Những ý kiến tâm huyết gửi tới lãnh đạo ngành giáo dục

Thứ Năm, 26/03/2015, 07:35
Đó là những nội dung đóng góp của học sinh thành phố được đặt lên bàn lãnh đạo ngành GD-ĐT TP Hồ Chí Minh tại chương trình “Tiếng nói học sinh TP HCM lần thứ 7, năm 2015” được tổ chức sáng 25/3/2015.

Xử lý hành vi bạo lực học đường còn chưa đủ sức răn đe

Em Trần Nguyễn Thụy Khanh, học sinh (HS) Trường THCS Lạc Hồng, quận 10 cho biết: “Gần đây, những hành vi BLHĐ tiếp tục xảy ra rất nhiều, khi được xem clip về việc HS đánh nhau tại trường khiến chúng em rất hoang mang. Ngay ở trường học của em vào ngày 24/3, vừa xảy ra sự việc các bạn HS nam trong trường đã bảo nhau dùng dao lam để đánh nhau với các bạn trường khác.

Em nghĩ, lãnh đạo ngành GD-ĐT thành phố cần phải có những biện pháp mạnh hơn để răn đe những HS còn có hành vi hung hăng, giải quyết mâu thuẫn trong môi trường nhà trường bằng các việc dùng bạo lực. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng BLHĐ để những HS như chúng em trên đường hằng ngày tới trường bớt lo lắng, sợ hãi vì thực tế nhà trường, phụ huynh và cả xã hội đã lên tiếng, đã có nhiều giải pháp nhưng các vụ BLHĐ, HS đánh nhau vẫn chưa chấm dứt, vẫn tiếp tục xảy ra”.

HS Võ Ngọc Phương Thảo (lớp 11A15, THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức) nói: “Ở khối THPT, các bạn có nhiều biến đổi về tâm, sinh lý nhưng không phải vấn đề nào các bạn cũng có thể chia sẻ với bạn bè, cha mẹ. Không biết Sở GD-ĐT có thể có những trang web trực tuyến để giúp việc chia sẻ khi HS cần không? Theo em nếu làm được điều này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề tâm sinh lý, mà thực tế cho thấy từ nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra cũng chỉ vì bế tắc, không được giải tỏa tâm lý”.

Những học sinh tiêu biểu của thành phố đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh.

Sớm công bố cấu trúc đề thi

HS Phạm Huỳnh Bảo Ngân (lớp 9A7 - Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận) cũng đóng góp: Chương trình học cho HS nhiều năm qua chưa thoát khỏi những kiến thức nặng về lý thuyết, hàn lâm và thiếu thực tế. Vì vậy mong được bổ sung thực hành, ngoại khóa. HS Phạm Thị Thanh Phụng (Trường THCS Chu Văn An, quận 11) đưa ra ý kiến: Làm sao để HS học nhiều nhưng cảm thấy không bị áp lực mà phải tạo sự hứng thú trong học tập? Em cho rằng, các môn như Lịch sử, Sinh học… do các thầy cô còn cho học theo kiểu chép bài và học thuộc lòng nhiều quá, cần hạn chế, để có thời gian tập trung học những môn để thi.

Em Nguyễn Nhật Vy - lớp 10C1, THPT Thủ Đức trình bày thêm: HS chúng em còn quá thiếu kĩ năng làm việc nhóm, trong khi Bộ GD lại thay đổi quy chế thi cử từ 2015 khiến giáo viên và HS xoay không kịp nên hiện HS các lớp 11 và 12 rất lo lắng và hoang mang. Nếu thay đổi thì  Bộ GD thay đổi sớm để kịp đáp ứng!

Cấu trúc đề thi cũng là nỗi lo của bạn HS Phương Thảo:  Thời gian thi THPT quốc gia đã gần kề nên hiện nay cấu trúc đề thi ra sao hiện HS đang rất lo ngại. Nếu cấu trúc có thay đổi thì chúng em kiến nghị với ngành nên có công tác chuẩn bị từ 2-3 năm trước và gửi trực tiếp tới các cấp cơ sở cụ thể là trường học, cho giáo viên và HS kịp xoay theo yêu cầu trong ôn tập, định hướng.

Còn rất nhiều ý kiến của HS xung quanh việc lãnh đạo ngành cần có giải pháp ngay cho việc dạy và học ngoại ngữ. Nhất là hiện nay, ngoại ngữ đã đưa vào môn thi bắt buộc, nhưng khi dạy ngoại ngữ trong phổ thông vẫn nặng về ngữ pháp, ít rèn luyện được kỹ năng nghe, nói.

Một ý kiến đáng chú ý của sinh viên Lê Lưu Thanh Vân (CĐ Kinh tế TP Hồ Chí Minh): Môn Anh văn hiện nay giảng dạy còn chưa đi sâu vào việc học. Chương trình học “lặp đi lặp lại” về lối văn phạm. Sách giáo khoa có phần nghe nói đọc viết nhưng không được luyện tập, trong khi các kì kiểm tra đều làm trắc nghiệm. Theo em, cần có sự cải cách ngôn từ để phù hợp. Việc học tiếng Anh hiện nay theo quan niệm của HS chỉ để  lấy bằng, chứng chỉ, cần được thay đổi. Thay bằng việc tự người học phải coi trọng, học để đạt chuẩn ngoại ngữ, ứng dụng trong học tập và làm việc  hơn là chỉ học do áp lực lấy văn bằng, chứng chỉ”…

Huyền Nga
.
.