2019: Năm của “ngoại giao Twitter”

Thứ Năm, 09/01/2020, 08:11
“Ngoại giao Twitter” không còn là một khái niệm xa lạ. Dùng Twitter để truyền đi thông điệp đối ngoại đang trở thành xu hướng của nhiều nhà đối ngoại.

“Sự mới mẻ” của Trung Quốc

Năm 2019 chứng kiến một hiện tượng mới mẻ trong hoạt động ngoại giao của Trung Quốc khi các Bộ và các nhà ngoại giao cấp cao của nước này bắt đầu tham gia mạng xã hội Twitter với các tài khoản chính thức để truyền bá những thông điệp ngoại giao của Trung Quốc đến cộng đồng quốc tế.

Trước đây, giới quan sát cho rằng ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc không có tính tự phát và Twitter bị cấm ở Trung Quốc và hầu hết mọi người không có quyền truy cập vào trang này. Tuy nhiên, cán bộ Trung Quốc ở nước ngoài đang được khuyến khích sử dụng Twitter theo một cách hoàn toàn mới. Đã có khoảng 55 tài khoản Twitter được cho là của các nhà ngoại giao, đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc, 32 trong số đó được tạo vào năm 2019.

Trong năm qua, họ viết nhiều dòng tweet có ngôn từ mạnh mẽ, thậm chí đôi khi gồm cả biểu tượng cảm xúc và những từ viết tắt phổ biến trên internet như "LOL" (Laughing out loud - dùng để biểu hiện cảm xúc vui vẻ trên mạng xã hội), kết hợp với hình ảnh hoặc các video clip ngắn.

Bà Rose Luwei Luqiu, nhà báo kỳ cựu và là trợ lý giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Baptist Hong Kong, cho biết “Twiplomacy” (kết hợp giữa từ Twitter và diplomacy - ngoại giao) cho thấy chiến lược ngoại giao của Trung Quốc đang trở nên “chủ động hơn”. Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận cộng đồng trên toàn thế giới và truyền bá thông điệp qua mạng xã hội.

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc Triệu Lập Kiên nổi tiếng là người thẳng thắn bày tỏ quan điểm mạnh mẽ. Từng là nhà ngoại giao cấp cao thứ hai của Trung Quốc ở Pakistan, ông Triệu, hiện là Phó Tổng Giám đốc Bộ phận thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các phương pháp ngoại giao. Tweet bằng tiếng Anh hoàn hảo, ông Triệu thường chia sẻ những thông điệp về Trung Quốc. Ông cũng không ngại phản bác những điều ông cho là “tin giả”.

Nhiều người trên Twitter coi các bài đăng của Triệu là thông điệp tuyên truyền. Ông Triệu đã có mặt trên Twitter từ năm 2010. Ông là một trong những đặc phái viên Trung Quốc đầu tiên tham gia mạng xã hội này nhưng lượng người theo dõi ông chỉ tăng lên đáng kể từ tháng 7-2019, sau cuộc tranh cãi gay gắt giữa ông với bà Susan Rice, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ.

Ông Donald Trump được coi là Tổng thống Twitter.

Ông Triệu có hơn 223.000 người theo dõi trên Twitter. Trong một cuộc phỏng vấn với Công ty Tin tức và truyền thông trực tuyến của Mỹ BuzzFeed hồi đầu tháng 12, ông nói rằng đã đến lúc để thể hiện một “sự tự tin mới nhưng không hung hăng” của Trung Quốc.

Với lời mời “hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm về ngoại giao của Trung Quốc”, tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chủ yếu chia sẻ các video và tuyên bố được dịch sang tiếng Anh từ các cuộc họp báo. Sự gia tăng đột biến số tài khoản Twitter của giới ngoại giao Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang vật lộn với các áp lực quốc tế, trong đó có chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Một “diễn đàn” chủ chốt của ông Trump

Ông Donald Trump được gắn tên gọi “Tổng thống Twitter” đầu tiên trên thế giới vì trong năm đầu nhậm chức, ông đã chọn Twitter là mạng xã hội duy nhất để phát đi những thông điệp của mình. Nếu ông Trump chỉ nhận mình là fan hâm mộ số 2 của mạng xã hội Twitter thì có lẽ không ai dám nhận vị trí số 1.

Theo thống kê từ New York Post, năm 2019 vừa qua, ông Trump đã đăng tổng cộng 7.700 lần tweet trên mạng xã hội Twitter. Con số này tăng hơn gấp đôi so với 3.600 tweet vào năm 2018.

Thế giới giờ đã quen với việc hằng ngày, vào bất cứ lúc nào, ông chủ Nhà Trắng cũng có thể tung ra những tuyên bố dài khoảng 140 ký tự, từ chính sách quan trọng đến chuyện “tào lao”. Ông tweet chăm đến nỗi nhiều người còn đùa đây là thời kỳ nước Mỹ được điều hành bằng Twitter.

Trong khi vai trò của người phát ngôn hay thành viên nội các là truyền đạt khéo léo các thông điệp của người đứng đầu nhà nước thì ông Trump lại chọn Twitter để tuyên bố những quyết định quan trọng của mình như chính sách của Mỹ với Trung Quốc, việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay quan điểm trong quan hệ với nhiều đồng minh khác. Chắc chắn hiện tại cũng có rất nhiều nhà ngoại giao hay các nhà hoạch định chính sách đang “canh” Twitter của ông Trump mỗi ngày để chờ đón thông điệp tiếp theo từ ông chủ Nhà Trắng.

Rõ ràng, mỗi dòng Twitter của ông Trump bên cạnh việc truyền đi thông điệp về chính sách còn mang đến cho công chúng những cảm xúc nhất định, chính vì vậy nó có sức lan tỏa rất lớn. Những ngày qua, ông Trump cũng đã dùng chính Twitter để “đấu” với quá trình luận tội ông. Vừa qua, một đoạn tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu tên nhà phân tích tình báo bị cho là người tố cáo mở màn cho quá trình luận tội ông.

Tuy nhiên, do lỗi kỹ thuật, nhiều người đã không thể tiếp cận được thông điệp của ông Trump. Đại diện Twitter cho biết việc ngừng hoạt động với một trong các hệ thống máy chủ của mạng xã hội này đã gây ra việc các tweet trên một số tài khoản, bao gồm cả ông Trump, có thể bị lỗi hiển thị với một số người, trong khi lại không xem được với những người khác.

Cũng chính tại Twitter, ông Trump chia sẻ quan điểm, chính sách cũng như lộ trình giải quyết nhiều vấn đề của nước Mỹ. "Đang ở rất gần một thỏa thuận lớn với Trung Quốc. Họ muốn có nó và chúng ta cũng vậy!", ông Trump đăng trên Twitter nói về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã tăng vọt sau dòng tweet của ông Trump, với chỉ số Dow Jones tăng 300 điểm. Điều đó cho thấy Twitter của ông Trump có tầm ảnh hưởng lớn như thế nào.

Các chuyên gia cho rằng, cảm xúc là chìa khóa để thông điệp chạm tới nhận thức của người khác thông qua truyền thông xã hội. Ngoại giao kỹ thuật số không thể thành công nếu thông điệp không tạo ra cảm xúc để nuôi dưỡng một bản sắc của cá nhân mỗi nhà ngoại giao.

Theo giáo sư Joseph Nye, Đại học Harvard, cảm xúc và tính thuyết phục được tạo ra của mỗi thông điệp trong nhà ngoại giao là những cấu thành quan trọng của quyền lực mềm, tác động mạnh mẽ tới nhận thức của công chúng đối với chương trình nghị sự hoặc chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.