Sau một năm thực hiện đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học:

Giáo viên quá tải, phụ huynh lo lắng

Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:59
Sau gần một năm thực hiện bằng cách đánh giá học sinh, bên cạnh những thay đổi tích cực, Thông tư 30 cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần tiếp tục được sửa đổi, điều chỉnh theo hướng phù hợp và sát thực hơn.

Thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2014-2015, các trường tiểu học trên cả nước phải thay đổi cách đánh giá học sinh. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Cách đánh giá mới này trên thực tế đã giảm được nhiều áp lực về điểm số cho học sinh tiểu học và phù hợp với xu hướng phát triển của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, sau gần một năm thực hiện, bên cạnh những thay đổi tích cực, Thông tư 30 cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần tiếp tục được sửa đổi, điều chỉnh theo hướng phù hợp và sát thực hơn.

Quá tải, mất nhiều thời gian để tìm lời nhận xét, đánh giá học sinh và tăng thêm nhiều áp lực cho giáo viên là câu trả lời chung mà chúng tôi nhận được từ phía các giáo viên tiểu học sau gần một năm thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT.

Cô Lê Thị Liên, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Mai, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) chia sẻ: Khi áp dụng Thông tư 30, các trường đều có quy định lời nhận xét của giáo viên đối với học sinh phải tinh tế, tránh làm tổn thương các em và không được lặp lại. Vì thế giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian cho việc viết lời phê. Trong khi đó, do sỹ số lớp học quá đông nên nhiều lúc lời phê cũng không phản ánh đúng năng lực thực sự của học sinh.

Cũng theo cô Liên, việc phải viết lời nhận xét học sinh từng ngày như hiện nay khiến thầy cô mất quá nhiều thời gian ghi nhận xét, không còn thời gian đầu tư cho bài giảng và chỉ bảo học sinh trong các giờ học chính. Bên cạnh đó, các nhận xét chung chung thực sự cũng không có ích cho học sinh bởi phụ huynh nhìn vào đó khó có thể biết được khả năng cũng như sự tiến bộ của con mình.

Cũng theo quy định của Thông tư 30, ngoài giáo viên chủ nhiệm thì giáo viên bộ môn cũng phải nhận xét đánh giá từng học sinh ở bộ môn đang giảng dạy. Tuy nhiên, do giáo viên bộ môn phải tham gia giảng dạy nhiều lớp với số lượng học sinh lên tới hàng trăm em nên việc ghi nhận xét hàng ngày thực sự là một thách thức với nhiều áp lực nặng nề.

Không chỉ giáo viên tâm tư mà việc thay đổi cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30 trên thực tế cũng khiến nhiều phụ huynh không yên tâm về kết quả của con mình. 

Chị Hoàng Thanh Thảo ở Tứ Hiệp - Thanh Trì - Hà Nội, phụ huynh có con đang học lớp 5 tỏ ra băn khoăn: “Hiện trường vẫn chưa tổng kết cuối năm, nhưng đánh giá học sinh theo Thông tư 30 tôi cũng không biết việc thi đua khen thưởng của các cháu sẽ như thế nào? Không có điểm, tôi không biết con mình học ở mức nào sau một năm học. Trong những bài tập cô giáo chỉ phê học sinh cần cố gắng hơn hoặc đạt và không đạt. Nhưng khi con tôi cố gắng hơn, liệu cháu có thấy được sự cố gắng của mình trong một năm qua hay không?  Hơn nữa, tôi còn cảm thấy hơi hoang mang vì nghe nói, việc khen thưởng học sinh giỏi, xuất sắc sẽ do các bạn trong lớp bình bầu. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc chọn học sinh giỏi, xuất sắc sẽ có thể rơi vào cảm tính bởi các con thường thích bạn nào thì bầu cho bạn ấy chứ ít khi căn cứ vào năng lực thực sự của bạn. Trong khi đó, các danh hiệu này sẽ là một trong những cơ sở để xét tuyển vào lớp 6” - chị Thảo lo lắng.

Việc áp dụng Thông tư 30 được kỳ vọng sẽ giúp học sinh tiểu học giảm tải áp lực, sống hồn nhiên hơn. Ảnh: Ngọc Đoan.

Chia sẻ với PV Báo Công an nhân dân về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Việc áp dụng Thông tư 30 là một chủ trương đúng bởi nó góp phần giảm áp lực cho học sinh và từng bước tiếp cận với phương pháp giáo dục hiện đại của thế giới. Trước đây, chúng ta thường đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số, bằng những cuộc thi, bằng những bài toán khó, lời văn phức tạp...

Bây giờ thay đổi cách đánh giá để lứa tuổi tiểu học giảm tải áp lực, sống hồn nhiên, đúng lứa tuổi hơn, giống như học sinh các nước có nền giáo dục phát triển là xu hướng đúng, cần khuyến khích. Tuy nhiên, cách làm của Bộ GD&DT khi triển khai Thông tư 30 là vội vàng và có phần chưa hợp lý.

Lẽ ra, trước khi thay đổi cách đánh giá học sinh, Bộ GD&ĐT cần phải tổ chức tuyên truyền kỹ lưỡng đến phụ huynh và giáo viên. Đồng thời phải thực hiện thí điểm từng khối một để phụ huynh và giáo viên làm quen dần, bởi đây là một phương pháp khoa học chứ không phải phong trào.

Bên cạnh đó, Thông tư 30 mang tinh thần đổi mới nhưng chương trình sách giáo khoa vẫn còn đang là "kiểu cũ", vì thế sẽ có nhiều sự so le trong quá trình thực hiện. Số lượng công việc, thời gian làm việc của giáo viên tăng lên đột ngột, trong khi đó số lượng và chế độ chính sách của giáo viên gần như không có gì thay đổi nên chắc chắn sẽ dẫn đến quá tải.

“Kinh nghiệm thực tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến cho thấy, giáo viên chỉ nhận xét vào sổ sách theo định kỳ hàng quý, cuối năm chứ không phải nhận xét hàng ngày như cách mà chúng ta đang áp dụng. Mặt khác, sỹ số học sinh tại các lớp học thường chỉ khoảng trên dưới 20 em/lớp chứ không phải trên dưới 40 em/lớp như chúng ta hiện nay... Từ những điều này cho thấy, khi vận dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến cần bám sát chặt vào điều kiện cụ thể, sát thực chứ không phải thấy các nước người ta làm được thì mình cũng sẽ làm được” - TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Huyền Thanh
.
.