Lư Đình Tuấn: Người giữ lửa bóng đá Sài Gòn

Thứ Năm, 18/08/2016, 08:05
Chiều thứ Bảy tuần rồi, khi cùng CLB TP Hồ Chí Minh giương cao chiếc cúp vô địch giải hạng Nhất quốc gia 2016, HLV trưởng Lư Đình Tuấn đã nhắc tới người thầy quá cố Phạm Huỳnh Tam Lang. 


Ông bảo: "Nếu không có thầy đã không có tôi của ngày hôm nay". Và có thể nói, từ thầy Phạm Huỳnh Tam Lang đến trò Lư Đình Tuấn, ngọn lửa của bóng đá Sài Gòn vẫn được gìn giữ và nuôi nấng. Ngọn lửa mà bây giờ rất nhiều người đang hy vọng, và chờ đợi thời khắc sẽ lại bùng lên.

Với Lư Đình Tuấn, buổi chiều vô địch của CLB TP Hồ Chí Minh gợi nhớ lại một buổi chiều tương tự của 5 năm về trước, khi CLB Sài Gòn Xuân Thành do ông dẫn dắt cũng đi một mạch tới ngôi cao, và giành quyền lên chơi V.League trước thời hạn.

Hồi ấy, Lư Đình Tuấn cũng tin, cũng hy vọng là dưới cái tên "Sài Gòn Xuân Thành", ngọn lửa của bóng đá Sài thành sẽ được thổi bùng trở lại sau nhiều năm ảm đạm. Mùa đầu tiên chơi V.League, kể ra đội bóng của Tuấn "nhím" (biệt danh thân thương mà người hâm mộ gọi Lư Đình Tuấn từ ngày anh còn là cầu thủ) cũng đã được đầu tư ồ ạt, và được đánh giá là một trong những ƯCV vô địch hẳn hoi.

Người hâm mộ TP Hồ Chí Minh hạnh phúc với việc "hậu duệ của Cảng Sài Gòn" trở lại sân chơi V.League.

Tuy nhiên đấy là một đội bóng chỉ có cái "xác" Sài thành, chứ không có một linh hồn Sài thành thứ thiệt. Bởi về mặt kết cấu đội bóng ấy vốn được "bốc" từ Hà Tĩnh vào TP Hồ Chí Minh theo dạng chuyển khẩu, và ông bầu Nguyễn Đức Thụy của đội bóng ấy vốn là một người Ninh Bình, làm bóng đá theo đúng tính chất mùa vụ, gặt lúa non.

Về mặt nhân sự, Sài Gòn Xuân Thành lúc ấy là điểm đến của nhiều cầu thủ nội tứ xứ cùng một chùm các cầu thủ ngoại và ngoại nhập tịch, chứ không có những đứa con được sinh ra, lớn lên và trưởng thành với mảnh đất này. Kết quả là đội bóng khởi đi thì rầm rộ nhưng càng chạy càng loạn và loạn nhất là cái đoạn kết mà bầu Thụy tuyên bố giải thể khiến hàng loạt cầu thủ rơi vào cảnh bơ vơ.

Trước đó, Lư Đình Tuấn cũng bị cách chức, và những người gần gũi với vị HLV này đều biết, anh đau vì cá nhân mình thì ít mà đau vì tình thế hỗn loạn của một địa phương vốn giàu truyền thống bóng đá thì nhiều.

Nhưng câu chuyện của CLB TP Hồ Chí Minh năm nay với câu chuyện Sài Gòn Xuân Thành hồi đó thực sự rất khác nhau. CLB TP Hồ Chí Minh vốn có gốc gác sâu xa là Cảng Sài Gòn - đội bóng mà Lư Đình Tuấn gắn bó và luôn coi đấy như máu  thịt của mình. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, một Tuấn "nhím" thấp - lùn nhưng cực khoẻ và kỹ thuật đã trở thành linh hồn của Cảng.

