Ai sáng giá cho chức Giám đốc FBI?

Thứ Tư, 17/05/2017, 14:55
Hôm 14-5, 4 ứng viên đầu tiên trong danh sách 12 người được đề cử vào vị trí Gám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã có cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ. Sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ sa thải Giám đốc FBI James Comey, cuộc đua vào vị trí này đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài nước Mỹ.

Quyền lợi và nghĩa vụ

Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, Giám đốc FBI là người đứng đầu cơ quan có 56 văn phòng tại Mỹ và hơn 30.000 nhân viên, được bổ nhiệm trong một nhiệm kỳ duy nhất 10 năm. Ông James Comey (người vừa bị Tổng thống Donald Trump sa thải) được bổ nhiệm cách đây 4 năm và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 9 năm 2023.

Việc sa thải ông James Comey là sự kiện chưa từng có trong tiền lệ và điều bất ngờ hơn cả là ông này chỉ được biết tin mình sa thải qua tivi khi đang chỉ đạo một cuộc họp của FBI được tổ chức thường lệ vào đầu tuần làm việc. Trong cuộc họp báo tổ chức tại Nhà Trắng ngày 10-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết lý do ông sa thải Giám đốc FBI đơn giản chỉ là do ông James Comey đã không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên cương vị người đứng đầu FBI.

Hãng VOA cho biết, trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây, phần đông người Mỹ đều phản đối việc làm này của ông Donald Trump. Khảo sát do 2 tờ báo lớn là New York Times và Wall Street Journal thực hiện cho thấy chỉ có 29% người được hỏi ủng hộ động thái này của ông Donald Trump trong khi số người phản đối là 53%.

Đáng chú ý là sự kiện sa thải Giám đốc FBI James Comey bằng một văn bản mang tính chất thông báo được gửi hỏa tốc tới Văn phòng FBI còn khiến uy tín của chính quyền Tổng thống Donald Trump giảm mạnh và tạo nên một cuộc đối đầu mới giữa Nhà Trắng và Quốc hội.

Alice Fisher, cựu trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Ảnh: Getty.

Quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe. Ảnh: World Tribute.

Đến nay, chỉ có các nghị sĩ đảng Cộng hòa ra sức bảo vệ quyết định của ông Donald Trump trong khi các nghị sĩ đảng Dân chủ lại tranh luận về các tiêu chuẩn và sự lựa chọn cho người sẽ thay thế vị trí đang trống của ông James Comey tại FBI. Vì thế, để khôi phục lòng tin đang xói mòn đối với chính quyền của mình, Tổng thống Donald Trump cần phải tìm một ứng viên thực sự xuất sắc để kế nhiệm ông James Comey.

Các nhà phân tích nhận định, ứng viên này phải là người có tư cách đạo đức cao nhất và có uy tín pháp lý hoàn hảo, có kinh nghiệm ứng phó với chính quyền và không có mối liên hệ cá nhân hay kinh doanh với Tổng thống Donald Trump trước và sau chiến dịch tranh cử.

Đặc biệt, ứng viên này phải nhận được sự tôn trọng của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ bởi lẽ người này sẽ phải vượt qua các vòng bỏ phiếu tại Thượng viện trước khi trở thành tân Giám đốc FBI.

Thượng nghị sĩ bang Texas John Cornyn. Ảnh: Wikipedia.

Thẩm phán tòa án ở New York Michael J.Garcia. Ảnh: AP.

Cuộc đua chỉ mới bắt đầu

Từ những điều kiện này, 12 cái tên nổi bật nhất đã được lựa chọn làm ứng viên cho vị trí Giám đốc FBI. Những người này đều được cho là có tiềm năng để khôi phục tinh thần chán nản, thất vọng, nỗi bàng hoàng của các nhân viên FBI cũng như lòng tin của dân Mỹ đối với Nhà Trắng.

Đầu tiên phải kể đến luật sư Alice Fisher, cựu trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Năm nay 50 tuổi, bà Alice Fisher là ứng cử viên nữ duy nhất cho vị trí Giám đốc FBI. Trước khi làm luật sư cho hãng luật nổi tiếng Latham & Watkins LLP ở thủ đô Washington, bà từng là trợ lý Bộ trưởng Tư pháp, chuyên tranh đơn vị chống tội phạm trong Bộ Tư pháp từ năm 2001-2003.

Năm 2005, Alice Fisher từng được đề cử vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp Mỹ và sau đó bà đã có một cuộc điều trần trước Thượng viện. Năm 2010, bà Alice Fisher được bầu là một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất ở Washington (theo bình chọn của tờ Luật quốc gia - National Law Journal) và là một trong 45 luật sư nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ. Hôm 14-5 vừa qua, bà Alice Fisher cũng là ứng cử viên đầu tiên cho vị trí Giám đốc FBI được mời vào cuộc phỏng vấn do các quan chức Bộ Tư pháp thực hiện.

