'Luôn làm tròn phận sự với người dân'

Chủ Nhật, 10/05/2015, 09:02
Phạm Quang Ngọc (Phòng PC66, Công an Quảng Nam) đến với ngành Công an bằng một cái duyên tình cờ. Năm 2005, với tấm bằng kỹ sư Đại học Bách khoa Đà Nẵng, anh được tuyển dụng vào lực lượng CAND.

Phạm Quang Ngọc nhanh chóng thấy gắn bó và nỗ lực trau dồi những gì còn thiếu sót, đồng thời tham gia theo học Đại học Cảnh sát nhân dân (hệ bằng 2) do Học viện Cảnh sát nhân dân mở tại thành phố Đà Nẵng. 

Năng nổ, nhiệt tình, chỉ sau đó chưa đầy 1 năm về công tác tại Công an tỉnh Quảng Nam, Phạm Quang Ngọc được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn; Phó Bí thư Đoàn cơ sở PC66. Từ năm 2011, Ngọc lại được tín nhiệm giữ cương vị Phó đội trưởng, sau đó là Đội trưởng Đội Tham mưu cho đến nay.

Đại uý Phạm Quang Ngọc.

Liên tục 8 năm liền (từ năm 2007 đến nay) anh đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”; 7 năm liên tục đạt “Đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác và chiến đấu, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng thưởng Bằng khen về thành tích trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và được đề xuất Bộ Công an tặng thưởng danh hiệu “Thanh niên Công an tiêu biểu”... 

“Với mình, được đứng vào hàng ngũ những người chiến sỹ Công an nhân dân là một vinh dự lớn lao và là niềm tự hào cho bản thân và gia đình; từ đây mình có thể đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia. Đó là giấc mơ của ông bà mình, cha mẹ mình và họ đều đã đổ xương máu cho giấc mơ đó” – Phạm Quang Ngọc tâm sự.

Sinh ra ở một miền quê nghèo và cũng là cái nôi của cách mạng - xã Điện Hồng, (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cả gia đình Ngọc đều tham gia cách mạng từ sớm. Bà nội là liệt sỹ (hy sinh năm 1969), ông nội là thương binh, bố mẹ đều để lại một phần xương máu ở chiến trường, Ngọc thấm thía sự hi sinh không chỉ bằng lời nói, mà bằng từng cơn đau của những người thân mỗi khi trái gió trở trời. 

Suốt 10 năm trong nghề, chỉ có 1 năm duy nhất anh được đón giao thừa cùng gia đình, là năm đầu cưới vợ, còn lại triền miên là những ngày trực chiến đấu. May mắn lấy vợ cùng ngành và được cảm thông, tạo mọi điều kiện, nhưng Ngọc không tránh khỏi những lúc xót lòng khi con nhỏ ốm đau đột xuất trong đêm. Bố công tác xa nhà, vợ con anh phải nhờ đồng đội đưa vào bệnh viện. Có những lần cháu ốm quá, phải chuyển viện ra Đà Nẵng trong đêm, cũng lại là đồng đội. 

Dải đất miền Trung thường xuyên xảy ra bão lũ lớn, lực lượng Công an phải trực 24/24h trong nhiều ngày liền để giúp dân khi cần, trong khi đó gia đình mình lại phải trông vào cha mẹ già và vợ. “Có những lúc nghe bà xã báo nhà bị gió bão thổi bay mái, nước vào lêng láng, mình thương quặn lòng, nhưng cũng chỉ biết động viên, hướng dẫn vợ con tìm nơi trú ẩn… Bão tan, anh em mới có thể về mà lo cho gia đình, sửa chữa nhà cửa…”.

Với đặc thù công việc thường xuyên phải làm việc với nhân dân, hướng dẫn người dân công tác phòng cháy, Phạm Quang Ngọc tâm niệm phải mềm mỏng, ân cần, phải giữ cái gốc “là người tốt, là cán bộ Công an tốt”. 

“Có lần một người dân đến nhờ hướng dẫn làm các thủ tục để mở một cửa hàng gas nhỏ, mình đã hướng dẫn kỹ lắm rồi mà thấy anh ấy vẫn đầy vẻ lo lắng, hỏi ra mới biết anh không biết chữ. Thấy thương quá, mình bèn tự làm các thủ tục và hướng dẫn gia đình làm theo. Vài ngày sau, thấy anh ấy đến “cảm ơn”, mình từ chối mãi anh mới về, vài hôm sau lại thấy tìm đến tận nhà. Anh ấy bảo cứ tưởng được giúp phải đưa phong bì nhưng mình đã ôn tồn giải thích, đây là trách nhiệm, không có chuyện phong bì! Nhân một chuyến công tác qua huyện, mình ghé thăm mới biết gia cảnh anh ấy quá nghèo. Ngày đó, anh ấy phải vay mượn bạn bè để có khoản tiền “bồi dưỡng” cho mình. Điều đáng mừng là cửa hàng gas nhỏ đã giúp anh ấy có thu nhập ổn định hơn. Sự việc dù nhỏ nhưng khiến mình nhớ mãi, nhắc nhở mình phải luôn làm tròn phận sự với người dân”.

Vũ Hân
.
.