Bỏ quy định về điểm sàn có làm giảm chất lượng đầu vào đại học?

Thứ Tư, 21/12/2016, 10:08
Bỏ quy định về điểm sàn là một trong những điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, đây chính là một bước tiến trong việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường.


Tuy nhiên, để tránh tình trạng các trường “tận thu” nguồn tuyển theo kiểu “vơ bèo, vợt tép” kéo tụt chất lượng đầu vào, Bộ GD&ĐT cũng cần phải đặt ra chế tài đi kèm để giám sát.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, hay còn gọi là điểm sàn là điều kiện tối thiểu mà thí sinh phải đạt được khi muốn đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ bất kỳ nào đó. 

Tuy nhiên, từ khoảng vài năm trở lại đây, nhất là khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để phục vụ hai mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì đã không còn nhiều tác dụng. 

Bởi lẽ, hầu hết các trường ĐH có uy tín, có thương hiệu đều tự đặt ra mức điểm sàn riêng, trong đó hầu hết đều cao hơn mức sàn mà Bộ GD&ĐT đưa ra từ 1-7 điểm. Nói cách khác, điểm sàn chỉ còn có tác dụng đối với một số rất ít các trường tốp dưới, trường ngoài công lập chưa có thương hiệu.

Dư luận lo ngại việc bỏ điểm sàn mà không có chế tài đi kèm sẽ dẫn đến việc các trường có thể tùy tiện trong nguồn tuyển. Ảnh: minh họa.

Trước thực tế đó, trong Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã quyết định bỏ quy định điểm sàn. 

Theo Bộ GD&ĐT, trong xu thế hội nhập, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các nhóm ngành nghề đào tạo của ĐH, CĐ ngày càng đa dạng, phong phú, không chỉ đơn thuần xoay quanh 3 khối chính (A, C, D) như trước, do đó, việc đưa ra một mức điểm sàn cho tất cả các trường, tất cả các ngành là không còn phù hợp. 

Bên cạnh đó, cũng theo cơ quan này, bỏ điểm sàn chỉ có nghĩa là Bộ GD&ĐT không bắt buộc các trường phải tuyển sinh trên một ngưỡng đầu vào nhất định, chứ Bộ không cấm các trường tự quy định điểm sàn cho mình.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017 đã đi đúng hướng để các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh. Việc đưa ra một mức điểm sàn cho tất cả các trường, tất cả các ngành như trong nhiều năm qua đã không còn phù hợp với sự đa dạng hóa ngành nghề đào tạo hiện nay, nhất là khi tự chủ tuyển sinh của các trường đã được luật hóa. 

PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng: Bỏ điểm sàn, giao quyền quyết định điểm sàn cho các trường là một bước đi phù hợp với Luật Giáo dục, phù hợp xu thế chung và cơ chế thị trường. Tất nhiên, khi không còn điểm sàn, nhiều trường có thể hạ điểm chuẩn. Tuy nhiên, việc học ĐH hay không là quyền tự quyết của thí sinh. 

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, rất nhiều thí sinh đạt điểm trên sàn nhưng tỷ lệ đăng ký xét tuyển ĐH không cao, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu dù hạ điểm chuẩn hay có thêm ưu đãi thu hút người học. 

Điều này cho thấy, bỏ điểm sàn có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo vì thí sinh sẽ không ứng tuyển vào những trường lấy điểm quá thấp, không đảm bảo chất lượng đào tạo, khó kiếm việc làm.

Từ góc độ chuyên gia, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: 

Tại các nước có nền giáo dục tiên tiến, việc học sinh vượt qua được một bậc học nào đó thì hoàn toàn có thể được vào một bậc học cao hơn. Đơn cử như học sinh tốt nghiệp THPT thì có thể vào học tiếp bậc ĐH. Do đó, việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn, trao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh vừa phù hợp với Luật Giáo dục, vừa phù hợp với xu thế của các nền giáo dục tiên tiến. 

Tuy nhiên, theo ông Khuyến, điều khiến dư luận cảm thấy băn khoăn hiện nay là việc bỏ điểm sàn có thể dẫn đến việc các trường tùy tiện trong nguồn tuyển dẫn đến chất lượng nguồn tuyển thấp, cạnh tranh không công bằng. 

“Đối với trường tốp dưới thì không sao nhưng đối với các trường có đẳng cấp mà không đặt ra điểm sàn thì chắc chắn sẽ giảm chất lượng đầu vào. Do đó, tôi cho rằng, bên cạnh việc bỏ điểm sàn, Bộ GD&ĐT cũng cần có hướng dẫn cụ thể và chế tài kèm theo. Ví dụ như, phải siết chặt chỉ tiêu của các trường dựa theo năng lực đào tạo của các ngành, quy định về việc trường trọng điểm quốc gia, có thương hiệu thì chất lượng nguồn tuyển phải cao hơn. 

Ngoài ra, mở đầu vào nhưng cũng cần siết chặt điều kiện đảm bảo đầu ra như tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục của các trường, đặc biệt là căn cứ vào kết quả điều tra tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp để xem xét chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu làm chặt chẽ được như thế thì những lo lắng của xã hội về chất lượng nguồn tuyển suy giảm khi bỏ điểm sàn sẽ không còn”- TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Huyền Thanh
.
.