Án tham nhũng đeo đuổi nhiều Tổng thống Brazil

Thứ Ba, 27/06/2017, 10:22
Theo trang mạng The Guardian, cảnh sát Brazil vừa cho biết đã tìm được chứng cứ cho thấy đương kim Tổng thống Michel Temer đã nhận tiền hối lộ từ công ty thịt hộp lớn nhất nước này, làm dấy lên nguy cơ nhà lãnh đạo này có thể bị đình chỉ chức vụ trước phiên tòa về tham nhũng.

“Ngập” trong tham nhũng

Ông Temer hiện đang bị điều tra về tham nhũng, cản trở việc thực thi công lý và có dấu hiệu thành lập băng đảng bất hợp pháp sau khi có lời khai của Joesley Batista - Chủ tịch công ty thịt hộp JBS, về việc Tổng thống đã nhận một khoản tiền để "bịt miệng" một nhân chứng.

Theo trang Brazzil.com, các điều tra viên đã đưa ra bằng chứng là một đoạn video cho thấy trợ lý của ông Temer, cựu nghị sĩ Rodrigo Rocha Loures, đang mang một cặp tài liệu chứa khoảng 150.000 USD được cho là của JBS gửi tới Tổng thống. Ban lãnh đạo JBS cho biết họ đã trả cho ông Temer ít nhất là 4,6 triệu USD tiền hối lộ từ năm 2010 để ông giúp họ giành được các hợp đồng béo bở từ chính phủ, giải quyết tranh cãi thuế má và nhận các khoản vay lãi suất thấp từ Ngân hàng Trung ương.

Họ cũng trả khoảng 154 triệu USD cho gần 1.900 chính trị gia khác trong thập kỷ qua, trong đó có một số là bộ trưởng và đồng hữu thân cận của ông Temer. Ông Temer đã kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc, kết tội ông Batista là bịa đặt và vu khống, và tuyên bố sẽ không từ chức.

Sau khi cảnh sát đưa ra chứng cứ điều tra, ông Temer sẽ bị khởi tố hình sự về tội “tham nhũng thụ động”- tội nhận hối lộ. Nếu được ủy viên công tố xác nhận, đa số 2/3 Quốc hội sẽ phải phê chuẩn để đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao quyết định liệu có nên tiến hành một vụ điều tra thực sự có thể dẫn tới việc luận tội ông Temer hay không.

Theo trang mạng Forbes, nếu bị luận tội, ông Temer sẽ là Tổng thống Brazil thứ hai bị luận tội trong vòng một năm, sau khi bà Dilma Rousseff, nữ tổng thống đầu tiên của Brazil và là tổng thống thứ hai bị buộc phải từ chức theo nguyên tắc dân chủ từ đầu những năm 1980.

Tổng thống Temer và cựu Chủ tịch tập đoàn JBS Joesley Batista.

Các chứng cứ “nhắm” vào ông Temer ngày càng dày thêm. Ngày 21/6, Tòa án Tối cao Brazil (STF) cho biết thủ quỹ của Đảng Phong trào dân chủ (PMDB) Lucio Bolonha Funaro đã khai báo việc Tổng thống Michel Temer tổ chức dùng 6 triệu USD tiền công quỹ cho chiến dịch tranh cử năm 2014.

Ông Funarro là một nhà môi giới chứng khoán được giới chính trị gia biết đến là người gây quỹ chủ chốt cho đảng PMDB của Tổng thống Temer. Ông này đã khai với STF rằng chiến dịch tái tranh cử chức Phó Tổng thống của ông Temer hồi năm 2014 nằm trong số các hoạt động nhận tiền từ Quỹ Kinh tế liên bang, thuộc sở hữu nhà nước.

 Cùng ngày, nhà chức trách bang Rio Grande de Norte cũng tố cáo các cựu Chủ tịch Hạ viện bị đình chức Eduardo Cunha và Henrique Alves, người của PMDB, tham nhũng và rửa tiền. Đây là những đồng minh thân cận của Tổng thống Temer và hiện đang bị bắt giữ vì những cáo buộc liên quan đến vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil (Petrobras).

