Anh: Cuộc cải tổ khó khăn của nữ Thủ tướng

Thứ Ba, 16/01/2018, 09:41
Rốt cuộc, Thủ tướng Anh Theresa May cũng thực hiện được một vài điều bà mong muốn trong cuộc cải tổ nội các và nội bộ đảng Bảo thủ diễn ra hôm 8-1 vừa qua. Điều làm được rõ nhất của bà là chọn ra chủ tịch mới của đảng Bảo thủ. Nhưng bà đã không đạt được mục đích khi thay đổi vị trí một số bộ trưởng nội các, làm cho cuộc cải tổ nội các không trọn vẹn.

Bà Theresa May cuối cùng cũng đã tìm được người thay thế ông Patrick McLoughlin làm Chủ tịch đảng Bảo thủ. Brandon Lewis lên nắm chức Chủ tịch đảng với nhiệm vụ nặng nề là cải tổ cơ cấu tổ chức trong đảng nhằm vực dậy tinh thần làm đoàn kết, đồng lòng trong nội bộ đảng vốn đã chia rẽ sâu sắc sau cuộc ly khai ồn ào Brexit.

Phát biểu trước báo giới hôm 8-1, ông Lewis khẳng định cuộc cải tổ nội các của bà May cơ bản đã đạt mục tiêu theo kế hoạch và nhất là đã không rơi vào tình trạng “hỗn loạn” như nhận định của báo chí.

BBC News dẫn lời ông Lewis nói, một điều đáng khích lệ của cuộc cải tổ nội các là có nhiều gương mặt nữ hiện diện trong nội các hơn so với trước đây. Nhưng trên thực tế, BBC News đã kịp chỉ ra rằng cán cân giới tính trong nội các vẫn như cũ, và bà May chỉ gia tăng số lượng nữ giới tham dự các cuộc làm việc nội các nhưng địa vị thì không đầy đủ và lãnh đạo cấp bộ thì không có gì thay đổi.

Lewis cũng lên tiếng bảo vệ hình ảnh đảng Bảo thủ khi khẳng định với báo chí rằng đảng của ông sau hiện tại “không hẳn” trong tình trạng “rối loạn đội hình” như dư luận đồn đoán.

Tân Chủ tịch đảng Bảo thủ Brandon Lewis và Thủ tướng Theresa May.

Dư luận “đồn đoán” hoàn toàn có cơ sở. Mọi chuyện mở màn bởi sự cố trang Twitter chính thức của đảng Bảo thủ đăng lời chúc mừng nhầm người, chúc mừng Chris Grayling thay vì ông Lewis là chủ tịch mới của đảng. Thực tế ông Grayling vẫn yên vị ở vị trí Bộ trưởng Giao thông. Tình hình rối loạn gia tăng khi Jeremy Hunt từ chối rời chức vụ Bộ trưởng Y tế hiện tại để nhận nhiệm vụ mới là Bộ trưởng Kinh tế theo yêu cầu của Thủ tướng May.

Rốt cuộc bà May đành phải nhượng bộ, để Hunt yên vị chỗ cũ, đồng thời tăng thêm trách nhiệm quản lý xã hội. Từ đó kéo theo kế hoạch luân chuyển bổ nhiệm ông Greg Clark thay thế ông Hunt phải hủy, và ông Clark phải ở lại vị trí cũ là Thứ trưởng Kinh tế, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp.

Rắc rối xung quanh vị trí Bộ trưởng Giáo dục của bà Justine Greening được xem là nghiêm trọng nhất trong đợt cải tổ nội các của bà May. Sau hơn 2 tiếng thương thảo tại số 10 phố Downing, Greening đã từ chối việc thuyên chuyển bà từ vị trí Bộ trưởng Giáo dục sang vị trí Bộ trưởng phụ trách Việc làm và Hưu trí. Ngay sau đó, Greening nộp đơn xin nghỉ việc.