Và thời ấy, một Cảng Sài Gòn dưới sự chèo lái của HLV danh tiếng Phạm Huỳnh Tam Lang đã để thương để nhớ trong lòng người bằng một lối chơi hào hoa đầy cống hiến. Chỉ có điều khi bóng đá Việt Nam chuyển dần từ cơ chế bao cấp sang cơ chế doanh nghiệp, đơn vị chủ quản không đủ tiềm lực gồng gánh nữa thì Cảng bị ghép tên với doanh nghiệp Thép Miền Nam. Và khi những trục trặc giữa "Cảng" và "Thép" phát sinh thì đội bóng xuống hạng, cái tên "Thép - Cảng" cũng bị xoá sổ để thay bằng tên gọi mới: CLB TP Hồ Chí Minh.

Nói lại như thế để thấy trong khi những đội bóng danh tiếng một thời của bóng đá Sài Gòn trước đây như Hải quan, Công an TP Hồ Chí Minh bị xoá sổ mà không để lại bất cứ hậu duệ nào thì bất chấp những chìm nổi của thời thế, bất chấp những biến động của lòng người, may mắn thay, một chút linh hồn Cảng Sài Gòn vẫn còn được giữ lại, và bây giờ đang đứng trước cơ hội bùng lên.

Ngoại trừ yếu tố truyền thống, có một điều nữa khiến HLV Lư Đình Tuấn rất tự hào về CLB TP Hồ Chí Minh, đó là những con người của đội bóng này phần lớn đều được lớn lên và đào tạo bởi địa phương này, chứ không phải những con người vay mượn, cóp nhặt từ nơi khác.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tú, để chuẩn bị cho sân chơi V.League đầy khốc liệt vào năm sau, chắc chắn CLB sẽ phải tính đến chuyện tăng cường lực lượng, nhưng lực lượng nền - lực lượng cơ bản vẫn phải là những con người được mình đào tạo nên. Với những con người của mình, chứ không phải những con người vay mượn hay mua bán, suốt thời gian dài vừa qua, Tuấn "nhím" cũng cố xây dựng lại một lối chơi theo đúng bản sắc Cảng Sài Gòn.

Thực tế thì ở giai đoạn đầu giải hạng Nhất năm nay, đội bóng cũng từng trục trặc với một mạch các trận toàn hoà và thua, và có không ít ý kiến đề nhị Tuấn "nhím" phải xây dựng một lối chơi mới, mạnh mẽ, thực dụng hơn. Tuy nhiên, con người hiếm hoi còn sót lại từ thời Cảng vẫn một mực trung thành, quyết tâm với "bản sắc Cảng", và đến lúc này thì sự quyết tâm ấy bước đầu đã đem lại nhiều trái ngọt.

Cứ nhìn hình ảnh khoảng 3.000 cổ động viên TP Hồ Chí Minh hạnh phúc với buổi chiều đăng quang của đội bóng này, và bày tỏ hy vọng được nhìn thấy linh hồn Cảng - hình hài Cảng ở mùa V.League tới là đủ hiểu thầy trò Tuấn "nhím" đã làm được những điều quan trọng như thế nào.

Cùng hoặc sau lứa Tuấn "nhím" một chút, kể ra bóng đá Sài Gòn vẫn còn những danh thủ, và khi chuyển sang công tác huấn luyện, những danh thủ ấy cũng gặt được nhiều tiếng vang. Nhưng có một đặc điểm không ai không thấy là tất cả chỉ "vang" khi rời xa mảnh đất này về nơi khác, mà điển hình nhất là câu chuyện Lê Huỳnh Đức ở SHB. Đà Nẵng.

HLV Lư Đình Tuấn (thứ hai, bìa trái) có công lớn trong việc giữ lửa cho bóng đá Sài Gòn.

