Người thầy là yếu tố quan trọng để trường học thực sự hạnh phúc

Chủ Nhật, 08/10/2023, 07:20

Mới đây, mạng xã hội đăng tải clip một thầy giáo ở Thạch Thất, Hà Nội đứng trên bục giảng chỉ tay, xưng "mày- tao" với học sinh và trước đó là sự việc cô giáo ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội có hành động không đúng chuẩn mực đối với học sinh khi em này mua bánh sinh nhật cho lớp không đúng ý mình, cô giáo tiểu học ở Thanh Hoá đánh học sinh lớp 4 bầm tím mông…

Mặc dù những hành vi lệnh chuẩn của giáo viên đều bị xã hội lên án và đã được xử lý nhưng qua hàng loạt sự việc này cho thấy, hiện vẫn một bộ phận giáo viên đang thiếu hụt các kỹ năng và gặp các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tinh thần rất cần được hỗ trợ. Ngoài kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, nhu cầu đào tạo cho giáo viên kỹ năng giải quyết tình huống càng trở nên cần thiết; những áp lực tinh thần và công việc của người thầy cũng cần được thông cảm, sẻ chia.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo Nhân dân (NGND), PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người xung quanh vấn đề này.

4-2.jpg -0
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh.

PV: Chỉ trong một thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra những vụ việc giáo viên có lời nói và hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực đối với học sinh, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây bức xúc dư luận xã hội. Những câu chuyện không vui trên gợi cho ông điều gì?

NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Mặc dù các thầy, cô giáo trên chỉ là cá biệt nhưng nếu nhìn vào hành vi để đánh giá thì họ đều không đạt chuẩn nhà giáo, không đúng tư cách của người làm thầy vì ngoài việc truyền thụ cho người học kiến thức, người thầy còn phải dạy học sinh về đạo đức, thuần phong mỹ tục phù hợp với xã hội. Do vậy, dù bất cứ nguyên nhân nào, khách quan hay chủ quan, lỗi do phía nào thì hành vi ứng xử như thế đều là không đúng, khó có thể chấp nhận. Những giáo viên này đã làm mất lòng tin của các gia đình phụ huynh, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội cũng như mối quan hệ giữa nhà trường với cộng đồng.

PV: Quay trở lại câu chuyện cô giáo chủ nhiệm ở Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội chỉ vì học sinh mua bánh sinh nhật không đúng ý đã có lời nói và hành động không phù hợp như đuổi học sinh ra khỏi lớp, túm cổ áo, kéo học sinh gây bức xúc dư luận. Theo ông trong tình huống này, cô giáo chủ nhiệm phải ứng xử như thế nào mới đúng chuẩn mực?

NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Có thể nói rằng, việc cô giáo và lớp học tổ chức mừng sinh nhật cho các bạn học sinh của lớp trong tháng là rất nhân văn, thể hiện sự tôn trọng, đề cao tình cảm giữa thầy cô với học sinh, giữa học sinh với học sinh, thắt chặt hơn mối quan hệ của các học sinh trong lớp. Tuy vậy, trong tình huống này, cô giáo có thể có một số phương án lựa chọn.

Phương án thứ nhất, khi nhận kết quả là học sinh không mua bánh đúng như ý của mình, trước hết cô phải kiểm tra lại việc truyền lệnh giữa cô và trò có gì lệch không? Chẳng hạn như đối chiếu, xem lại giữa yêu cầu mình đưa ra với điều kiện và nhiệm vụ học trò cần đạt có khó khăn, vướng mắc gì? Sau khi kiểm tra, nếu học trò làm không đúng ý mình, cô có thể phê bình, nhắc nhở thẳng thắn, yêu cầu học trò nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời nói rõ với lớp vì sao lại như vậy trên tinh thần thông cảm, chia sẻ và vẫn quyết định tổ chức sinh nhật cho các con trong lớp bình thường bởi mục đích của việc tổ chức sinh nhật là tăng cường giá trị, tình cảm kết nối giữa cô với trò, giữa học trò với học trò.

Phương án thứ hai là nếu cô giáo vẫn không hài lòng về chiếc bánh, muốn hoàn thiện hơn thì cũng có thể đặt ra tình huống yêu cầu học sinh mua lại chiếc bánh khác.

