Trái ngọt đã tới khi trọn đam mê thể thao

Thứ Tư, 14/09/2016, 10:04
Khi những đồng đội như Lê Văn Công, Đặng Thị Linh Phượng đã giành được huy chương tại Đại hội thể thao người khuyết tật thế giới 2016 (Paralympic 2016), trong lòng vận động viên thể thao người khuyết tật Võ Thanh Tùng rất nhiều cảm xúc.

Cảm xúc dâng trào vì đồng đội làm được điều không tưởng là giành huy chương tại một kỳ Paralympic. Và rồi, trong sáng thi đấu 13-9, cái tên Võ Thanh Tùng đã được Ban tổ chức Paralympic 2016 (đang tranh tài tại Rio de Janeiro - Brazil) xướng lên bục nhận Huy chương Bạc môn bơi (cự ly 50m tự do hạng thương tật S5) lịch sử cuộc đời...

Bỏ nghề chọn thể thao

Sau khi vận động viên thể thao người khuyết tật Võ Thanh Tùng giành Huy chương Bạc trong môn bơi tại Paralympic 2016, từ khóa tìm kiếm chàng trai này trên Internet lại thêm nhiều. Dù trước đó, Võ Thanh Tùng đã nổi tiếng và nhiều người biết đến.

Mọi người mới biết về Võ Thanh Tùng vì vận động viên này là kỷ lục gia giành nhiều huy chương thi đấu bơi tại Đông Nam Á, châu Á. Nhưng với Tùng, kết quả giành một tấm huy chương Paralympic luôn là mốc đặt ra mạnh mẽ nhất. Thanh Tùng luôn đặt mục tiêu phải đoạt được huy chương Paralympic để gây áp lực khiến bản thân hoàn thiện hơn.

11 vận động viên thể thao người khuyết tật của Việt Nam đi Rio de Janeiro thi đấu lần này là những người giỏi nhất. Từng người họ có những câu chuyện, cuộc đời khác nhau. Mỗi người một vẻ.

Với vận động viên khuyết tật không may mắn bị khiếm khuyết về sức khỏe, trong cuộc sống, họ luôn nỗ lực vượt khó bằng nghị lực bản thân đáng trân trọng.

Giai đoạn năm 2013 là lúc khó khăn nhất về tâm tư của Võ Thanh Tùng. Lúc đó, vận động viên này quyết định bỏ nghề sửa điện thoại (đang là kế kiếm sống của Tùng) để chuyên tâm tập thể thao, làm một vận động viên thể thao khuyết tật chuyên nghiệp.

Quyết định đưa ra không dễ. Tùng từng kể với chúng tôi rằng: “Bỏ nghề sửa chữa điện thoại di động là quyết định khó khăn của tôi. Tôi đã xác định, muốn theo nghiệp thể thao, phải thường xuyên tập luyện nên mình chấp nhận. Đưa ra quyết định rất khó khăn nhưng tôi đã suy nghĩ lạc quan rồi mọi chuyện cuối cùng đã qua”.

Đa số vận động viên thể thao người khuyết tật hiện tại của chúng ta chỉ lấy tập luyện thể thao làm việc bán thời gian. Từng người vẫn phải lo toan cuộc sống bằng công việc chính của mình.

Không nhiều người dám bỏ việc để dành trọn thời gian tập, thi đấu và kiếm sống bằng thể thao. Thanh Tùng đã làm được điều đó. Chàng trai quê gốc vùng Phú Tân (An Giang) này tưởng như đã hết nghị lực do mắc chứng teo chân khi mới lên 2 tuổi. May mắn, quê hương là vùng sông nước, Thanh Tùng chớm nhỏ đã quen bơi và có năng khiếu.

Bước ngoặt cuộc đời của Thanh Tùng là được chú ruột đưa về Cần Thơ tập thể thao rồi xuất hiện thi đấu năm 2005. Từ đó, Thanh Tùng đã gắn chặt sự nghiệp bơi lội cùng đơn vị Cần Thơ rồi chuyển bước đến với thể thao người khuyết tật tại TP Hồ Chí Minh hiện tại. Huấn luyện viên đội bơi thể thao người khuyết tật Việt Nam – ông Đổng Quốc Cường là người kiệm lời.

Nhưng nói về Thanh Tùng, ông Cường luôn hồ hởi nhận xét đây là vận động viên đúng chất bơi lội bẩm sinh nhờ thể hình cho đến đầu óc nhanh nhạy và rất đam mê thể thao. “Thể thao bình thường hay thể thao người khuyết tật, muốn thắng người ta thì bạn phải nỗ lực. Tất cả vận động viên của chúng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc khi tập luyện và thi đấu. Tùng là một trong những điểm sáng như thế”, ông Cường từng chia sẻ.

Trả lời truyền hình tại Rio de Janeiro (Brazil) sau khi giành Huy chương Bạc, Võ Thanh Tùng đã gửi lời cảm ơn tới những người luôn đồng hành cùng mình từ trước đến nay. Tất nhiên, Tùng phải thầm cảm ơn chính mình. Quyết định bỏ công việc để chỉ chuyên tâm làm vận động viên thể thao là đúng đắn.

Vận động viên Võ Thanh Tùng xuất sắc giành Huy chương Bạc.

Phía sau tấm huy chương

Như chúng tôi đã nói ở trên, ngoài tập luyện và thi đấu thể thao, đa số vận động viên thể thao người khuyết tật đều phải có cho mình một nghề để mưu sinh. Những người đã giành huy chương cho thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic 2016 như Lê Văn Công, Đặng Thị Linh Phượng, Cao Ngọc Hùng, Võ Thanh Tùng không ngoại lệ.

Lực sĩ Lê Văn Công sau giờ tập luyện lại trở về đời thường làm thợ sửa chữa điện tử trong cửa hàng chung với bạn tại TP Hồ Chí Minh. Nữ đô cử Đặng Thị Linh Phượng là một thợ lành nghề chạm khảm thuộc xưởng mỹ nghệ 27/7 tại Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Kỷ lục gia ném lao Cao Ngọc Hùng với vợ có một quán phở nhỏ.

Võ Thanh Tùng đã sửa điện thoại rất lành nghề (nhưng nay nghỉ hẳn). Để nuôi dưỡng đam mê thể thao, trước tiên, họ phải đảm bảo được cuộc sống và có một nơi ở ổn định cho mình. Những chiến thắng của nhiều vận động viên thể thao người khuyết tật trong các lần dự ASEAN Para Games (tại Đông Nam Á), ASIAN Para Games (tại châu Á) đã giúp họ có được nhiều phần thưởng. Bây giờ, huy chương Paralympic chắc chắn cũng mang lại nhiều thưởng cho mỗi người.

Tổng thư ký Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt Nam – ông Vũ Thế Phiệt không ít lần chia sẻ với quan điểm rằng chiến thắng mà mọi người nhìn thấy từ vận động viên vẫn là quá ít.

“Khó khăn” là từ thường trực bất kỳ ai cũng nhắc khi nói về vận động viên, huấn luyện viên thể thao người khuyết tật. Mong mỏi của họ đơn thuần là thể thao mang lại sức khỏe và thể thao cũng giúp họ có cuộc sống ổn định hơn qua thu nhập từ thành tích huy chương.

Diệu Phương
.
.