Ai chào đón Musharraf?

Thứ Tư, 10/04/2013, 20:55

Chuyến trở về Pakistan hôm Chủ nhật 24/3 của cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf được giới quan sát đánh giá là "dở" nhiều hơn "hay". Sau hơn 4 năm lưu vong, liệu ai sẽ chào đón Musharraf khi ông trở về Pakistan? Đó là chưa kể những lời dọa giết lẫn dọa bắt giam cựu Tổng thống để điều tra.

Phát biểu trước báo giới ngay khi đặt chân xuống sân bay Karachi, ông Musharraf khẳng định mục đích chuyến trở về của ông là để tranh cử Quốc hội vào ngày 11/5 tới. Ông khẳng định, chuyến trở về lần này của ông là để "cứu lấy đất nước Pakistan", là "vì người nghèo Pakistan". Không biết có ai tin lời ông nói hay không, nhưng chí ít với việc quy cố hương, coi như Musharraf đã thực hiện được lời hứa trở về nước mà ông đã nhiều lần tuyên bố nhưng không thực hiện được.

Theo giới phân tích, Musharraf thực sự đang muốn đánh bóng lại hình ảnh vốn đã trở nên mờ nhạt kể từ sau khi tự chọn cho mình cuộc sống lưu vong ở nước ngoài. Ông muốn nhân cuộc bầu cử sắp diễn ra để thực hiện chiến dịch quảng bá hình ảnh "một thời vang bóng" của mình cách đây trên dưới 10 năm. Nhưng chuyện đó sẽ không dễ dàng đối với Musharraf trong bối cảnh đất nước Pakistan hiện nay, cũng như hoàn cảnh cá nhân ông. Chắc chắn sẽ có nhiều thành phần khác nhau chào đón sự trở về của ông theo cách khác nhau.

Đối tượng "chào đón" ông Musharraf trước nhất không ai khác chính là tòa án, với ít nhất 3 cáo buộc đang chờ sẵn và lệnh bắt giữ đối với ông có thể được thực hiện ngay khi ông đặt chân xuống sân bay Karachi, trong đó có cáo buộc trách nhiệm liên đới của ông trong vụ ám sát bà Bhutto vào tháng 12/2007. Tuy nhiên, đối với một cựu lãnh đạo đất nước như Musharraf, tòa án cũng có sự "ưu tiên" bằng cách thông báo cho ông biết tình trạng pháp lý của ông và cho ông quyền được đóng tiền thế chân trước khi về nước để tránh bị bắt.

Tuy bác bỏ các cáo buộc, nhưng Musharraf vẫn buộc phải đóng tiền thế chân, và sau khi về nước ông phải đến tòa án trình diện nhưng vẫn được tự do theo đuổi các hoạt động chính trị của mình.

Ông Pervez Musharraf trong ngày trở về Pakistan qua cửa ngõ Karachi.

Kẻ thứ hai nhiệt tình "chào đón" ông cũng là kẻ thù luôn luôn muốn trừ khử ông vì những "tội" của ông từ 10 năm trước - Taliban Pakistan. Hôm 23/3, ngay cả trước khi Musharraf đặt chân về nước, thành phần Taliban ở Pakistan đã tung ra đoạn video với lời tuyên bố của Adnan Rashid, một cựu sĩ quan không quân có mâu thuẫn với ông Musharraf, phải ngồi tù vì tội tấn công ông và được Taliban cứu thoát vào năm 2012. Đoạn video quay hình ảnh Rashid cùng với khoảng 20 tay súng Taliban tự xưng là "biệt đội thần chết" sẵn sàng truy sát Musharraf ở mọi nơi trên đất nước Pakistan.

Musharraf lên nắm quyền Pakistan sau khi thực hiện cuộc đảo chính quân sự vào tháng 10/1999, lật đổ chính quyền của Thủ tướng Nawaz Sharif. Ông nắm quyền lãnh đạo đất nước Pakistan trong 9 năm nhưng chưa bao giờ được dân chúng Pakistan bầu lên.