Từ việc cô giáo có lời nói và hành động không đúng chuẩn mực với học sinh khi xử lý tình huống này cho thấy, một sự việc nhỏ có thể bị đẩy đi quá xa nếu như người giáo viên không có phương pháp sư phạm, kỹ năng xử lý tình huống tốt. Và quan trọng hơn, trong quan hệ với học sinh, người thầy phải xác định được tâm thế vừa phải là thầy, vừa phải là bạn; không nên đặt mình ở thế bề trên, lấy quyền uy của người thầy để trấn áp học sinh.

PV: Rõ ràng, hành động của cô giáo chủ nhiệm ở Trường THPT Đa Phúc là không đúng và đáng phê phán. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự thất vọng đối với em học sinh khi lựa chọn cách quỳ, khóc trước cửa lớp. Ông bình luận gì về tình huống này?

NGND. PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Cá nhân tôi rất thông cảm với em học sinh vì ở lứa tuổi dậy thì, các em có rất nhiều cảm xúc, dễ bị tổn thương và đứng trước các tình huống bất ngờ, các em có thể phản ứng mạnh bằng cơ thể hoặc rơi vào tình huống sợ hãi đến nhụt chí, mất tinh thần rồi sinh ra các cử chỉ, hành động không đúng mực. Dù vậy, tôi cũng khá ngạc nhiên và không đồng tình với cách em lựa chọn là chuộc lỗi bằng cách quỳ, khóc trước cửa lớp.

Trong tình huống cô giáo yêu cầu mua bánh sinh nhật lớp theo tiêu chí cô đưa mà em làm không đúng thì trước hết phải xin lỗi cô, trình bày lý do khách quan dẫn đến việc làm không đúng ý cô. Nếu tự tiện mua, không quan tâm lời cô bảo thì cũng nên xin lỗi cô và chủ động đề xuất với cô phương án nên khắc phục như thế nào cho phù hợp. Việc một học sinh lớp 12, lại là cán bộ lớp ra cửa quỳ xin hoàn toàn không đúng với tâm thế của học sinh cuối cấp, của người cán bộ Đoàn…

Tất nhiên, qua câu chuyện này cũng cho thấy, vai trò của tập thể rất quan trọng. Lẽ ra khi sự việc xảy ra, các bạn trong lớp nên nói thêm với cô chủ nhiệm như thế nào để cô chia sẻ, không trách phạt bạn nặng nề; đồng thời động viên bạn bình tĩnh để xử lý tình huống phù hợp; việc quay video rồi tung lên mạng cũng cần cẩn trọng theo hướng nên khuyến khích nếu đó là những bài học tốt giúp mọi người có thể noi theo, còn những bài học xấu mang tính không phổ biến thì phải hết sức cân nhắc.

4-3.jpg -0
Cần lan toả mô hình “Trường học hạnh phúc” để mỗi ngày đến trường của thầy và trò đều là một ngày vui. Ảnh minh hoạ.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, từ những hành vi lệnh chuẩn của một số thầy cô cho thấy, nhiều nhà giáo đang thiếu hụt các kỹ năng xử lý tình huống và chưa biết cách chuyển hoá áp lực trong bối cảnh bản thân các nhà giáo cũng đang phải chịu nhiều áp lực. Ông có cho rằng, ngoài việc bồi dưỡng kiến thức, các nhà trường cũng cần chú trọng bồi dưỡng kỹ năng để giúp các thầy cô chuẩn mực trong xử lý tình huống sư phạm?

NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Đúng là ngày nay, nghề giáo có nhiều áp lực. Từ những áp lực đó, khi có những hành vi, hiện tượng mà mình cảm thấy bất lực do học sinh gây ra như học sinh thích làm theo ý mình, không thích nghe lời thầy cô đã khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng, thậm chí là stress. Và một số giáo viên đã có những hành vi không kiểm soát như: đánh học sinh, dùng lời lẽ xúc phạm học sinh, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Để nhà giáo có thể làm tròn vai, ngoài việc thầy cô phải không ngừng tự bồi dưỡng, tự rèn luyện để hoàn thiện thì Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục địa phương và các nhà trường cũng cần quan tâm, chú trọng đến việc bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống để các thầy cô biết cách giải quyết vấn đề, biết cách chuyển hoá áp lực. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng các kỹ năng như đối thoại, lắng nghe, giao tiếp, phê phán, đưa ra quyết định. Việc bồi dưỡng này nhà trường hoàn toàn có thể tổ chức lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của tổ chuyên môn thông qua việc đưa ra các tình huống thực tế để mổ xẻ, phân tích, từ đó giúp giáo viên tìm ra phương án đúng khi xử lý tình huống, nhất là trong mối quan hệ với phụ huynh, học sinh.

