Kỳ thi sẽ loại bỏ dần cách dạy nặng lý thuyết, hàn lâm

Chủ Nhật, 05/07/2015, 14:10
Kỳ thi "2 trong 1" đã chính thức khép lại với nhiều "tiếng ngân", Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo cụm thi do ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì.
>> Thi THPT quốc gia xong, các trường 'lao vào' chấm thi
Nói về những “hiệu ứng tích cực” của kỳ thi, GS. Nguyễn Văn Minh chia sẻ:       

Theo tôi, một trong những thành công từ kỳ thi này chính là sự chỉ đạo quyết liệt, chu đáo và thận trọng của Bộ GD & ĐT và sự phối hợp của UBND các tỉnh, huyện, đã huy động tổng lực cho kỳ thi được xã hội đồng tình. Có lẽ chưa có kỳ thi nào mà giữa các trường ĐH, các địa phương, các Sở GD & ĐT và các lực lượng thiện nguyện lại phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn như vậy. Điều đó tạo ra sự tin tưởng, tạo nên sức mạnh, nên cho dù năm nay tính chất kì thi có khác, nhưng chúng tôi lại thấy rất an tâm. Ngay cả vấn đề điện nước, cơ sở vật chất, an ninh, an toàn giao thông cũng không phải lo lắng nhiều vì có địa phương hỗ trợ. Những năm trước, nhiều hội đồng phải thuê cả phòng học tiểu học, chật chội thì năm nay, phòng ốc được chuẩn bị khang trang chu đáo hơn. Áp lực cho các thành phố lớn giảm đáng kể.

Quyền lợi của thí sinh đã được đảm bảo tối đa. Nhiều thí sinh đến cuối tháng 6 vẫn được Bộ GD & ĐT cho phép chỉnh sửa hồ sơ dự thi để không mất quyền lợi. Nhiều thí sinh đến sáng 1-7 quên giấy tờ ở nhà thì các hội đồng thi đều chỉ đạo “tìm mọi cách thuận lợi để các em được dự thi”. Mặt khác, đề thi năm nay đã giúp kỳ thi đạt được mục đích “2 trong 1”. Đề ra như vậy là một sự nỗ lực vô cùng lớn của Bộ, Ban đề và các thầy: đề đạt chuẩn rất cơ bản, đảm bảo cho các học sinh hoàn thành cấp chương trình THPT đạt được tốt nghiệp, đồng thời đủ tin cậy để cho các trường ĐH, CĐ làm cơ sở để xét tuyển.

GS.TS Nguyễn Văn Minh.

PV: Vậy theo ông kỳ thi này còn điều gì phải điều chỉnh, hoàn thiện để đạt độ tối ưu?

GS Nguyễn Văn Minh: Trước mắt theo tôi, tính liên thông phải tốt hơn. Ví dụ, khâu quản lý dữ liệu học sinh từ các trường phổ thông, đến Sở, đến các trường ĐH phải nhịp nhàng hơn nữa, để chúng ta chủ động hơn, nếu thí sinh muốn sửa chữa thì cũng nhanh gọn hơn…

PV:  Kỳ thi này đã và sẽ củng cố vững chắc hơn những quan điểm về đổi mới giáo dục đã triển khai, và là một bước đi quan trọng để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Vậy theo ông, những hiệu ứng từ kỳ thi này đến quá trình giáo dục là gì?

GS Nguyễn Văn Minh: Tôi muốn nhắc lại cách ra đề thi trong năm nay và cả một số kỳ thi của năm trước. Với môn thi tự luận, cách ra đề mở, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng thể, biết vận dụng mới có thể làm tốt được. Đề thi như thế thì không thể học thuộc lòng, vậy thì quá trình học phổ thông cũng sẽ thay đổi, cách dạy cũng phải thay đổi, tức là chuyển từ nặng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Sẽ loại bỏ dần cách dạy nặng về lý thuyết và hàn lâm. Đó là xu hướng tiến bộ của giáo dục tiên tiến.

PV: Một trong những quan điểm đổi mới là phải bắt đầu từ người thầy. Là cái nôi đào tạo sư phạm, đào tạo người thầy, vậy nhà trường có đổi mới gì để theo kịp xu hướng tiến bộ đó?

GS Nguyễn Văn Minh: Từ nhiều năm trước, trường đã xác định phải thay đổi, năm 2013, tập trung tổng lực thay đổi chương trình đào tạo. Quan niệm trước đây, tôi có gì thì tôi đưa vào dạy. Hình dung cứ có sắt thép, xi măng, gạch đá tốt là cứ thế làm nhà. Còn bây giờ, chúng ta phải có thiết kế bản vẽ trước, sau đó tính có bao nhiêu thép, xi măng dùng để xây nhà. Với chương trình, phải chỉ rõ môn học này phục vụ cho việc hình thành phẩm chất và năng lực nào lúc đó mới chọn lựa. Nhà trường đã nỗ lực rất nhiều, nhưng không thể cầu toàn, tối ưu ngay, mà phải là một quá trình. Cách thức đào tạo nghề của nhà trường cũng đã thay đổi. Dạy cho sinh viên cái họ cần, giáo dục đang cần, chứ không phải áp đặt.

