Vực dậy giáo dục, hướng nghiệp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Bảy, 11/06/2016, 09:18
Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu… là những chỉ tiêu mà dự thảo Quyết định “Về phát triển giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020” (viết tắt là dự thảo) đưa ra.

Ngày 10-6, tại TP Cần Thơ, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội thảo lấy ý kiến 13 tỉnh, thành ĐBSCL về dự thảo này để trình Thủ tướng Chính phủ nhằm thay thế cho Quyết định 1033/QĐ-TTq, gọi tắt là Quyết định 1033.

Vẫn còn khó khăn

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong tháng 9-2015, Bộ GD&ĐT đã tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 1033 của Chính phủ về “Phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015” với nhiều thành tựu đạt được. 

Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học đạt 99%, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, học sinh (HS) tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 99%. Tỷ lệ HS đảm bảo ngưỡng đầu vào hệ cao đẳng là 88,71% số lượng thí sinh dự thi ở các cụm thi đại học, HS đảm bảo ngưỡng đầu vào hệ đại học, cao đẳng ở ĐBSCL là 88,34%, cao hơn rất nhiều so với nhiều khu vực khác của cả nước. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.

Tuy nhiên, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, còn rất nhiều chỉ tiêu mà ĐBSCL vẫn chưa đạt. Trong đó, việc phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi chưa đạt tỷ lệ 100% theo kế hoạch do thiếu nguồn lực đầu tư, tỷ lệ huy động trẻ dưới 36 tháng tuổi đạt thấp dưới 10%; phân luồng HS, tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp gặp khó khăn, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi cấp THPT của vùng đạt ở mức thấp (dưới 50%). Toàn vùng còn 1.905 phòng học tạm và 2.068 phòng học nhờ, mượn, thiết bị đào tạo chậm đổi mới…

Học viên học nghề ở nông thôn. Ảnh: Vũ Hoàng.

Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, phản ánh: “Tỉnh Cà Mau còn nhiều chỉ tiêu khó hoàn thành theo Quyết định 1033. Một số huyện của địa phương, dân cư sống thưa thớt, dân di cư nhiều, chủ yếu là người nghèo. Họ sống trong rừng quốc gia, cửa biển, nơi có hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện. Nên hiện số trường lẻ nhiều hơn điểm trường chính do điểm trường chính ở xa, nên họ cho con em học điểm lẻ gần nhà, từ đó ảnh hưởng đến việc xây dựng cơ sở vật chất”. 

Về chỉ tiêu đưa HS dân tộc vào Trường Dân tộc nội trú cũng rất khó khăn do Cà Mau có đến 50.000 người là dân tộc thiểu số (chủ yếu người Khmer) cũng sống rải rác, không tập trung. Nhiều huyện trong tỉnh mất cân đối, nợ tiền chính sách cho giáo viên ước tính lên đến 120 tỉ đồng. Do trong những năm đầu thực hiện thì ngân sách chi đủ, nhưng những năm sau phải tăng thêm lương cho giáo viên thâm niên, BHYT cho HS nên mất cân đối, có trường chỉ còn kinh phí hoạt động là 2 triệu đồng/tháng.

Dạy nghề cần gắn với thực tiễn

Theo ông Quân, những trung tâm dạy nghề ở huyện cũng chưa phát huy tác dụng khi người dân lại lười đi học, họ có tâm lý lên các tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ tìm việc làm. Trong khi giáo viên giỏi nghề lại không chịu về dạy do thu nhập quá thấp so với làm cơ sở bên ngoài nên những trung tâm này có rất ít người học. 

Bà Tăng Thị Ngọc Mai, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh cũng cho biết, hiện nay, những ngành nghề đưa trong chương trình hướng nghiệp cho HS hệ THPT đã lỗi thời. Vì vậy khi các em ra trường không tìm được việc làm. Do đó, hướng nghiệp phải bám sát thực tế và cập nhật thường xuyên, thống kê lại trên địa bàn cần nghề nào và khả năng đáp ứng cho doanh nghiệp để chọn lựa ngành nghề đào tạo.

Theo dự thảo, phấn đấu đến năm 2020, thu hút khoảng 30% số HS tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, bình quân mỗi năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 300.000 người, trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm từ 12-15%. 

Ông Trần Hoàng Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An, nhận định: “Nếu chỉ tiêu trên hoàn thành sẽ vực dậy giáo dục nghề nghiệp trong vùng. Nhưng trong bản dự thảo chưa đề cập đến vai trò của doanh nghiệp vì đây là nơi sử dụng lao động. Đây là một khoảng trống, có thể đến năm 2020 lại có khả năng không đạt chỉ tiêu trên. Vì vậy, cần thu hút doanh nghiệp tham gia vào đào tạo”.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, tỉnh này có đề án phân luồng HS sau THCS (70% sau khi tốt nghiệp sẽ vào các trường THPT, 30% vào trường tư thục và trung tâm dạy nghề). Tuy nhiên, tỷ lệ HS vào trường công lập và trung tâm dạy nghề không đạt. Nguyên nhân do tâm lý HS và phụ huynh khi học nghề ra trường cũng không xin được việc. 

“Trung ương cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp để họ liên kết với nhà trường, miễn học phí cho HS học nghề, nâng cao tay nghề cho giáo viên dạy nghề… thì mới mong thu hút được HS”, vị lãnh đạo này nói.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu trong hội thảo này để đề đạt với Thủ tướng Chính phủ có quyết định khác về phát triển giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 nhằm thay thế cho Quyết định 1033.

Như Anh
.
.