Nhân vật thứ 2 là quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe, người đã làm việc trong FBI được 21 năm và là Phó Giám đốc FBI thứ 2 được giữ chức quyền Giám đốc FBI. Ông Andrew McCabe là điều tra viên đặc biệt của FBI từ năm 1996 và là người chuyên làm về lĩnh vực chống khủng bố, an ninh quốc gia, thẩm vấn. Ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc FBI từ tháng 2-2016 và cũng tham gia điều hành cuộc điều tra của FBI về cáo buộc Nga có liên quan đến vụ tấn công hệ thống bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như cuộc điều tra về rò rỉ email của bà Hillary Clinton.

Paul Abbate, một quan chức cấp cao trong FBI. Ảnh: WTOP.

Cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers. Ảnh: Livingston post.

Theo nhận định của giới truyền thông Mỹ, ông Andrew McCabe là người được cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ nhưng hôm 11-5 vừa qua, ông đã làm mất đi lợi thế của mình khi thúc đẩy sự mẫu thuẫn giữa FBI và Nhà Trắng. Cụ thể, trong cuộc điều trần tại Thượng viện, ông Andrew McCabe đã khẳng định rằng FBI sẽ không báo cáo với Tổng thống Donald Trump và Nhà Trắng về tình hình điều tra vụ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, kể cả mối liên hệ giữa đội ngũ cố vấn của ông Donald Trump với Điện Kremlin. Mà điều này thì theo nhiều đồn đoán, chính là lý do khiến ông Donald Trump bất ngờ sa thải Giám đốc James Comey.

Tờ The New York Times dẫn lời 2 nhân vật thân cận của Giám đốc FBI bị sa thải loan tin, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu ông James Comey cam kết trung thành tại một bữa tối chỉ một tuần sau khi ông nhậm chức (hôm 20-1). Theo nguồn tin, ông James Comey đã từ chối nhưng nói “sẽ luôn trung thực” với Tổng thống.

Thượng nghị sĩ bang Texas John Cornyn, người từng giữ vị trí Thẩm phán bang Texas và hiện cũng là thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện thì được nhắc đến như một nhân vật thích hợp vì có rất nhiều kinh nghiệm trên chính trường Mỹ. Ông John Cornyn được bầu vào Thượng viện từ năm 2002 và là thành viên của đảng Cộng hòa, từng giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Thượng viện Cộng hòa quốc gia từ năm 2007-2011. Từ năm 1985-1991, ông là thẩm phán tòa án quận 37 bang Texas rồi sau đó được bầu làm thẩm phán Tòa án Tối cao bang Texas (1991-1997).

Điểm trừ duy nhất của ông John Cornyn đối với Tổng thống Donald Trump là ông là người có quan điểm chống Nga mạnh mẽ. Năm 2012, ông John Cornyn từng đòi hỏi Lầu Năm Góc giải trình trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đưa tin về con tàu ngầm hạt nhân của Nga bí mật dừng vài tuần ngoài khơi bờ biển Mỹ. Khi đó, ông đã viết hẳn một lá thư yêu cầu gửi tới Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert.

Cựu cảnh sát trưởng New York Ray Kelly. Ảnh: irishamerica.

Tổng cố vấn của hãng Boeing Michael Luttig. Ảnh: SCNow.

Trong khi đó, thẩm phán tòa án ở New York Michael J.Garcia lại là ứng viên gốc Latinh đầu tiên cho vị trí Giám đốc FBI. Ông từng là người đứng đầu đơn vị về hải quan và nhập cư ở Mỹ (2003-2005), quyền cao ủy Mỹ về nhập cư, đứng đầu cơ quan về xuất khẩu hàng hóa...

Nhân vật thứ 5 là người được các trang mạng xã hội Mỹ nhắc đến tên nhiều nhất - Trey Gowdy, cựu thẩm phán liên bang Mỹ ở bang South Carolina. Ông Trey Gowdy được đánh giá là một trong những chính trị gia nổi tiếng ở Mỹ và luôn giành được đa số phiếu trong các cuộc bầu chọn hoặc tranh cử vị trí nào đó ở bang South Carolina.

Năm 2015, ông Trey Gowdy từng tạo nên scandal khi đứng đầu cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ liên quan đến vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya. Đây cũng là một đòn đánh nhằm hạ thấp uy tín của bà Hillary Clinton trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Hãng CNN cho biết, ông Trey Gowdy được bầu vào Hạ viện Mỹ từ năm 2010 và đến nay ông vẫn là một trong số ít các nghị sĩ Mỹ ủng hộ tỷ phú Donald Trump ngay từ những ngày đầu ông tranh cử Tổng thống.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers cũng được coi là nhân vật tiềm năng cho chức vị Giám đốc FBI. Ông Mike Rogers là một nhân viên điều tra đặc biệt của FBI tại trụ sở ở Chicago từ những năm 1990 và từng có thời gian ngắn làm cố vấn về an ninh quốc gia trong đội chuyển giao quyền lực của Tổng thống Donald Trump.

