Những hy sinh thầm lặng vì bình yên cuộc sống

Hy sinh thầm lặng giữa thời bình (kỳ 1)

Chủ Nhật, 16/07/2023, 05:03

Giữa thời bình, mọi người đang hưởng cuộc sống hạnh phúc, nhà nhà ấm êm, người người hạnh phúc. Nhưng để có được cuộc sống yên bình và hạnh phúc ấy, ngày đêm trên những buôn làng, nẻo đường, góc phố… ở khắp mọi miền Tổ quốc luôn có sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an - những người đã và đang ngày đêm cống hiến thầm lặng, sẵn sàng hy sinh vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân…

Có những ca trực không lên lịch trước, những chuyến công tác không hẹn giờ, cứ nhận lệnh chỉ huy là gấp rút lên đường... Trong cuộc sống thường ngày giữa thời bình, những CBCS Công an phải biết hy sinh việc riêng, gác lại niềm vui, hạnh phúc gia đình, cá nhân để hoàn thành trọng trách được giao. Và không ai biết trước, phía sau những ca trực, chuyến công tác ấy có cả sự hy sinh, nỗi đau thương, mất mát lớn lao của những CBCS Công an.

Những ca trực không hẹn giờ…

Buổi sớm hôm ấy là ngày 21/4, đang bữa ăn sáng với gia đình bỗng điện thoại reo, Trung tá Nguyễn Xuân Hào, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện Đức Hòa (Long An) liền dặn vợ: "Anh đi làm, xong việc sẽ về với em!". Thế là anh Hào vội vã lên đường…

Nhớ về buổi tiễn chồng hôm ấy, nhìn ánh mắt chị Trần Thị Phương (SN 1988) vợ liệt sĩ Nguyễn Xuân Hào, hôm nay vẫn luôn ngấn lệ. Chị bảo: “Không ngờ đó là lần gặp nhau cuối cùng của vợ chồng em, anh Hào đã ra đi vĩnh viễn khi tham gia chuyên án truy bắt các đối tượng vận chuyển ma túy trên đường tỉnh 824, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vào chiều 21/4...”.

Đời làm vợ Công an không nhớ bao lần tiễn chồng đi làm nhiệm vụ nhưng với chị Phương hôm ấy lòng thấy có cảm giác hơi lo. “Khoảng đầu buổi chiều, ảnh lại gọi điện về dặn là đi công tác đột xuất, có gì sẽ chủ động gọi, em đừng gọi làm ảnh hưởng đến công việc. Không ngờ đây là lần cuối cùng em được nghe lời chồng căn dặn!” - chị Phương nhớ chồng, đau xót...

Chị Trần Thị Sen, vợ liệt sĩ Thiếu tá Hoàng Trung, cán bộ Công an xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, hy sinh khi làm nhiệm vụ hôm 11/6, chia sẻ: Cả tháng trời anh Trung cùng đồng đội tăng cường trực, truy bắt, xử lý nhóm trộm cắp. Xong việc các anh lại xuống làng vận động người dân làm căn cước công dân, cài đặt tài khoản định danh điện tử… Trước khi mất 2 hôm, tối thứ 6, anh Trung về nhà đột xuất tầm hơn 21h, hỏi thăm chuyện học hành của các con rồi dặn vợ cố gắng nghỉ ngơi cho bệnh tình bớt trở nặng. “Mỗi bữa thường hơn 23h anh Trung mới về thăm nhà, hỏi thăm sức khoẻ mẹ già và vợ, chuyện học hành các con... Không hiểu sao lần này mới 21h30, ảnh vội vã về lấy bộ đồ rồi đi ngay. Ảnh nói đợt này cơ quan có việc đột xuất nên trực liên tục không về! Và đó cũng là lần gặp nhau cuối cùng của anh Trung với vợ con…”, chị Sen nghẹn ngào.

Những ngày tháng 7, chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Hoàng Trung, nhìn cảnh vợ ốm, con thơ, người mẹ già tay chân run run, lụm khụm mà lòng không sao kiềm được nỗi niềm xúc động. Chị Sen nhớ thương chồng nước mắt cứ ứa nghẹn: “Em bị bệnh suy thận, dù đi trực hay công tác anh Trung cũng luôn gọi điện về động viên, lo từng bữa ăn và chưa bao giờ nặng lời với em. Giờ ảnh đi luôn mất rồi…!”.

Còn người mẹ liệt sĩ, Thiếu tá Trần Quốc Thắng (cán bộ Công an xã Ea Tiêu), kể về cuộc chia tay cuối cùng của con trai mình giữa trưa thứ 6 mà lòng bà nghèn nghẹn. Bà Trần Thị Hoà cho biết, giữa trưa con trai cặm cụi về nhà lấy đồ rồi xin phép mẹ đi ngay đến cơ quan. “Con phải đi trực vì có lệnh đột xuất, hết tuần này con về giúp mẹ bao quả cây nhãn đang gần chín và đưa mẹ đi khám bệnh…”, mẹ Thiếu tá Trần Quốc Thắng nhớ lời con trai hứa.

Và những nỗi đau bất ngờ…

nhung hy sinh 2.jpg -0
Đại diện Báo CAND thăm hỏi, chia sẻ đau thương với gia đình Thiếu tá Trần Quốc Thắng hy sinh tại Đắk Lắk.

