Tự chủ đại học không có nghĩa là "thích làm gì thì làm"

Thứ Ba, 15/08/2023, 18:53

Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học. Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu Bộ GD&ĐT, kết nối với hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học trên cả nước.

Thu nhập thấp, nhiều giảng viên đại học làm thêm nghề phụ 

TS. Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang nêu ý kiến về thực trạng đời sống, thu nhập của viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục đại học. Theo ông Đạo, hiện nay, công việc của viên chức, người lao động chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp, đời sống khó khăn.

Thực trạng này dẫn đến hệ quả là không ít viên chức, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác khác, học ở nước ngoài xong thì không muốn về trường làm việc. Điều lo lắng hơn, không ít viên chức, người lao động dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm nhiều việc khác nhau ngoài công việc chính như: bán hàng online, bất động sản … Kết quả là, công việc chính thì đem lại thu nhập phụ, việc làm phụ thì đem lại thu nhập chính. Việc chính cần được dành nhiều trí tuệ, tâm huyết thì lại không. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo.

Tự chủ đại học không có nghĩa là
Các đại biểu tham dự cuộc gặp gỡ tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Từ thực tế trên, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang nêu 2 đề xuất: Thứ nhất, nên có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo mặc dù điều này rất khó bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải xem xét trong tương quan với các ngành khác. Hai là, có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10-20 năm) với phương thức trả nợ vay phù hợp.

PGS.TS Phạm Ngọc Minh, Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho biết: Đào tạo ở trường y tương đối dài, chẳng hạn bác sĩ đa khoa có thời gian đào tạo 6 năm. Muốn trở thành giảng viên thì phải có thêm ít nhất 3 năm đào tạo bác sĩ nội trú. Việc vừa làm công tác kiêm nhiệm ở bệnh viện, vừa làm thầy giáo nên trách nhiệm của các giảng viên rất nặng nề. Tuy nhiên, hiện giảng viên chỉ được hưởng 1 loại lương, phụ cấp.

"Đây chính là một trong những thách thức để "giữ chân" giảng viên giỏi. Do vậy, cần có cơ chế chính sách, đặc thù, thu hút tương xứng. Chúng ta giữ chân người giỏi bằng tâm huyết của họ, chứ không phải bằng mệnh lệnh, hành chính. Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi quy định về điều kiện có thể trở thành giảng viên trường y. Thay vì quy định phải có bằng thạc sĩ, nên chăng sửa thành giảng viên trường đại học y phải có bằng thạc sĩ hoặc tương đương để các trường có thể vận dụng được. Ngoài ra, cần sửa đổi Nghị định 99 về tự chủ đại học để phù hợp với thực tiễn", PGS.TS Phạm Ngọc Minh nêu ý kiến.

PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketting, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì cho rằng: Tự chủ trong đại học hiện nay, xã hội vẫn hiểu là tự chủ trong thu học phí, thiên về tài chính và nghĩ là tự chủ là nhà nước không hỗ trợ học phí và các hoạt động. Đây là vấn đề cần được truyền thông để xã hội rõ.

Theo đề xuất của bà Huyền, Bộ GD&ĐT cần tăng cường truyền thông về tự chủ đại học; trong đó nhấn nhấn mạnh tự chủ là tăng cường quyền cho các nhà trường. Các trường được chủ động liên kết tạo các mối quan hệ, thêm cơ hội để người học được có thêm thực tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học. Tự chủ trong các trường đại học cũng tạo điều kiện để các trường được chủ động mời các chuyên gia quốc tế, tăng cường các hoạt đội đối ngoại để nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam. Các trường tự chủ hướng đến chủ động trong việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng không gian học tập mang tầm quốc tế. Các trường được tự chủ trong liên kết tạo ra dịch vụ đại học mang đẳng cấp quốc tế.

"Tự chủ tài chính, đảm bảo thu đúng thu đủ là cần thiết, cần để xã hội không phàn nàn về vấn đề học phí. Sự thiếu đồng bộ trong điều hành tự chủ tài chính đang đặt ra khó khăn cho các nhà trường, đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan điều hành sớm đề xuất cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường đại học điều hành tự chủ tại chính một cách hợp lý trong thời gian tới", bà Huyền nói. 

Từng bước gỡ các "nút thắt" về thu nhập, thể chế và cơ sở vật chất

Chia sẻ với giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, công tác tài chính cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động ở các trường đại học. Hiện Chính phủ yêu cầu các trường thực hiện tạm lùi thời hạn tăng học phí theo Nghị định 81 để chia sẻ khó khăn với người dân. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kiến nghị Nhà nước cấp bù kinh phí cho các nhà trường để đảm bảo chất lượng hoạt động.

Tự chủ đại học không có nghĩa là
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi thông tin với các giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục tại cuộc gặp gỡ.

Liên quan đến vấn đề thu nhập của giảng viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cũng cần tính toán để đảm bảo cuộc sống giúp giảng viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Thực tế cho thấy, thu nhập của giảng viên chưa thực sự cao do nhiều nguyên nhân. Trong Nghị quyết 29 đã nêu định hướng, tiến tới giáo viên sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, để hiện thực hoá được điều này cần có thời gian, phụ thuộc vào rất nhiều cấp nhiều ngành, nhiều yếu tố, Bộ GD&ĐT chỉ có thể kiến nghị, đề xuất chứ không đóng vai trò quyết định.

Về vấn đề lớn là tự chủ đại học, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Việt Nam đã thực hiện hơn 30 năm với khởi đầu là sự ra đời của 2 đại học Quốc gia. Hiện nay, có nhiều trường đại học đã tự chủ rất cao. "Triển khai tự chủ Đại học, một điểm vướng, khó hay được nhắc đến là thể chế. Chúng ta đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định 99 hướng dẫn thi hành luật, quy định nhiều nội dung chi tiết để thực hiện tự chủ. Nhưng vẫn có sự xung đột, chồng chéo, chưa đồng bộ với các bộ luật khác, khiến cho quyền tự chủ của giáo dục đại học rất khó thực hiện một cách đầy đủ. Điều này cần có quá trình điều chỉnh. Hiện, chúng ta đang điều chỉnh Nghị định 99 và dự kiến năm 2023, Quốc hội, Chính phủ sẽ giao Bộ GD&ĐT xem xét, sửa đổi Luật Giáo dục đại học; từ đó tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học được đúng hướng, có chiều sâu, thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học hơn", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

 Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo cũng cho biết, một khó khăn khác của thực hiện tự chủ là sự hiểu về tự chủ; có nơi hiểu chưa hết, không dám làm hết; có nơi hiểu tự chủ là thích làm gì thì làm. Cả hai cách hiểu trên đều dẫn đến sai lệch trong quá trình thực hiện. Để có môi trường học thuật lành mạnh, tự chủ, khi xác định tự chủ đại học, chính các giảng viên của nhà trường cần tự mình tạo ra môi trường cho chính mình, chứ không phải trông ngóng ở các lực lượng khác.

Liên quan đến các điểm nghẽn về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Các trường đại học những năm qua có những bước tiến về quy mô nhà trường, quy mô sinh viên, số lượng giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên... Tuy vậy, hiện các trường đại học cả công và tư đều cơ bản còn khá nghèo nàn về cơ sở vật chất. Hệ thống phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được ở góc độ đỉnh cao theo tầm quốc tế. Do đó, cần tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm ở các trường đại học. Chúng ta cần có một chương trình quốc gia về hạ tầng hiện đại cho các trường đại học.

Huyền Thanh
.
.