Rèn nếp giúp học sinh bắt nhịp với lịch học trực tiếp

Thứ Ba, 08/02/2022, 08:32

Việc học trực tuyến kéo dài đã khiến cho “đồng hồ” sinh học, nền nếp, thói quen của nhiều học sinh bị đảo lộn. Để giúp con có thể “bắt nhịp” với lịch học trực tiếp từ ngày 8/2, nhiều phụ huynh đã tận dụng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán làm “công tác tư tưởng” cho con yên tâm quay lại trường, rèn thói quen dậy sớm, ăn sáng đúng giờ, quản lý thời gian sử dụng điện thoại và máy tính để giúp các con làm quen dần với nhịp sinh hoạt mới khi đi học trở lại.

Chị Bùi Thu Thuỷ, phụ huynh có con học lớp 9 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, năm nay, do dịch bệnh nên gia đình chị không đi du lịch xa. Tận dụng thời gian ở nhà, chị đồng hành cùng con trong việc điều chỉnh giờ giấc, thói quen sinh hoạt để chuẩn bị cho việc trở lại trường đi học trực tiếp. Theo chia sẻ của chị Thuỷ, do nhiều tháng nay, lịch học online ở trường vào buổi chiều nên các con thường dậy muộn. Thậm chí, có những hôm bố mẹ đi làm, con còn ngủ nướng, “bỏ qua” việc ăn sáng. Do vậy, khi nhận được thông báo các con đi học trực tiếp trở lại từ 8/2, điều khiến chị lo lắng nhất là làm sao để con quay lại với việc dậy sớm như trước đây để ăn sáng đầy đủ và đi học đúng giờ.

“Dù trong thời gian nghỉ Tết nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng động viên con đi ngủ sớm, buổi sáng dậy đúng giờ để quen dần nếp sinh hoạt khi đi học lại. Những buổi đầu, mất 30 phút khởi động con mới chịu dậy nhưng dần dà con cũng quen và thích nghi dần”-chị Thuỷ nói.

Không chỉ thúc con dậy sớm, thiết lập lại giờ giấc sinh hoạt hàng ngày, chị Lê Thanh Hà, phụ huynh có con học lớp 8 tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) còn lên kế hoạch quản lý thời gian sử dụng điện thoại và máy tính của con.

Rèn nếp giúp học sinh bắt nhịp với lịch học trực tiếp -0
Cần sự hỗ trợ của phụ huynh giúp học sinh thích nghi dần với việc học trực tiếp. Ảnh minh hoạ

Chị Hà kể: “Trước Tết, khi học online, phần lớn thời gian trong ngày, con đều ôm máy tính. Bố mẹ lại đi làm, rất khó kiểm soát vì không biết lúc nào con học, lúc nào con làm việc riêng. Thế nên, khi nhận được thông tin ra Tết con đi học trực tiếp, vợ chồng tôi đã lên kế hoạch quản lý thời gian sử dụng máy tính của con. Thay vì sử dụng toàn thời gian như trước, chúng tôi chỉ cho con được sử dụng trong khoảng thời gian cố định. Lúc đầu con cũng vùng vằng, khó chịu, thậm chí thể hiện thái độ nhưng với sự kiên nhẫn, mềm mỏng của bố mẹ, con cũng đã hợp tác”.

Nhiều phụ huynh cũng thừa nhận, cùng với nỗi lo phòng dịch khi các con đi học trực tiếp trở lại thì việc làm sao để con thay đổi thói quen sinh hoạt, học tập trong nhiều tháng liền học trực tuyến cũng đang là một thách thức không nhỏ. Để các con không bị “sốc” khi đi học trở lại, bố mẹ buộc phải rèn lại nếp sinh hoạt cho con, đồng hành cùng con để “kích hoạt”lại những thói quen, nền nếp cũ.

Cô Lê Hoài Thanh, giáo viên Trường THCS Đại Kim (Hoàng Mai) cho biết: Thời điểm này, phụ huynh nên dành thêm thời gian động viên và hỗ trợ con khi con quay lại trường như gọi con dậy sớm, cùng con chuẩn bị đồng phục, đồ ăn sáng... Phụ huynh sẽ phải thật kiên nhẫn, vì phải mất một thời gian, các con mới quen được với nền nếp của việc đi học trực tiếp.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần hướng dẫn trẻ việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch trong trường học như đeo khẩu trang trong suốt thời gian học ở trường, rửa tay thường xuyên, sử dụng bình nước uống riêng…

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn, Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng cho rằng: Cha mẹ cần trò chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn để con có sự chuẩn bị về mặt tinh thần khi đi học trở lại. Đơn cử như việc đến trường cũng đồng nghĩa với tinh thần sẵn sàng chấp nhận tình huống bạn hoặc bản thân là F0 nhưng con không phải bối rối, hoảng hốt vì sẽ có thầy cô, bác sĩ hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên giúp con giảm bớt thách thức trong giai đoạn chuyển đổi môi trường học, cách học và trấn an nếu con lo lắng. Trong những ngày đầu con đi học trực tiếp, cha mẹ có thể hỗ trợ nhắc nhở con về lịch học hàng ngày, sách vở và dụng cụ học tập, tuân thủ 5K. Về phía các trường học, khi đón học sinh đi học trở lại cũng cần khởi động mô hình Phòng tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả nhất sau thời gian dài học trực tiếp.

Huyền Thanh
.
.