Ông Alves đảm nhiệm chức Chủ tịch Hạ viện Brazil trong giai đoạn 2013-2015 và làm Bộ trưởng Du lịch vào năm 2016, đã bị bắt ngày 6-6 vừa qua để phục vụ điều tra. Trong khi đó, ông Cunha thụ án 15 năm tù vì tội nhận hối lộ.

Cáo trạng mới của các công tố viên liên bang cho rằng đã có một "tổ chức tội phạm" tồn tại trong các cựu nghị sĩ và nhóm này đã nhận ít nhất 4,7 triệu USD tiền hối lộ từ các công ty xây dựng trong giai đoạn 2012-2014 để đổi lấy việc ký kết các hợp đồng.

Ngoài hai cựu quan chức trên, các nhân vật khác gồm Chủ tịch Công ty xây dựng OAS Leo Pinheiro, Giám đốc điều hành Tập đoàn Odebrecht Luiz Fernando Ayres da Cunha và doanh nhân Arturo Silveira Dias de Arruda Camara bị tố cáo tham gia vào đường dây hối lộ và tham nhũng này, theo đó đã chuyển tiền cho các đơn vị trong nước và tại khu vực của PMDB, cũng như cho các doanh nghiệp để rửa tiền bất hợp pháp.

Không chỉ có đương kim Tổng thống Temer, chính trường Brazil đang rung chuyển khi cựu Chủ tịch tập đoàn JBS Joesley Batista khai thêm rằng đã hối lộ các cựu Tổng thống Lula da Siva và Dilma Rousseff cũng đã nhận khoản tiền hối lộ lên tới 150 triệu USD thông qua 2 tài khoản của một công ty ma tại Thụy Sĩ.

Đi tìm sự thật từ một lời khai

Cũng như gần 80 cựu quan chức tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht, ông Joesley Batista và em trai mình Wesley Batista cùng một số CEO của JBS đã thành khẩn khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra để giảm mức án trong vụ Petrobras.

JBS là tập đoàn sản xuất thịt số một của Brazil và là nhà xuất khẩu mặt hàng này trong top đầu thế giới. Trong số các bằng chứng chống lại ông Temer có đoạn băng ghi âm bí mật được cho là đã thực hiện ngay tại dinh thự của Tổng thống Temer ở Brasilia hôm 7-3 vừa qua. Trong đoạn băng, ông Temer đã ra lệnh cho một nghị sĩ đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMBD) cầm quyền, trả tiền cho cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, để ông này không khai báo các thông tin trong vụ Petrobras.

Ông Cunha, một trong những thành viên chủ chốt của PMDB, bị kết án hơn 15 năm tù giam hồi cuối tháng 3 vừa qua sau hơn 5 tháng bị bắt giam và là người khởi xướng tiến trình luận tội bà Rousseff, khiến nữ tổng thống đầu tiên của Brazil chính thức bị phế truất tháng 8 năm ngoái - kết thúc 13 năm cầm quyền của lực lượng cánh tả tại quốc gia Nam Mỹ này.

Trong một bài xã luận đăng trên tờ O Globo, tờ báo có số phát hành lớn ở Brazil và thông thường bảo vệ các chính phủ cánh hữu, đã hối thúc ông Temer từ chức và miêu tả cuộc gặp giữa ông Temer và ông Batista là hành vi mờ ám.

Theo O Globo, không có lý do gì để người đứng đầu nhà nước lại tiếp một doanh nhân trong top giàu có nhất đất nước đang bị liên đới tới 5 cáo buộc tham nhũng mà không có trong lịch làm việc trước và bản thân ông Batista khai cũng đã bị kiểm tra, rà soát an ninh trước cuộc gặp ông Temer.