Tôi nhớ trên Đài truyền hình Việt Nam có một chương trình rất hay, bổ ích đối với giáo viên là “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”. Sau khi tham gia chương trình này, được trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành với các tình huống thực tế, nhiều giáo viên cho biết họ đã biết cách vượt qua các áp lực, các khó khăn, từ đó tìm lại được sự tự tin và tạo ra môi trường học tập, nơi mà giáo viên, học sinh và phụ huynh đều hạnh phúc và hài lòng. Nếu có thêm nhiều những chương trình như thế này hoặc tổ chức được các đợt tập huấn chuyên sâu về vấn đề trong các nhà trường này sẽ rất tốt cho giáo viên, giúp họ có cơ hội để thay đổi, hoàn thiện, trở thành những người thầy chuẩn mực.

PV: Nhằm đẩy lùi bạo lực học đường, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp. Và một trong những giải pháp mang tính lâu dài là xây dựng, lan toả mô hình “Trường học hạnh phúc”. Hiện mô hình này đã và đang được nhân rộng ở nhiều trường học tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo ông, để có trường học hạnh phúc thật sự, cần những yếu tố nào?

NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Nói đến trường học hạnh phúc, có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc phải đầu tư những ngôi trường thật hiện đại. Nhưng cá nhân tôi cho rằng hạnh phúc, trước tiên lại phải bắt đầu từ việc tạo niềm vui đi học mỗi ngày cho trẻ. Một trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, ở tiêu chí thứ nhất, yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên là bao dung. Tiêu chí thứ hai, trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần, trong đó, giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không bị xúc phạm, bị tổn thương về thể xác và tinh thần. Tiêu chí thứ ba là cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.

Như vậy, có thể nói, trường học hạnh phúc là trường học lấy học sinh làm trung tâm trong mọi hoạt động nội khoá và ngoại khoá; từ hiệu trưởng đến giáo viên, phụ huynh học sinh phải cùng nhau chung sức, đồng lòng tạo ra các hoạt động tích cực, hướng thiện, giúp cho học sinh được trải nghiệm và phát triển một cách toàn diện.

PV: Xã hội luôn đòi hỏi cao đối với người thầy trong khi đó thu nhập của giáo viên hiện nay nhìn chung là còn thấp nếu so với các ngành nghề khác và áp lực trong công việc ngày càng lớn. Theo ông cần những chính sách gì để giáo viên yên tâm làm việc, cống hiến?

NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Trong xã hội hiện nay, giáo viên và cán bộ y tế rất cần được ưu tiên trong chế độ lương bổng để họ có thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp mà mình theo đuổi. Nếu như lương không đủ sống, người thầy thuốc, thầy giáo vẫn phải lo mưu sinh thì họ sẽ rất khó để có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc người bệnh, hết lòng vì học sinh thân yêu của mình. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm, tạo điều kiện để người thầy có môi trường tốt để làm việc; giảm bớt áp lực không cần thiết cho giáo viên; tạo cơ hội để nhà giáo được bồi dưỡng, hoàn thiện kiến thức và kỹ năng; quan tâm đến đời sống tinh thần, sức khoẻ tinh thần của đội ngũ nhà giáo vì không chỉ học sinh mà giáo viên cũng có thể bị tổn thương tâm lý, cần được tham vấn, hỗ trợ, được chữa lành…

Tất nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, do xã hội luôn đặt ra yêu cầu cao đối với người thầy nên đã xác định lựa chọn làm thầy thì ngoài việc nêu gương, trước hết người thầy cũng phải là tấm gương về lòng yêu nghề, về sự chấp nhận sự hy sinh.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.