Trong quá khứ, cũng đã có lúc chính Tuấn "nhím" bỏ bóng đá Sài Gòn về dẫn dắt Cần Thơ, nhưng cuối cùng con người nặng tình với bóng đá Sài Gòn này lại quay về nơi đã tạo dựng nên thương hiệu của mình. Hơn ai hết, Tuấn "nhím" xứng đáng với hình ảnh của một người giữ lửa cho bóng đá Sài Gòn, một người mà cách đây vài tháng từng từ chối tham gia Ban huấn luyện Đội tuyển Việt Nam để có thể dồn toàn tâm toàn lực vào mục tiêu đưa hậu duệ của Cảng Sài Gòn trở lại bản đồ V.League.

Người yêu bóng đá Sài Gòn biết ơn Tuấn "nhím", và đang nóng lòng chờ đợi cái khoảnh khắc đội bóng của Tuấn "nhím" thể hiện một phong cách Cảng - một linh hồn Cảng, qua đó thổi bùng lại ngọn lửa bóng đá Sài Gòn!

Xa lắc thời vàng son

V.League tới, mặc dù TP Hồ Chí Minh sẽ có hai đại diện V.League nhưng chắc chắn nó không thể tái hiện lại thời vàng son của bóng đá địa phương này vào những năm 90 của thế kỷ trước. Thời kỳ ấy, TP Hồ Chí Minhcùng lúc có tới 3 đội bóng ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam là Cảng Sài Gòn, Hải quan và Công an TP Hồ Chí Minh.

Đấy là thời kỳ mà có mùa giải, 3 đội bóng này chia nhau 3 chức vô địch lớn trong cùng một năm, và đấy cũng là thời kỳ mà người hâm mộ thành phố luôn háo hức xem những trận derby nảy lửa. V.League 2017, về lý, cuộc gặp gỡ CLB Sài Gòn với CLB TP Hồ Chí Minh cũng là một cuộc derby nhưng có lẽ phải rất lâu nữa nó mới có thể đạt tới hình ảnh của những derby tam mã thuở nào.

Một địa bàn, hai đội bóng, hai bản chất

Với việc CLB TP Hồ Chí Minh giành quyền lên chơi V.League, tại V.League mùa tới, bóng đá TP Hồ Chí Minh sẽ có cùng lúc hai đại diện. Đại diện còn lại chính là CLB Sài Gòn - CLB cũng đang thi đấu khá thành công cho đến thời điểm này của V.League 2016. Tuy nhiên ai cũng hiểu mặc dù về lý, cả hai CLB đều nằm ở địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng thực tế họ lại thuộc về hai thế giới khác nhau.

Cho đến những vòng đầu tiên của mùa giải năm nay, CLB Sài Gòn thậm chí vẫn còn mang tên "CLB Hà Nội", đóng quân ở Hà Nội và lấy sân Hàng Đẫy - Hà Nội làm sân nhà. Nhưng vì nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau mà đội bóng đã được "bốc" vội vào TP Hồ Chí Minh, khiến chính nhiều thành viên trong đội cũng không tránh khỏi ngỡ ngàng.

Những ngày đầu tiên chuyển khẩu vào TP Hồ Chí Minh, các cầu thủ còn tỏ ra lạ nước lạ cái với môi trường mới, và đã từng bày tỏ một tâm tư rất thật: "Tụi em chỉ sợ người TP Hồ Chí Minh không coi tụi em là đội bóng của mình. Do vậy tụi em đá sân nhà mà chẳng khác gì sân khách". Đến thời điểm này, nỗi lo dần dần hiện hình khi các trận đấu của CLB Sài Gòn trên sân Thống Nhất luôn diễn ra trong tình cảnh bốn bề khán đài trống vắng.

Mùa V.League tới, có thể các cầu thủ CLB Sài Gòn còn chạnh lòng hơn nữa khi vẫn ở sân nhà Thống Nhất, trong khi các trận đấu của mình vắng vẻ thì các trận đấu của "người hàng xóm" CLB TP Hồ Chí Minh lại được khán giả đợi chờ.

Diệp Xưa
.
.