Doanh nhân José Batista Sobrinho thành lập công ty gia đình mang tên “Casa de Carnes Mineira”, tại thành phố Anápolis, bang Goiás, năm 1953, kinh doanh mặt hàng thịt bò và sau đổi tên thành JBS. Ông Joesley Batista, người con thứ ba của Batista Sobrinho là “kiến trúc sư” của việc mở rộng hoạt động kinh doanh JBS trên thế giới trong 15 năm gần đây dưới thời ông Lula (2003-2010) và bà Rousseff (2011-2016) làm tổng thống, nhờ vào các khoản tín dụng ưu đãi vay được từ Ngân hàng Phát triển Kinh tế và Xã hội (BNDES), thuộc sở hữu nhà nước.

Công ty này đã trở thành nhà sản xuất thịt hàng đầu thế giới, dưới mô hình tập đoàn đa quốc gia. JBS là nhà tài trợ lớn nhất trong chiến dịch bầu cử năm 2014 với mức tài trợ lên tới hơn 120 triệu USD. Bà Rousseff đã tái cử trong chiến dịch này, cùng với ông Temer là Phó Tổng thống.

Trả lời hãng tin BBC tháng 7-2015, ông Joesley Batista cho biết đã tài trợ chiến dịch tranh cử bởi muốn giúp đỡ các chính đảng và các ứng cử viên giành thắng lợi, góp phần xây dựng đất nước. Năm 2014, doanh thu của JBS lên tới 36 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 1,08 tỷ của năm 2003 và là mức cao nhất trong số các công ty tư nhân của Brazil. JBS có nhà máy tại 24 quốc gia và sản phẩm được bán tại 150 nước trên thế giới, đặc biệt rất có tiếng tại Mỹ, Ireland, Australia và New Zealand.

Năm 2016, Joesley Batista và em trai có trong danh sách 70 người giàu nhất Brazil do tạp chí Forbes bình chọn, với tài sản lên tới gần 1 tỷ USD mỗi người. JBS, hiện do Wesley Batista điều hành, là một trong 2 tập đoàn bị dính líu tới vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil hồi tháng 3 vừa qua.

Nguy cơ đang chờ đương kim Tổng thống Brazil

Không chỉ có vụ việc trên, trước đó, ngày 18-5, Tòa án Tối cao Brazil đã ra quyết định điều tra Tổng thống Michel Temer vì những cáo buộc có liên quan tới vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Quyết định này đe dọa đến sự nghiệp chính trị của ông Temer và có thể khiến ông bị mất chức.

Tháng 8 năm ngoái, ông  Temer khi đó là Phó Tổng thống đã thay bà Rousseff điều hành đất nước theo quy định của Hiến pháp.

Chỉ chưa đầy một năm, vị tổng thống 76 tuổi này hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội giống như những gì đã xảy ra với bà Rousseff.

Giờ đây, "trái bóng định mệnh" của ông Temer nằm trên sân của lưỡng viện Quốc hội bởi Tòa án Tối cao Brazil thông thường rất chậm chễ trong việc đưa ra quyết định liên quan tới điều tra các chính trị gia đương nhiệm và trong một vài trường hợp, người ta nghi ngờ cơ quan này cố tình làm chậm lại quá trình này. Khả năng ông Temer bị phế truất phụ thuộc hoàn toàn vào các nghị sĩ trong liên minh cầm quyền.

Người dân Brazil biểu tình chống tham nhũng.

Các chuyên gia nhận định rằng, khả năng sẽ có nhiều bộ trưởng quyết định rời bỏ nội các. Ông Temer sẽ phải nỗ lực để điều này không xảy ra, đặc biệt là với các thành viên của các đảng đang lãnh đạo.

