Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Quyền

Người chỉ huy của 6 tập thể anh hùng

Chủ Nhật, 07/02/2016, 15:01
Nếm mật, nằm gai cùng đồng bào, đồng chí, chỉ đạo và trực tiếp chiến đấu, đồng chí Tô Quyền với sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua gian khổ, hy sinh. Dưới sự chỉ đạo của ông, 6 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, tạo thế và lực cho Tây Ninh trở thành lá chắn thép bảo vệ các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam.


Vào chiến trường

Mùa khô năm 1965, thời tiết Tây Ninh oi ả hơn mọi năm. Lá cây rụng trơ cành, một phần vì khô hạn, một phần vì chất đioxin của Mỹ rải xuống. Những cơn mưa uể oải rắc những hạt nước nhỏ nhoi xuống không đủ làm sạch những chiếc lá còn sót lại dính đầy chất đioxin khiến chúng vẫn có những vết mốc trắng bám vào trông như bị nấm. Ông Tô Quyền đã vào chiến trường Tây Ninh được nửa năm, chuẩn bị đón Tết Bính Ngọ.

Đồng chí Tô Quyền (thứ hai từ trái qua) và đồng đội thăm lại chiến trường Tây Ninh.

Ông nhớ người vợ hiền và bầy con thơ da diết và thường gặp họ trong giấc mơ. Ông gắn bó với Công an tỉnh Hà Bắc (nay là 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh) gần 20 năm, lên đường đi B vào tháng 5-1965, khi đang giữ chức vụ Phó Trưởng ty Công an. Các con của ông đều một tay bà chăm sóc nuôi dưỡng, họ cũng tự trưởng thành và vươn lên. Vào chiến trường mỗi người phải tìm cho mình một bí danh, ông lấy tên con trai đầu làm bí danh của mình: Tô Lâm. Đồng đội và bà con ở khu vực ông hoạt động đều gọi ông bằng cái tên thân thương: anh Tư Tô Lâm, chú Tư Tô Lâm…

Ông được Ban An ninh Trung ương cục phân công giữ chức vụ Phó ban An ninh tỉnh Tây Ninh. Trách nhiệm nặng nề, nhiệm vụ mới mẻ ở một địa bàn có căn cứ của Trung ương Cục và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trên địa bàn này, địch cũng tập trung nhiều đơn vị tinh nhuệ cùng các loại vũ khí hiện đại nhất biến nhiều vùng đất của Tây Ninh trở thành vùng trắng… Các cơ quan tình báo của Mỹ - ngụy từ CIA, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, Cảnh sát đặc biệt đến tình báo quân đội Việt Nam Cộng hòa… thi nhau tung người vào địa bàn Tây Ninh để thực hiện các hoạt động thám báo, biệt kích, ám sát, phá hoại… đặc biệt là cài người vào nội bộ cách mạng.

Nhận nhiệm vụ ở Tây Ninh, cùng với việc tổ chức đơn vị, cùng đồng đội đối phó từng giờ, từng ngày với các cuộc hành quân, vây quét lấn chiếm của địch vào vùng căn cứ, ông suy nghĩ, làm sao để công tác an ninh thực hiện đúng bài bản như ông đã được học trong các trường Công an và thực tiễn công tác mà ông đã trải qua. Sau một thời gian nắm tình hình, đi khảo sát thực tiễn, ông lên kế hoạch công tác: Cấp tốc đào tạo cán bộ; dựa vào nhân dân trong việc phòng gian, bảo mật; làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, chống nội gián. 

Ông không ngờ vào chiến trường, chân ướt chân ráo ông đã trở thành thầy giáo đứng lớp. Như con tằm nhả tơ, ông rút ruột đem hết những kiến thức đã học được tại nhà trường, những kinh nghiệm công tác có được từ khi còn là chiến sỹ đến khi trở thành lãnh đạo Công an một tỉnh. Thầy giáo Tô Quyền đã đào tạo nên một lớp cán bộ chiến sỹ mới cho lực lượng An ninh tỉnh Tây Ninh. 