Thời gian lãnh đạo đất nước của ông được đánh dấu nổi bật bởi sự kiện khủng bố 11/9/2001, Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, và Musharraf đã trở thành đồng minh của Mỹ, ủng hộ cuộc chiến Afghanistan, cắt quan hệ với Taliban. Đây chính là điều khiến Taliban và thành phần Hồi giáo cực đoan ở Pakistan "không thể tha thứ" cho Musharraf. Và cũng từ đó đã xảy ra nhiều vụ âm mưu ám sát ông do các tay súng phiến quân Taliban thực hiện nhưng bất thành.

Ngoài những vấn đề về pháp lý và mối đe dọa thường trực của Taliban, chuyến trở về của ông Musharraf không được mấy người quan tâm. Một số nhà phân tích cho rằng, ông sẽ chẳng còn tạo nên ảnh hưởng gì nhiều ở đất nước Pakistan hiện nay. Trong thời gian sống lưu vong, Musharraf vẫn nuôi hy vọng cho một ngày trở về để tiếp tục tham gia vào các hoạt động chính trị, trở lại nắm quyền hành như xưa. Vì thế, năm 2010, ông đã lập ra một đảng chính trị có tên gọi là Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan (APML).

Tuy nhiên, những hoạt động chính trị của Musharraf trong thời gian sống lưu vong xem ra không thành công, không tạo được mối liên kết nào với trong nước, và vì thế cũng chẳng còn nhiều người quan tâm đến ông, ngoại trừ cánh báo chí lâu lâu vẫn theo dõi đưa tin "nhắc chừng".

Giới phân tích cho rằng sau thời gian ông Musharraf lưu vong, đất nước Pakistan ngày nay đã có nhiều thay đổi so với thời ông cầm quyền, và những người trước đây ủng hộ ông đã dần dần chuyển sang ủng hộ những hình tượng chính trị mới, đặc biệt nổi bật trong thời gian gần đây là cựu vận động viên bóng chày Imran Khan.

Ở Pakistan hiện tại, đặc biệt là trong cuộc tranh cử Quốc hội sắp tới, nhân vật khiến 2 đảng phái chính của Pakistan là đảng Nhân dân Pakistan (PPP) và đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan Nawaz (PML-N) lo ngại nhất chính là Imran Khan. Ông này đang có sức hút rất mạnh mẽ trong một bộ phận cử tri, đặc biệt là dân nghèo, thành phần lao động, kể cả những người trước  đây từng ủng hộ Musharraf. Vì vậy mà giới quan sát chính trị Pakistan khẳng định rằng, Musharraf chẳng gây được ảnh hưởng gì ngoại trừ việc tạo nên... một số vấn đề tranh cãi.

Nói vậy không có nghĩa là Musharraf hoàn toàn không còn ai ủng hộ ở Pakistan. Thực tế vẫn còn một bộ phận người ủng hộ ông, nhất là thành phần kinh doanh, chủ yếu ở thành phố cảng Karachi - đầu mối kinh tế của Pakistan. Giới làm ăn kinh tế ưa chuộng Musharraf là bởi họ sống được, họ làm giàu lên nhờ sự lãnh đạo của ông. Sau sự kiện 11-9, Musharraf theo Mỹ và nhờ đó hoạt động kinh tế của đất nước sôi động hẳn lên, đưa kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh.

Ở Karachi, Musharraf còn có hẳn một đảng chính trị ủng hộ mình, đó là đảng Phong trào Muttahida Qaumi (MQM) - đảng đã hồi sinh dưới thời Musharraf lãnh đạo. Tuy nhiên, thời thế thay đổi khiến những toan tính chính trị cũng thay đổi, và cái thế hiện nay của Musharraf cho thấy rằng ông khó lòng lấy lại những gì từng một thời thuộc về ông

An Châu (tổng hợp)
.
.