Bà Trần Thị Hoà (mẹ liệt sĩ Trần Quốc Thắng) tiễn con trai hôm đó rồi vẫn thầm nghĩ trong đầu, Chủ nhật này con sẽ về ăn cơm với mẹ, lo việc nhà cho mẹ nhưng không ngờ mới sáng sớm Chủ nhật lại nhận tin như sét đánh ngang tai: “Thiếu tá Trần Quốc Thắng đã hy sinh đêm qua khi trực làm nhiệm vụ tại cơ quan”, tin đồng đội báo về với mẹ. Lúc này, mẹ Trần Thị Hoà ngất lịm cho đến khi tỉnh dậy thấy xác con mình được đồng đội đưa về… 

Còn chị Trần Thị Phương, vợ liệt sĩ Nguyễn Xuân Hào, nhắc lại nỗi đau mất chồng, chị vội gạt dòng nước mắt, nhớ về việc chuẩn bị bữa cơm chiều đợi chồng hôm 21/4. Chị bảo: “Thường sau ca trực anh Hào về nhà ăn cơm cùng vợ”. Như thường lệ, buổi chiều hôm ấy, tuy cảm giác hơi nóng ruột nhưng đi dạy học về, chị vẫn tất bật vào chợ mua đồ ăn, nấu cơm chiều đợi chồng. Bữa cơm đang nấu dở dang thì chuông điện thoại réo lên như có chuyện chẳng lành. “Alo! Alo…!”, giọng của đồng đội báo tin về đồng chí Nguyễn Xuân Hào: “Chị thu xếp lên bệnh viện gấp, anh Hào bị thương nặng!”.

Linh cảm có chuyện chẳng lành, chị Phương buông đũa ở bếp, ngất xỉu tại chỗ. Sau một chút choáng váng, chị cố gượng lại lấy bình tĩnh rồi phải nhờ người thân chở đi. Đến nơi, được nhìn chồng lần cuối mà chị gục ngã, đớn đau không thể hình dung ra được sự thật. “Cưới nhau 10 năm nay, mong mỏi lớn nhất của anh Hào là vợ chồng sinh một đứa con để vui cửa, vui nhà, cho ông bà lớn tuổi được an lòng. Nhưng ước mơ ấy của 2 vợ chồng chưa thực hiện được giờ đã phải chia lìa…” - chị Phương ngậm ngùi.

Còn chị Trần Thị Sen, vợ Liệt sĩ Hoàng Trung kể về hôm ấy: “Sau khi chồng đi trực, em ở nhà không yên chút nào. Đêm thứ 7, ngày 10/6 lòng dạ em cồn cào không ngủ được như có linh cảm bất an. Em qua phòng nhìn các con, mẹ chồng rồi lặng lẽ nằm trằn trọc. Đến chừng 3h sáng 11/6, có tin người chị cơ quan gọi hỏi thăm về việc anh Trung đêm qua có trực ở cơ quan không, càng khiến lòng lo lắng. Khi hỏi lại người thân cùng cơ quan thì không được trả lời cụ thể, gọi điện cho chồng không nghe máy nên càng lo hơn. Và nỗi lo ấy đã trở thành sự thật quá bất ngờ khi hay tin chồng đã hy sinh”.

Và đến hôm nay, chị Sen vẫn không nghĩ chồng mình đã mất! Bữa cơm tối, chị vẫn nghĩ có chồng bên cạnh như lúc còn sống, dù trước đây mỗi tuần chỉ được một vài lần ăn chung khi anh Trung lo xong công việc cơ quan và sắp xếp lịch công tác tạm ổn. Nghĩ đến đây, chị Sen lại ứa nước mắt và nhắc đến câu nói của chồng còn in trong tim chị: “Đời anh còn nghèo nên chưa lo được cho em và các con sướng được bữa nào, em cố gắng giữ gìn sức khoẻ cho các con yên tâm ăn học”.

Ngồi bên bàn thờ di ảnh con trai, cụ bà Hoàng Thị Hồng, mẹ của liệt sĩ Hoàng Trung năm nay đã ngoài tuổi 70, không kiềm được nước mắt khi kể về người con trai yêu quý của mẹ. Quê tận Nghệ An vào Tây Nguyên lập nghiệp, dù nghèo khó nhưng vợ chồng con vẫn hết lòng chăm lo, hiếu thảo với cha mẹ. Cách đây ít năm, cha mất vì bệnh ung thư, vợ chồng Trung an ủi động viên mẹ giữ gìn sức khoẻ, để động viên con cháu an tâm học hành. “Nhưng bây giờ thì quá bất ngờ, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, con đã ra đi vĩnh biệt cuộc đời, bỏ mẹ lại đây…”, mẹ Hoàng Thị Hồng thương nhớ con trai.

Gặp lại vợ con, người thân các liệt sĩ vào những ngày cuối tháng 7, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, được thắp nén hương thơm lên bàn thờ di ảnh các anh mà lòng chúng tôi không khỏi nghẹn ngào khi được nghe kể về những ký ức yêu thương. Trong mùi hương trầm xen lẫn nước mắt, ngồn ngộn cảm xúc bao kỷ niệm tiễn chồng, con của những người vợ, người mẹ liệt sĩ CAND đang sống giữa thời bình...

(Còn tiếp)

Ngọc Như - Văn Thành
.
.