Tinh thông nghiệp vụ

Trong cuộc đời tham gia lực lượng Công an, ông thấy tự hào nhất là đã có hơn 10 năm chiến đấu ở một chiến trường Tây Ninh. Lúc đó ông đã đủ độ chín để làm được nhiều việc, đủ bản lĩnh để trải qua những khốc liệt của cuộc chiến và đấu trí với các đối thủ là lãnh đạo các cơ quan tình báo của địch ở địa bàn này.

...“Cần thay đổi nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ nội bộ, phòng gian bảo mật”… Từ tư duy ấy, ông đã dành nhiều đêm ông thức trắng để viết các tài liệu tham mưu cho Tỉnh ủy ra các chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo công tác an ninh. Những tài liệu này đã được Tỉnh ủy và Ban An ninh tỉnh chỉ đạo triển khai đạt được hiệu quả. Ông đã trực tiếp chỉ đạo phá nhiều vụ án nội gián. Vụ C3 bắt Ngô Mộng Long và Trần Thị Kim Hương địch cài vào cơ quan Tỉnh đoàn.

Chuyên án B8 đấu tranh làm rõ tên Lâm Quang Lên (Hai Minh), đảng viên, trưởng trạm giao liên làm nội gián. Chính tên này đã chỉ điểm cho địch bao vây hội nghị sơ kết công tác Đảng. Vụ án S6, ông chỉ đạo bắt tên Đặng Thanh Bình, Nguyễn Văn Sáng, bóc toàn bộ mạng lưới nội gián gồm 21 tên, góp phần to lớn trong việc bảo vệ an toàn hành lang vận chuyển hậu cần từ miền Bắc vào, bảo vệ an toàn căn cứ Trung ương Cục.

Đồng chí Tô Quyền đưa ra những cách đánh địch độc đáo và nâng nó lên thành nghệ thuật nghiệp vụ đặc sắc như: “Dùng địch đánh địch”, “Lấy ác diệt ác”. Chính nghệ thuật này đã làm cho nhiều tên tình báo, cảnh sát đặc biệt nguy hiểm mắc bẫy tự tiêu diệt lẫn nhau.

Bám đất, bám dân chỉ đạo phong trào

Đồng đội của ông Tô Quyền vẫn còn nhớ những ngày tháng cùng ông vào sinh ra tử ở các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng… Địch càn quét, bắn phá bất kể ngày đêm, biệt kích sục vào từng nhà, săm soi từng gốc cây ở huyện Châu Thành nhưng ông Tô Quyền vẫn bám sát địa bàn, chỉ đạo phong trào, xây dựng lực lượng, chỉ đạo phá án. Sông Vàm Cỏ, dòng sông được mệnh danh là “dòng sông chết”, nhưng ông vẫn cùng đồng đội nhiều lần vượt qua.

Nếu Tây Ninh là chiến trường ác liệt nhất Nam Bộ thì Gò Dầu là nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt nhất Tây Ninh, vì cả ta và địch đều coi giữ được Gò Dầu là chiếm được Tây Ninh, mất Gò Dầu là mất Tây Ninh. Từ năm 1969-1972, địch thường xuyên mở các chiến dịch với qui mô lớn để bình định và quyết đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi Gò Dầu.

Đồng chí Tô Quyền lúc đó là Tỉnh ủy viên phụ trách huyện Gò Dầu đã về bám trụ trong dân và phát động phong trào “Quyết tử giữ Gò Dầu” lần thứ hai. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của ông, lực lượng an ninh và các lực lượng vũ trang của huyện đã quyết tâm bám đất, bám dân, tổ chức các cuộc chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Cách mạng lại làm chủ trên mảnh đất này. Trảng Bàng là huyện cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn nên kẻ địch tập trung mọi lực lượng để bảo vệ các đường giao thông chiến lược dẫn đến trung tâm Sài Gòn.