Năm 2013, khi Mỹ tìm người thay thế cho Giám đốc FBI khi đó là Robert Mueller, Mike Rogers cũng là một trong những ứng viên sáng giá. Ông Mike Rogers có kinh nghiệm về chống tội phạm có tổ chức, tội phạm tham nhũng và tội phạm công nghệ cao, đồng thời là gương mặt quen thuộc với công chúng khi xuất hiện trong loạt phóng sự của kênh CNN năm ngoái có tiêu đề “Giải đáp bí mật: Những câu chuyện chưa kể của các điệp viên Mỹ” (Declassified: Untold Stories of American Spies).

Hãng AP thì cho rằng, vào thời điểm nhạy cảm hiện nay, có lẽ một người như cựu Cảnh sát trưởng New York Ray Kelly sẽ thích hợp hơn cả. 13 năm làm người đứng đầu lực lượng cảnh sát thành phố tài chính lớn nhất nước Mỹ, Ray Kelly được cho là có rất nhiều phương cách để đối phó với những vấn đề an ninh lớn của nước Mỹ.

Hơn thế nữa, ông từng làm việc qua nhiều đời tổng thống và vẫn được tín nhiệm. Đó là điều không phải ai cũng làm được. Năm 2001, sau vụ khủng bố kinh hoàng 11-9, ông chính là người thành lập cơ quan chống khủng bố đầu tiên tại các đơn vị cảnh sát các cấp ở Mỹ. Hiện ông là Phó Chủ tịch của Công ty bảo an K2 Intelligence có trụ sở tại New York.

Cựu Phó Giám đốc FBI, John Pistole. Ảnh: Heavy.
Cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani. Ảnh: The New Yorker.

Tổng cố vấn của Hãng Boeing Michael Luttig cũng được coi là một trong những ứng cử viên sáng giá. Ông này là luật sư và từng tốt nghiệp Đại học Washington, Đại học Virginia và Đại học Lee. Thời chính quyền Tổng thống Mỹ George W.Bush, ông cũng được đề cử làm thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ.

Cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani, người hiện đang là cố vấn an ninh thông tin trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng được đề cử trong danh sách các ứng viên. Về tư cách đạo đức, uy tín chính trị thì ông Rudy Giuliani là người có thừa. Ông cũng đang được nhiều người đồn đoán là ứng viên sáng giá nhất bởi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của ông Donald Trump. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm yếu của ông trong cuộc đua trở thành tân Giám đốc FBI.

“Cùng thuyền” đối với ông Rudy Giuliani còn có Thống đốc bang New Jersey Chris Christie. Sự trung thành của ông đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump là điều hiển nhiên và điều đó khiến các nghị sĩ đảng Dân chủ không hài lòng nhất là khi ông từng đối đầu với cựu Tổng thống Barack Obama trong quá trình chuyển giao quyền lực và là giám đốc nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Cựu Phó Giám đốc FBI, cựu Giám đốc Cơ quan an ninh vận tải Mỹ (TSA) John Pistole, người hiện đang là Chủ tịch Đại học Anderson ở bang Indiana là nhân vật thứ 10 trong danh sách. John Pistole gia nhập FBI từ năm 1983 và có 26 năm kinh nghiệm làm việc tại cơ quan này trước khi chuyển sang làm người đứng đầu TSA hồi tháng 7-2010.

Nghĩa là, ông John Pistole đã gắn bó với FBI trong suốt 2 đời Tổng thống Mỹ George W.Bush và Barack Obama. Nhưng ông lại là người không thích chính sách của Tổng thống Donald Trump và từng không ít lần công kích hoặc phản đối các chính sách mới của ông Trump.

Cuối cùng là Paul Abbate, một quan chức cấp cao trong FBI, hiện đang phụ trách văn phòng chống tội phạm và an ninh mạng. Trước đó, ông Paul Abbate từng đứng đầu chi nhánh FBI tại Washington và Detroit.

Hãng tin Fox News cho biết, cuộc phỏng vấn hôm 14-5 là “cửa ải” đầu tiên mà các ứng viên phải vượt qua trước khi được lựa chọn vào “danh sách thu gọn” hơn để điều trần trước Quốc hội.

4 ứng cử viên đầu tiên bước vào vòng thi này là cựu trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, người đang làm việc trong Cục Điều tra tội phạm của Bộ Tư pháp Alice Fisher; quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe - người gần đây vừa phải điều trần trước Quốc hội về cuộc điều tra xung quanh cáo buộc Nga can thiệp vào hệ thống bầu cử Mỹ; Thượng nghị sĩ bang Texas John Cornyn, người từng giữ vị trí Tổng chưởng lý bang Texas và hiện cũng là thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện; thẩm phán tòa án ở New York Michael J.Garcia, từng là trợ lý Tổng chưởng lý Mỹ ở quận Nam New York.

Theo thông tin mà hãng Fox News có được, 4 ứng viên này đã phải trả lời hàng loạt câu hỏi do Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions và Thứ trưởng Tư pháp Rob Rosenstein cùng 2 nhân viên cấp cao trong Bộ Tư pháp đưa ra.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.