PV: Quá trình thay đổi đó có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

GS Nguyễn Văn Minh: Khó khăn lớn nhất là thay đổi về nhận thức, không phải là nhận thức trì trệ, mà là chuyển biến từ một quan niệm này sang một quan niệm khác đòi hỏi phải có thời gian. Có những bài dạy tôi tâm huyết trong mấy chục năm rồi, tôi nghĩ đó là hay nhất, giờ đòi hỏi khác, nhiều khi cảm thấy tiếc. Nhưng sâu xa của nó, nếu nhận thức đúng thì người thầy sẽ thay đổi và lúc đó mới tạo sự chuyển biến cụ thể.

PV: Trở lại kỳ thi quốc gia, hầu hết các trường ĐH, CĐ đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, cho thấy mức độ tin cậy của kỳ thi. Nhưng về lâu dài, khi được tự chủ tuyển sinh theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học, nhiều trường sẽ chọn phương án tuyển sinh riêng. Vậy e rằng sẽ lại có một kỳ thi tốt nghiệp quốc gia và nhiều “kỳ thi con” tuyển sinh riêng…

GS Nguyễn Văn Minh: Bất cứ chính sách giáo dục nào cũng thích ứng với một giai đoạn lịch sử. Luật Giáo dục đại học đã cho phép các trường tự chủ tuyển sinh rồi, những cái gì không sai mà luật cho phép thì các trường được tự làm. Một kỳ thi để cho các em tốt nghiệp phổ thông là đương nhiên rồi, có thể theo cách nào đó. Nhưng đào tạo đại học là quá trình, nhất là đào tạo tín chỉ người ta tích đủ số lũy tín chỉ là có thể tốt nghiệp. Một kỳ thi nào đấy mà tổ chức tốt hơn, chất lượng hơn, lựa chọn được đầu vào, thì điều này chắc chắn sẽ được ủng hộ. Như kỳ thi năm nay, giảm thiểu được rất nhiều tốn kém thì trước mắt là tối ưu.

PV: Trong khâu xét tuyển của kỳ thi năm nay, mỗi thí sinh có tối đa 16 nguyện vọng, như vậy, liệu có những khó khăn gì cần lường trước để thuận lợi nhất cho thí sinh và cho cả các trường?

GS Nguyễn Văn Minh: Việc Bộ cho phép mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi và tối đa 16 nguyện vọng cũng là một nét mới, như vậy các trường phải nhận khó khăn về mình để tạo điều kiện cho thí sinh. Điểm thi năm nay sẽ khác năm trước, có kết quả xong thí sinh mới chọn trường, chọn ngành, tức là chọn ngược so với năm trước. Buộc thí sinh phải cân nhắc. Nhưng sẽ có những trường, chỉ những thí sinh có kết quả rất cao mới dám đăng ký, dẫn đến điểm chuẩn có thể cao. Có người nói đấy là “điểm trừ” của kỳ thi quốc gia. Tôi lại nghĩ đó là mặt tích cực, một sự cạnh tranh lành mạnh, tạo tâm lý thí sinh chọn ngành nghề đúng năng lực của mình.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là chương trình đào tạo đại học của chúng ta chưa liên thông được với nhau, điều này cản trở nhiều con đường lựa chọn ngành nghề. Có thí sinh học cơ khí, sau khi học xong các môn cơ bản, nếu chương trình liên thông tốt, anh hoàn toàn có thể học tiếp ngành khác ở trường khác nhưng hiện nay chưa thật thuận lợi. Vừa rồi, bảy trường sư phạm chúng tôi đã ngồi với nhau, thống nhất sắp tới sẽ có 70% kiến thức đào tạo giống nhau và đó là bước mở đầu cho sự liên thông giữa các trường sư phạm với nhau.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo cụm thi tại ĐH Thủy lợi cho biết:

Kỳ thi này thực sự lúc đầu chúng tôi rất lo lắng. Nhưng do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ mỉ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nên kỳ thi đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Với Hà Nội thì hiệu ứng dễ nhận ra nhất là đã xóa được các lò luyện thi cấp tốc, áp lực giao thông giảm nhiệt đáng kể, ý thức của thí sinh tốt hơn nhiều, giám thị cũng trách nhiệm, làm việc bài bản hơn. Đề thi phân hóa rất cao, xóa tan được lo ngại đề kết hợp cả xét tốt nghiệp thì xét tuyển đại học như thế nào.

Tuy nhiên, vì là năm đầu tiên nên giám thị phải làm việc hết sức vất vả và có một số điều đáng tiếc xảy ra. Trong quy chế, bút xóa được quy định là tài liệu, nên tôi biết có em nhỡ dùng bút xóa đã bị đình chỉ thi. Vì vậy, tôi kiến nghị, mùa thi sau bút xóa nên xếp vào dòng bút chì, nếu bài thi có sử dụng bút xóa thì nên tổ chức chấm thi chung sẽ đỡ thiệt cho thí sinh

Thu Phương (thực hiện)
.
.