tại Cục để xác định rõ trách nhiệm Hội đồng duyệt phim, trách nhiệm của từng cá nhân và tập thể liên quan đến việc cấp phép phổ biến phim "Người tuyết bé nhỏ”.

Các hình ảnh bản đồ 'đường lưỡi bò' xuất hiện trong phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ”.

Một lần nữa, độc giả lại đặt ra câu hỏi, liệu có phải việc kiểm duyệt phim ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Đây không phải lần đầumột phim có yếu tố tuyên truyền chủ quyền của Trung Quốc "lọt" qua kiểm duyệt Việt Nam. Còn nhớ, năm 2018, phim “Operation Red Sea” (Điệp vụ Biển Đỏ) từng phảingưng chiếuvì có cảnh mang ẩn ý chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phim “Điệp vụ Biển Đỏ”đã để lọt hình ảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc đi qua một vùng biển được chú thích bằng dòng chữ “South China Sea” (tức Biển Đông), phát loa yêu cầu một chiếc tàu khác rời khỏi vì đây là vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Thông điệp này không chỉ là"cài cắm" ý đồ xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền biển đảo Việt Nam nữa mà là sự ngang nhiên tuyên bố.

Đây là vấn đề sai sót cực kì nghiêm trọng. Được biết cả Hội đồng duyệt phim quốc gia có 11 thành viên. Khi duyệt phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ” có đầy đủ cả 11 thành viên. Các thành viên gồm người của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật, Vụ Văn hóa - Văn nghệ (thuộc Ban Tuyên giáo), Hội Điện ảnh, một số cá nhân quản lý điện ảnh…

Không thể đổ lỗi cho việc một năm phải duyệt hàng trăm bộ phim trong nước và nước ngoài, nên việc sơ suất là không thể tránh khỏi như lời bà Hồng Ngát - thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện - phát biểu:"Đường lưỡi bò chỉ xuất hiện vài giây, mọi người cứ làm quá", rồi "Mấy giây thì làm sao lúc nào cũng căng mắt ra, rồi cũng không để ý”.

Cái gọi là “mấy giây” trên phim ấy đã để xảy ra những sơ sótvô cùng nguy hiểm, nhưng với “Điệp vụBiển Đỏ”, ngoài việc rút phim khỏi rạp, chưa có bất kỳ hình thức xử lý thoả đáng nào để những thành viên thuộc Hội đồng duyệt phim quốc gia nhìn nhận nghiêm túc, xác đáng về vai trò của mình.

Dễ với phim ngoại, khó với phim nội!

Trong khi hệ thống kiểm duyệt Việt Nam vẫn để lọt lưới những bộ phim cài cắm chủ đích tuyên truyền về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc thì những nhà duyệt phim lại tỏ ra khá khắc nghiệt với phim của các đạo diễn trong nước.

Đến bây giờ, giới chuyên môn và cả ê kíp làm  phim “Ròm” vẫn hoang mang trước án phạt và tiêu hủy phim “Ròm” của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy.

"Ròm" nói về cuộc sống vất vả mưu sinh của một cậu bé bán số đề ở thành phố Hồ Chí Minh. Cậu cực khổ kiếm tiền, chỉ mong có thể sớm tìm được cha mẹ. Và để sinh tồn, cậu phải chạy trốn khỏi những gã nghiện cờ bạc hay xô xát với những đối thủ. Nhưng cậu vẫn lạc ngay giữa một thế giới mà con người phải chà đạp lên nhau để sống.

Nhưng phản hồi của Cục Điện ảnh theo công văn số 637/ĐA-PBP về “Ròm” lại đánh giá: "Phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bao lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn. Câu chuyện phim diễn ra tại TP Hồ Chí Minh nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng.

Đồng thời, phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam." Điều đó có nghĩa, nếu “Ròm”ra rạp tại Việt Nam, với những diễn biến trong phim,Ròmsẽ bị cắt gọn nhiều trước khi ra rạp.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng “sốc” trước quyết định của Cục điện ảnh.

Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ “Ròm” đã được giải thưởng lớn ở một LHP Quốc tế uy tín, việc nhà sản xuất bị phạt và tiêu hủy phim sẽ mang tiếng cho bộ mặt quản lý văn hóa và xã hội Việt Nam”. Anh cho rằng, vấn đề  kiểm duyệt phim ở Việt Nam “kỳ quặc và xấu hổ”. “Chúng ta bị kiểm duyệt với những mục như “vi phạm thuần phong mỹ tục/ tính chất nhạy cảm”.

Đây là nhũng cụm từ không có sự đo đếm chuẩn của luật, mang tính cảm tính cá nhân. Điều nay khiến người làm phim đoán già đoán non, phim có được hay không”.