Ngoài việc xây dựng đồn bốt dày đặc, chúng còn tiến hành nhiều cuộc hành quân càn quét vào các cơ sở của ta, đốt nhà cửa, phá hoại ruộng đồng hòng buộc dân rời bỏ quê hương, cô lập các lực lượng cách mạng, bao vây kinh tế. Không ngại hy sinh, không quản gian khổ, ông vẫn về tận các xã để chỉ đạo phong trào. Chính vì thế, lực lượng an ninh vũ trang đã đánh thắng nhiều trận tiêu diệt hàng trăm tên địch, nhiều tên ác ôn khiếp sợ không dám hoạt động. Bộ máy kìm kẹp của địch bị phá vỡ tạo điều kiện cho quần chúng giành quyền làm chủ quê hương, hình thành một vùng đất giải phóng nối liền các huyện Trảng Bàng -Dương Minh Châu - Tân Biên tạo thành hành lang quan trọng bảo vệ Trung ương Cục.

Dũng cảm mưu trí

Từ những trận chiến đấu sinh tử, đồng chí Tô Quyền đã đưa ra những khẩu hiệu đánh địch vừa có ý nghĩa chiến thuật, vừa có tầm chiến lược “đánh phải bám giữ giặc chứ không để giặc dãn ra”,  “dùng ít đánh nhiều”, “kéo địch vào mà đánh”. Áp dụng các chiến thuật của ông, lực lượng trinh sát vũ trang của tỉnh đã giành nhiều thắng lợi. Trong một trận đánh của đội trinh sát vũ trang, chỉ với 6 đồng chí, đã chống trả quyết liệt với quân địch đông gấp nhiều lần, tiêu diệt 73 tên buộc chúng phải rút chạy. Mậu Thân (1968), đồng chí trực tiếp chỉ đạo lực lượng an ninh toàn tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang khác đồng loạt tấn công sân bay, tiểu khu Tây Ninh, trại giam…

Trận càn Junction city là trận càn lớn nhất của Mỹ - ngụy trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam… Trong suốt 53 ngày đêm ròng rã, chúng dùng chất độc hóa học hủy diệt rừng, dùng phi pháo và máy bay bắn phá vào vùng căn cứ, vùng ven, bao vây khóa chặt biên giới… hòng tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não của ta tại R. Bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh vào trận quyết liệt.

Đồng chí Tô Quyền đã chỉ đạo lực lượng an ninh của tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang khác phá hoại giao thông, chặn đánh xe tăng, bắn pháo vào các sân bay, tấn công vào thị xã… làm cho địch phải chuyển dần về thế phòng ngự… Chiến công của quân và dân Tây Ninh có sự đóng góp của lực lượng An ninh Tây Ninh, của đồng chí Tô Quyền. Họ đã góp phần bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của ta.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tô Quyền tham gia Ban chỉ huy của Tỉnh ủy Tây Ninh, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, lực lượng vũ trang chặn đánh các đơn vị lính ngụy, không cho rút về TP Hồ Chí Minh để tăng viện cho Sài Gòn. Đúng 10h30 phút ngày 29-4-1975, lực lượng an ninh cắm cờ tại Bộ chỉ huy Cảnh sát quốc gia Tây Ninh.

Nếm mật, nằm gai cùng đồng bào, đồng chí, chỉ đạo và trực tiếp chiến đấu, đồng chí Tô Quyền với sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua gian khổ, hy sinh. Dưới sự chỉ đạo của ông, 6 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, nhiều vụ án gián điệp, nội gián được bóc gỡ, phong trào cách mạng luôn giữ vững, quần chúng luôn tin tưởng vào cách mạng tạo thế và lực cho Tây Ninh trở thành lá chắn thép bảo vệ các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam.

Đỗ Văn Phú
.
.