“Nở rộ” ngành học mới và bài toán kiểm soát chất lượng

Thứ Năm, 16/12/2021, 07:40

Những năm gần đây, ngoài các ngành đào tạo truyền thống, các trường đại học (ĐH) đều chú trọng mở thêm ngành học mới. Đa số các ngành mới mở được xem là “hot” trong tuyển sinh vì “đón đầu” được xu hướng và nhu cầu nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên, để các ngành học mới thực sự có ý nghĩa đối với người học và xã hội, cần tăng cường giám sát chất lượng.

Mùa tuyển sinh cho năm học 2022-2023, Trường ĐH Gia Định (GDU) dự kiến mở mới và tuyển sinh một số ngành học chương trình tài năng gồm: Ngành Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Marketing và Kinh doanh quốc tế. Theo ông Trịnh Hữu Chung-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, việc mở thêm ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhóm ngành nghề này trong 3 năm tới. Đây là ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo có lộ trình, giỏi tay nghề, ngoại ngữ. Vì vậy, nhà trường quyết định mở thêm chương trình đào tạo tài năng cho nhóm ngành này.

Trường ĐH Hoa Sen dự kiến mở thêm một loạt ngành học mới như Thương mại điện tử, Digital Marketing, Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo. Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng dự kiến mở và tuyển sinh ngành học mới là Dược học…

“Nở rộ” ngành học mới và bài toán kiểm soát chất lượng -0
Nhiều ngành học mới của các trường ĐH gắn với xu hướng nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 để giảm tối đa sự chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành đào tạo, mở thêm nhiều ngành học mới. So với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sỹ có 118 ngành và bậc tiến sỹ có 55 ngành. Đặc biệt, có 58 ngành đào tạo thí điểm bậc đại học, 102 ngành thí điểm bậc thạc sỹ và 43 ngành thí điểm bậc tiến sỹ.

Những ngành thí điểm là những ngành chưa có tên trong danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo mà Bộ GD&ĐT đã ban hành và đã được đánh mã số, đồng thời cũng là "đặc sản" trong đào tạo của ĐHQG Hà Nội. Từ bức tranh tổng này, người học có thể nắm được cơ cấu ngành nghề của ĐHQG Hà Nội trong cả giai đoạn 5 năm tới, từ đó lựa chọn ngành học phù hợp nhất cho bản thân trong tương lai.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Mỗi ngành, chuyên ngành ra đời đều có vai trò, chức năng nhất định đối với sự phát triển biện chứng của kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn tới, cho đến năm 2025, có lẽ chưa có ngành nào thực sự "biến mất". Song, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, của cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là sự thay đổi, gia tăng về cả yêu cầu và nhu cầu của con người, nhiều ngành khoa học ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí có sự xóa nhòa ranh giới của một số ngành, kèm theo là nhiều chương trình đào tạo phải có sự đổi mới linh hoạt: có thể là sự đan cài vào nhau, có thể là sự chuyển hóa, có thể là sự phân chia, cũng có thể có thể là sự tích hợp. Sự "ứng biến" này cũng như sự trưởng thành của các nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQG Hà Nội là cơ hội và là nền tảng cho sự ra đời các chương trình đào tạo mới mang tính liên ngành, liên lĩnh vực. Các ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ chiếm tỷ trọng khá lớn trong các ngành mới được quy hoạch của ĐHQG Hà Nội trong thời gian tới như: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lí đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kỹ thuật số…

Trước đó, rất nhiều ngành học mới lần đầu tiên xuất hiện trong danh mục đào tạo đại học như ngành Golf của Trường ĐH Tôn Đức Thắng; ngành Du lịch sinh thái của ĐH Lâm nghiệp; ngành Công nghệ Hàng không - Vũ trụ; cử nhân Khoa học dữ liệu, kỹ sư Năng lượng, Vật liệu và Linh kiện nano, An ninh phi truyền thống, Biến đổi khí hậu của ĐHQG Hà Nội; ngành Phân tích kinh doanh, Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Quản trị kinh doanh điều hành thông minh, Quản trị chất lượng và đổi mới của ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội; Khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, Hệ thống nhúng thông minh và IOT của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội…

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các trường đại học mở thêm nhiều ngành mới thể hiện sự tự chủ, năng động của các trường, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh mới. Đây cũng là xu hướng tất yếu hiện nay khi cơ cấu kinh tế đã và đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, sự phát triển ngành nghề trong xã hội ngày càng đa dạng hơn, nhu cầu của người học ngày càng phong phú hơn. Tuy vậy, điều đáng lo ngại là khâu quản lí, kiểm định chất lượng khi các ngành nghề mới được mở ra.

“Khi mở các ngành học mới, quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải là kiểm soát chất lượng chương trình, đội ngũ giảng viên đủ trình độ và điều kiện thực hiện đào tạo. Điều này sẽ quyết định chất lượng của nguồn nhân lực, nếu khâu chuẩn bị không tốt, quá trình đào tạo không như cam kết thì khó bảo đảm chất lượng đầu ra”-TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm.

Huyền Thanh
.
.