Trong 10 năm tới, Việt Nam cần 50.000 nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn

Thứ Năm, 19/10/2023, 15:30

Ngày 19/10, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội thảo. Dự hội thảo còn có đại diện Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT; đại diện gần 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, quyết tâm cùng hợp lực hành động giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu với sự quan tâm, đầu tư, kiến tạo cơ chế chính sách của Nhà nước; sự đồng hành tích cực của các địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của đất nước.

Báo cáo được trình bày tại hội thảo cho biết, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người trình độ đại học trở lên.

Việt Nam cần 50.000 nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn trong 10 năm tới -0
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.

Tuy nhiên, người học và các cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp...

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Việt Nam cần 50.000 nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn trong 10 năm tới -0
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu tại hội thảo.

Đặc biệt, từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được thiết lập vào tháng 9/2023, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… đã được mở toang nhưng thực tế triển khai lại đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống GD&ĐT và thị trường lao động. “Thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch", lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, không ai khác mà chính là các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu. Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia. Tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít. Để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức; từ đó đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho ngay những năm tiếp theo và cả giai đoạn tới 2030.

Trên cơ sở đó, cùng thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, đó là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm… Ngoài ra, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này. Cần xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…  

“Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không thể chỉ là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học hay của các bộ ngành, để thành công cần có sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp, của địa phương, của các trường phổ thông và của toàn xã hội”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Bộ GD&ĐT cũng đã báo cáo về thực trạng và định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Hội thảo đã lắng nghe các tham luận, trao đổi từ các đại học, trường đại học, doanh nghiệp, chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành và phát biểu định hướng từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

Dịp này, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ký kết biên bản hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Hoài Thu
.
.