Việc hối lộ các chính trị gia hay quan chức ở Brazil không chỉ dừng lại ở từng phi vụ làm ăn cụ thể mà còn ở việc các doanh nghiệp sẵn sàng trả lương tháng để giành ảnh hưởng hay tạo thuận lợi trong làm ăn ở cả thời điểm hiện tại và tương lai. Là nhà tài trợ lớn nhất trong chiến dịch bầu cử năm 2014 với số tiền lên tới hơn 120 triệu USD, ông Batista đã thừa nhận tại cơ quan điều tra rằng tập đoàn của ông sẵn sàng “đầu tư” cho các chính trị gia có tầm ảnh hưởng và triển vọng thăng tiến.

Thậm chí ông này khai rằng đã tài trợ theo yêu cầu của nghị sĩ João Bacelar, thuộc liên minh cầm quyền, để mua chuộc một nhóm nghị sĩ bỏ phiếu bãi nhiệm bà Rousseff hồi tháng 8 năm ngoái. Tập đoàn JBS, hiện do em trai ông Batista nắm quyền điều hành, không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để thu lợi nhuận từ hệ thống chính trị.

Một ngày trước khi báo chí Brazil đưa tin về ông Temer, JBS đã bỏ ra một số lượng tiền rất lớn mua USD, bởi họ biết rằng đồng real nội tệ sẽ mất giá đáng kể với bằng chứng mà ông Batista nộp cho cơ quan điều tra. Ông này nói khi ra tự thú rằng: “Đây là thực trạng Brazil”.

Liên quan tới tập đoàn chế biến thực phẩm lớn nhất thế giới JBS SA, Thẩm phán liên bang Brazil Ricardo Leite vừa ra lệnh đình chỉ việc bán các nhà máy chế biến thịt trị giá 300 triệu USD của doanh nghiệp này cho Tập đoàn Minerva SA. Theo ông Leite, thỏa thuận bán các cơ sở của JBS tại Argentina, Paraguay và Uruguay cho phía đối thủ có khả năng cản trở việc điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến công ty này.

Hậu quả nào nếu Tổng thống Temer ra đi?

Tương lai chính trị của ông Temer hiện “ngàn cân treo sợi tóc” cũng như rất nhiều chính trị gia khác mà theo các tài liệu JBS giao nộp số người nhận hối lộ lên tới hơn 1.800 người thuộc 28 chính đảng khác nhau trong các chiến dịch tranh cử trên toàn quốc với tổng số tiền lên đến gần 154 triệu USD.

Trong danh sách này ngoài ông Temer, ông Lula và bà Rousseff còn có 16 thống đốc bang và 28 nghị sĩ hoặc ứng cử viên nghị sĩ. Ông Bastista thừa nhận với cơ quan điều tra từng hối lộ các quan chức và chính trị gia trong suốt 15 năm.

Theo Hiến pháp Brazil, nếu phó tổng thống bị phế truất (bản thân ông Temer từng là phó tổng thống đảm nhiệm cương vị tổng thống thay bà Rousseff bị phế truất), thì người thay thế sẽ là Chủ tịch Hạ viện, tiếp đó lần lượt theo thứ tự ưu tiên là Chủ tịch Thượng viện và cuối cùng là Chánh án Tòa án Tối cao (STF).

Tuy nhiên, vấn đề là Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm Rodrigo Maia cũng đang bị điều tra trong vụ bê bối tham nhũng Lava Jato đang "đánh đắm" cả chính giới Brazil. Người tiền nhiệm của ông Maia là Eduardo Cunha đã bị bắt giữ và tước bỏ tư cách nghị sĩ vì nguyên nhân tương tự. Do vậy, nếu ông Temer sụp đổ, nhiều khả năng Chánh án STF Cármen Lúcia sẽ đảm nhận tạm thời cương vị điều hành đất nước và kêu gọi tổ chức bầu cử gián tiếp trong thời hạn 30 ngày.

Nói cách khác, Quốc hội sẽ đảm nhận nhiệm vụ lựa chọn người kế nhiệm, theo như quy định trong Điều 81 của hiến pháp cho trường hợp tổng thống và/hoặc phó tổng thống từ bỏ nhiệm sở sau 2 năm đầu của nhiệm kỳ.

Huyền Hoa
.
.