Sự cương quyết từ chối của bà Greening dường như đã được dự báo trước, sau nhiều ngày dư luận báo chí râm ran về những tranh cãi, bất đồng giữa bà với số 10 phố Downing và xuất hiện dư luận bà sẽ bị sa thải nếu tiếp tục đối đầu. Sự việc Greening xin nghỉ được đánh giá là một mất mát lớn cho nội các của bà May, bởi Greening là một thành viên thuộc nhóm canh tân của đảng Bảo thủ, được nhiều thành viên trong đảng đánh giá cao. Greening có đầy đủ những phẩm chất để mọi người nể phục, như có tinh thần cấp tiến, biết lắng nghe, biết thông cảm cho người khác,...

Ruth Davidson, lãnh đạo đảng Bảo thủ tại Scotland và nghị sĩ Heidi Allen, đều chung nhận xét rằng Greening là một thành viên sáng giá và “năng lực hơn người”, cần phải giữ lại trong nội các. Vì vậy việc để cho Greening rời khỏi chính phủ là “một sai lầm đáng sợ”. Chính bà Greening đã yêu cầu Thủ tướng May cho mình ở lại vị trí cũ để dồn tâm huyết vào thực hiện kế hoạch “tạo cơ hội công bằng” cho thanh thiếu niên Anh.

Greening viết trên Twitter rằng bà không muốn tiếp tục thêm một chức bộ trưởng thứ tư mà không để lại dấu ấn gì cho đất nước. Những người am hiểu hậu trường cho rằng Thủ tướng May không phải không biết trân trọng năng lực sáng giá của Greening nhưng vấn đề là bà nhìn thấy Greening tỏ ra quá gần gũi với các nghiệp đoàn giáo viên và có thiên hướng chống lại các chính sách giáo dục của đảng.

Một lý do nữa chính là vì Greening thường hay lên tiếng phản biện một cách gay gắt trong các cuộc họp nội các, từ đó khiến cho Thủ tướng May cảm thấy không hài lòng, không yên tâm với vị trí này, muốn thay đổi nó.

Bộ trưởng Justine Greening gây sóng gió khi rời nội các của bà May.

Chủ tịch đảng Lewis xuất hiện vừa đúng lúc để cứu bà May khỏi phải rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi tiến hành cuộc cải tổ nội các tưởng chừng dễ dàng nhưng hóa ra đầy rẫy khó khăn này. Ngay sau khi nhận trọng trách từ tay bà May, ông Lewis đã giúp bà May thực hiện thành công một số thay đổi vị trí trong nội các.

Cụ thể, ông đã luân chuyển bổ nhiệm ông Matt Hancock làm Bộ trưởng Văn hóa, Damian Hinds vào vị trí Bộ trưởng Giáo dục, Caroline Nokes làm Bộ trưởng Di dân và Claire Perry làm Bộ trưởng Kinh tế. Riêng vị trí Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí, Lewis đặt Esther McVey vào thay thế. Các vị trí Bộ trưởng Ngoại giao (Boris Johnson), Quốc phòng (Philip Hammond), Nội vụ (Amber Rudd), Tư pháp (David Gauke) được giữ nguyên, không thay đổi.

Phát biểu với BBC News, Lewis đánh giá việc để mất bà Greening là một chuyện không hay, nhưng Thủ tướng May đã thể hiện rõ ràng ý muốn của bà là tập trung vận động xã hội, muốn thay đổi mọi thứ xung quanh bà và đưa người mới vào nhằm tạo sinh khí mới cho nội các Chính phủ Anh.

Tuy nhiên, trên thực tế, mọi người đều hiểu rằng, việc cuộc cải tổ nội các lần này của bà May là một canh bạc nhằm xác định và áp đặt quyền lực lãnh đạo của bà đối với những thành viên nội các, trong đó có những người đã thể hiện bất đồng chính kiến với bà trong vấn đề Brexit và một số vấn đề khác về chính trị, kinh tế, xã hội. Mục tiêu của bà May là tạo sự ổn định, cân bằng trong chính phủ nhằm thực hiện thành công tiến trình đàm phán Brexit với EU.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.