Thực tế, ở Việt Nam, kiểm duyệt phim là một cửa ải khiến các nhà làm phim e ngại. Thậm chí nhiều nhà sản xuất gửi kịch bản cho hội đồng duyệt phim trước khi làm. “Bẫy cấp ba”, “Bụi đời chợ Lớn” từng bị cấm chiếu vì “nội dung nhạy cảm, chứa đựng yếu tố bạo lực, không phản ánh đúng xã hội”.

Phim “Bi đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di từng chiến thắng hai giải thưởng của Liên hoan Phim Cannes khi ra rạp bị cắt rất nhiều cảnh nóng, dù những cảnh nóng này có liên quan chặt chẽ đến nội dung, khiến bộ phim trở nên khó hiểu.

Còn bộ phim “Cha và con và…” của anh đến nay vẫn chưa được công chiếu tại Việt Nam. Mới đây nhất, phim “Thiên linh cái” (nay là Thất Sơn tâm linh) cũng gặp quá nhiều khó khăn khi ra rạp. Phim phải thay tên, bị cắt gọt đến mức phải đổi luôn thể loại phim: từ kinh dị chuyển thành phim hồi hộp - tâm lý tội phạm.

Anh Nguyễn Cao Tùng - nhà sản xuất phim, đại diện đơn vị sản xuất Yeah1CMG, nêu nguyện vọng: “Chúng tôi chỉ mong phim Việt được đối xử công bằng trong kiểm duyệt như các phim kinh dị ngoại đang chiếu tại rạp Việt Nam. Tại sao phim ngoại ra rạp vẫn có những cảnh mà phim Việt bị cắt hết? Vậy làm sao chúng ta cạnh tranh kéo được khán giả cho phim Việt”.

Đạo diễn Phan Đăng Di thẳng thắn cho rằng, cách kiểm duyệt của Hội đồng duyệt phim đang “nghiền nát” một nền điện ảnh. “Đã đến lúc chúng ta cần một cơ chế đối thoại rõ ràng, những người làm sáng tạo phải có quyền lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình. Không thể chi có một Hội đồng kiểm duyệt có thể quyết định tất cả đường hướng sáng tạo của cả một nền điện ảnh”.

Anh cũng cho rằng, hệ thống kiểm duyệt của chúng ta quá lạc hậu. Hàn Quốc đã bỏ kiểm duyệ từ lâu và chỉ hạn chế độ tuổi, đó là cơ hội cho nền  điện ảnh Hàn Quốc phát triển rực rỡ như thế.

Trên trang cá nhân của mình, nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận xét: "Chỉ tiếc, họ không đủ dũng khí để nhìn vào hiện thực để thấy những tăm tối, tiêu cực về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam - ở một góc nào đó của thời hiện tại mà bộ phim tái hiện qua góc nhìn nghệ thuật của một đạo diễn trẻ đầy dũng khí hoàn toàn có thật. Hoặc nữa, đó chỉ là một góc nhìn nghệ thuật của một đạo diễn ngược dòng số đông.

1 cảnh trong phim “Ròm”.

Không ai xem City of God mà nghĩ rằng cả đất nước, văn hóa, con người Brazil tăm tối, tiêu cực cả. Không ai xem The Godfather, Goodfellas mà phán xét cả đất nước Mỹ bị thao túng bởi băng đảng, mafia, bạo lực cả. Cũng như không ai xem xong Parasite mà phán xét một đất nước Hàn Quốc ngày càng bị chia rẽ bởi giàu nghèo cả”.

Và anh kết luận trong bài viết của mình: "Đừng trách một nền điện ảnh bị trói trong vòng kim cô an toàn và "không ra được thế giới." Bởi, ra được với thế giới, thậm chí đoạt những giải thưởng cao nhất như "Xích lô," như "Ròm rồi" phải chịu một cái án treo không biết đến bao giờ mới được cởi mà thôi."

Nhưng “vòng kim cô” ấy dường như lại dễ dãi với những bộ phim nước ngoài. Và liệu sau “Người Tuyết bé nhỏ", cũng như sau tuyên bố "chịu trách nhiệm," thì liệu sẽ có những biện pháp xử lý gì hay không hay cũng chỉ rút kinh nghiệm?

Có vẻ như Hội đồng kiểm duyệt đã quá lạc hậu, cũ kĩ với những đánh giá mang nặng tính chủ quan. Một bộ phim đạt giải thưởng tầm cỡ quốc tế như “Ròm” chắc chắn không thể nào sai phạm về chính trị, hay xã hội như nhận định của Cục điện ảnh, bởi chắc chắn các LHP Quốc tế không thể trao giải cho những phim chống lại con người, chống lại Nhà nước.

Đã đến lúc cần có cái nhìn nhận, đánh giá toàn diện đường hướng sáng tạo của một nền điện ảnh. Nếu một bộ phim nào đó cảm thấy có vấn đề, thì hãy lấy ý kiến rộng ra từ những nhà chuyên môn. Không thể đánh đồng quan điểm của cá nhân thành quan điểm của cả một nền điện ảnh để kìm hãm sự sáng sạo của các nhà sản xuất.

Mai Ngọc
.
.