Các trường phải bảo lưu tối đa quyền lợi cho thí sinh đoạt giải quốc gia

Thứ Năm, 04/06/2015, 08:33
Báo CAND số ra ngày 9/4 có đăng bài “Xung quanh việc một số trường đại học từ chối tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia đoạt giải nhì, ba: Cần đảm bảo công bằng cho thí sinh”, trong đó phản ánh một nghịch lý là nhiều em học sinh giỏi đoạt giải nhì, ba quốc gia môn Sinh học, thay vì được hưởng quyền lợi tuyển thẳng, hoặc ưu tiên xét tuyển (như quy định của Bộ GD & ĐT) thì lại có nguy cơ bị tước mất quyền lợi đó. Vì sao lại có sự trớ trêu đó?

Ngày 24/4/2015, Bộ GD & ĐT đã ban hành Công văn 1988/BGDĐT-KTKĐCLGD hướng dẫn thực hiện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, trong đó nêu rõ: “Thí sinh đoạt giải kì thi học sinh giỏi quốc gia (HSGQG), đoạt giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, nếu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông được bảo lưu để được hưởng chế độ tuyển thẳng (hoặc ưu tiên xét tuyển) sau khi tốt nghiệp THPT theo quy định của các trường tại năm thí sinh đoạt giải”. Đây là một quy định hết sức khoa học và nhân văn, đảm bảo cho những em HSGQG chưa dùng quyền tuyển thẳng, quyền ưu tiên xét tuyển có thể yên tâm vì trước sau các em cũng được hưởng quyền lợi đó “tại đúng năm thí sinh đoạt giải”.

Mọi thay đổi trong chính sách tuyển thẳng đều phải đảm bảo quyền lợi tối đa của thí sinh.

Sau khi Bộ GD & ĐT ban hành văn bản nói trên, hàng loạt trường ĐH, trong đó có ĐH Y Hà Nội đã có hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Nhưng hướng dẫn của ĐH Y Hà Nội và một số trường khác đã không đề cập một dòng nào đến quyền lợi của các em được quyền bảo lưu giải thưởng quốc gia. Mà theo quy định của Bộ thì những thí sinh đoạt giải HSGQG năm 2014 được bảo lưu kết quả thì phải được hưởng chế độ tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển của ĐH Y Hà Nội năm 2014.

Một thí sinh học tại THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã bức xúc chia sẻ với PV Báo CAND: “Năm lớp 11, em được chọn đi thi HSGQG môn Sinh học với các anh chị lớp 12 và đạt giải nhì. Nhưng em chưa thể trở thành sinh viên đại học vì em mới học lớp 11, chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Em và gia đình rất yên tâm vì năm 2014, với các thí sinh đạt giải nhì, ba quốc gia môn Sinh, Trường ĐH Y Hà Nội quy định, các em vẫn phải thi ĐH, không có môn nào dưới 5 là được xét tuyển thẳng vào y đa khoa. Và năm 2015, hướng dẫn tuyển thẳng của Bộ ngày 24/4 cũng nói rõ chúng em được “bảo lưu” quyền lợi, thì em thật sự yên tâm. Nhưng nay, khi ĐH Y Hà Nội công bố hướng dẫn tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển năm 2015 (ngày 4/5) lại không đề cập đến quyền lợi của chúng em”.

Một phụ huynh cũng có con đạt giải quốc gia môn Sinh học từ năm lớp 11 cho hay: “Chúng tôi biết chỉ tiêu vào y đa khoa không nhiều, và ĐH Y Hà Nội sẽ phải tính toán, cân nhắc phương án để chọn được thí sinh giỏi. Nhưng Bộ GD & ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ đã ra văn bản hướng dẫn yêu cầu các trường phải bảo lưu quyền lợi cho con em chúng tôi thì các trường phải nghiêm túc thực hiện...”.

Ngày 3/6, trả lời câu hỏi: Trường ĐH Y Hà Nội thay đổi điều kiện tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển so với năm 2014 nhưng lại không đề cập đến quyền lợi của thí sinh được bảo lưu quyền tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển. Vậy Bộ GD&ĐT sẽ xử lý vụ việc này như thế nào? PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD & ĐT) khẳng định: Quy định tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của các trường phải thực hiện theo quy định của Bộ (Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và Hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển).

Như vậy tất cả các trường đều phải tuân thủ quy định: “Thí sinh đoạt giải kì thi HSGQG, đoạt giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, nếu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông được bảo lưu để được hưởng chế độ tuyển thẳng (hoặc ưu tiên xét tuyển) sau khi tốt nghiệp THPT theo quy định của các trường tại năm thí sinh đoạt giải”.

Tuy nhiên, PGS.TS Nghĩa cho biết thêm: Có một thực tế là những trường năm 2014 cộng điểm thưởng khi xét tuyển cho thí sinh đoạt giải thì có thể công bố được ngay, nhưng những trường quy định “điểm sàn” xét tuyển đối với đối tượng ưu tiên xét tuyển thì chưa có cơ sở để xác định “điểm sàn” năm nay, vì đề thi năm 2015 (với 2 mục đích) có khác một chút so với đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của những năm trước. Nhưng sau khi có phổ điểm, các trường có thể có cơ sở xác định điểm sàn để quy định đối với các trường hợp ưu tiên xét tuyển.

Như vậy, quan điểm của Bộ GD & ĐT đã rõ. Trường ĐH Y Hà Nội năm 2014 đã thực hiện “ngưỡng sàn” với HSGQG thì năm nay sẽ tiếp tục phải thực hiện, không thể lấy quy định của năm 2015 áp dụng với các em được bảo lưu của năm 2014, ở hệ quy chiếu nào phải theo hệ quy chiếu đó, để đảm bảo sự công bằng cho các em và không làm mất đi tính nhân văn trong chính sách tuyển thẳng của Bộ GD & ĐT…

Thủ khoa của kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia Hà Nội đạt 128 điểm

Chiều 3/6, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa hoàn tất việc tổng hợp dữ liệu về kỳ thi đánh giá năng lực vào trường năm 2015.

Theo đó, thí sinh cao điểm nhất trong số hơn 43.000 em dự thi đạt 128 điểm, đó là thí sinh Bùi Mạnh Thắng, quê ở Kiến Xương, Thái Bình. 3 Á khoa đạt 126 điểm và 45 học sinh đạt 125 điểm. Tổng số thí sinh đạt từ 70 điểm trở lên là 70,02%.

Dự kiến, toàn bộ kết quả thi của các thí sinh sẽ được công bố trên website của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN trước ngày 6/6. Chậm nhất là ngày 29/6, ĐHQGHN công bố kết quả xét tuyển. Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 8/6 đến 16h30 ngày 25/6 (đợt 1), từ ngày 10/8 đến 16h30 ngày 25/8 (đợt 2). (H.T.)

Thu Phương
.
.