Thiếu tướng – Giáo sư Trịnh Văn Thanh:

Tấm gương mẫu mực về người thầy

Thứ Năm, 19/11/2015, 07:58
Trong số 52 nhà giáo vừa được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong hàm Giáo sư (GS) năm 2015, Bộ Công an vinh dự có thêm 6 GS, trong đó có Thiếu tướng – NGND Trịnh Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học CSND. Nhắc tới thầy Thanh, các đồng nghiệp, bạn bè và nhiều thế hệ học viên đều dành một tình cảm yêu mến, nể trọng.

Chia sẻ về niềm vinh dự lớn lao vừa đạt được, thầy Thanh bày tỏ: “Muốn vươn tới đỉnh cao của vinh quang, con người ắt phải có ý chí, nghị lực, phấn đấu nhưng không nên chỉ phấn đấu cho riêng cá nhân mình, mà phải đặt trong lợi ích của cả tập thể”.

Thầy Thanh chia sẻ như vậy! Và thực tế trong hơn 40 năm qua, dù ở vị trí giảng viên hay ở vị trí lãnh đạo, thầy Thanh luôn dẫn đầu trong các hoạt động. Thầy đã có 20 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua (CSTĐ) cấp cơ sở, 1 năm CSTĐ toàn lực lượng CAND. Ngoài ra, trong suốt thời gian đứng trên bục giảng, thầy Thanh còn nhận được rất nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại. Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002, được công nhận PGS năm 2007, Nhà giáo Nhân dân năm 2014 và GS năm 2015.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng tặng hoa  chúc mừng Thiếu tướng, GS Trịnh Văn Thanh trong lễ vinh danh ngày 12/11.

Xác định rõ việc phấn đấu làm việc phải luôn gắn liền với quyền lợi và sự phát triển, đi lên của tập thể, trong từng giai đoạn phát triển của trường ĐH CSND, có thể nói, đều “in dấu” rất nhiều nỗ lực của riêng thầy Thanh và của cả tập thể nhà trường. Thầy cũng là người đã trực tiếp biên soạn giáo trình, giảng dạy và bồi dưỡng nhiều học viên trong trường ĐH CSND trở thành học viên giỏi. Đặc biệt, từ khi nhà trường được Bộ Công an giao nhiệm vụ đào tạo, triển khai và phát triển các đề án đào tạo thạc sĩ, đào tạo tiến sĩ, thầy Thanh trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ đào tạo sau ĐH, trực tiếp là Trưởng bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật, môn Luật Quốc tế và Khoa học lãnh đạo quản lý; tham gia hướng dẫn nhiều khóa luận tốt nghiệp, luận văn cao học, nghiên cứu sinh (NCS) cho sinh viên và học viên trong và ngoài trường. Hiện, thầy Thanh cũng đang hướng dẫn chính cho 8 NCS làm luận án tiến sĩ, tham gia nhiều hội đồng KHCN do Bộ Công an, Viện Chiến lược và Khoa học Công an các trường ĐH tổ chức để xét chọn và nghiệm thu đề tài NCKH cấp bộ.

Đề cập về vị trí của người thầy CAND nhất là trong tình hình mới, thầy Thanh nói: “Làm thầy, đi dạy người khác thì phải có trí tuệ, có tài năng, trong đó lấy sự mẫu mực làm trọng, tự mình soi xét hằng ngày để kịp thời chấn chỉnh, làm sao để hình ảnh người thầy trong mắt học sinh ngày càng hoàn thiện. Nhà giáo CAND lại càng cần những phẩm chất ấy. Làm nhà giáo, làm cán bộ nghiên cứu hay khi làm lãnh đạo thì với tôi, nhiệm vụ nào cũng quan trọng như nhau. Nhiệm vụ nào cũng không được xem nhẹ, mọi công tác đều phải quán xuyến, từ việc nhỏ nhất”. Theo đó, khi được giao nhiệm vụ làm hiệu trưởng một trường ĐH, để thực hiện đam mê cho riêng mình về học tập, nghiên cứu khoa học, thầy Thanh tâm sự, chuyện trắng đêm với công việc, hôm sau vẫn phải có mặt đúng giờ tại cơ quan là việc phải thực hiện. Mặt khác, chính vì không coi nhẹ bất cứ một việc gì nên mới chú tâm, dành được sự nỗ lực tốt nhất. Cũng theo thầy Thanh, khác với ngành, nghề khác, đào tạo trong ngành CAND là tạo ra những chiến sĩ Công an với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, và sự bình yên của người dân. Vì vậy người thầy CAND càng cần phải gương mẫu, từ những việc nhỏ nhất và trước hết là trong chuyên môn, mà mỗi người thầy CAND hãy là một chuyên gia. Nếu là giáo viên pháp luật hãy là một luật gia giỏi, giảng viên về môn điều tra, trinh sát... hãy là một điều tra viên giỏi, một trinh sát giỏi. Vừa phải thường xuyên cập nhật thực tiễn, trong từng giai đoạn để có bài giảng tốt nhất cho những chiến sĩ Công an tương lai, đáp ứng được nhiệm vụ đó là đào tạo ra những người chiến sĩ Công an vừa hồng, vừa chuyên.

GS Trịnh Văn Thanh đề cập tới 3 yếu tố đặt ra trong nhiệm vụ đào tạo trong CAND nói chung. Đó là dù là tội phạm ANQG hay tội phạm ANTT, thì nội dung đào tạo cần phải đạt yêu cầu, người học phải biết vận dụng pháp luật trong đấu tranh chống tội phạm và trong việc tự bảo vệ được mình. Vận dụng sai sẽ dẫn tới nhiều hậu quả, có khi ảnh hưởng của cả tập thể, thậm chí làm mất niềm tin trong nhân dân là rất nguy hiểm.

Trong xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển hội nhập quốc tế, công tác đào tạo phải bổ sung để học viên nắm vững được khoa học, nhất là công nghệ thông tin, ngoại ngữ, để sử dụng, cập nhật tình hình cũng như nắm được phương pháp hoạt động của tội phạm để có được điều chỉnh trong biện pháp phòng ngừa, đấu tranh; đồng thời tăng cường các kỹ năng nghề nghiệp cho người chiến sĩ CAND, như về khả năng giao tiếp, thuyết trình, khả năng sử dụng các phương tiện thiết bị như ca nô, mô tô, lái tàu... Ngoài ra, cần nâng cao sức mạnh chiến đấu của CBCS - CAND. Rèn luyện thể lực, sự bền bỉ, sự khôn khéo và khả năng tác chiến. Rất nhiều những vấn đề đào tạo của ngành CAND phải tính toán đến trong tình hình mới...

Huyền Nga
.
.