Anh bầu cử trước thời hạn: Mừng hay lo?

Thứ Ba, 13/06/2017, 11:08
Kêu gọi bầu cử sớm từng được cho là bước đi chiến thuật của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm gia tăng quyền lực cho chính phủ Bảo thủ trước khi bước vào cuộc đàm phán đưa “xứ sở sương mù” ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, song những gì diễn ra đã không đúng như kịch bản tính toán.

Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May cuối cùng cũng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử trước thời hạn diễn ra trong ngày 8-6, song với việc chỉ giành được 314/650 ghế tại quốc hội, chính đảng này không đủ đa số để đứng ra thành lập chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc tiến trình Brexit có thể bị đảo lộn hoặc xuất hiện những yếu tố bất ngờ.

Theo kết quả thăm dò dư luận sau cuộc bầu cử Hạ viện Anh do hãng do Ipsos MORI/GfK tiến hành, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May đã giành được 314 ghế tại Hạ viện, thiếu 12 ghế để đạt đa số quá bán 326/650 ghế. Theo sau là Công đảng với 266 ghế, tăng 34 ghế so với khóa trước.

Tuy không quá bán, nhưng thắng lợi của đảng Bảo thủ phần nào trấn an và xoa dịu nỗi lo của bà May và những thành viên Bảo thủ trước dự báo có thể thua đối thủ Công đảng vào phút chót.

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân khiến cục diện cuộc bầu cử tại Anh thay đổi là do loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra liên tiếp trong vòng 3 tuần tại London khiến 39 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Từ mức chêch lệch cao kỷ lục 22-37% so với Công đảng tại thời điểm Thủ tướng Theresa May đề xuất tiến hành cuộc bầu cử gần 2 tháng trước, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 3-5%, thậm chí có thời điểm khoảng cách giữa Bảo thủ và Công đảng chỉ còn 1%.

Sự dao động của cử tri trong những ngày cuối cùng đã đẩy cuộc bầu cử vào tình thế khó đoán định khi vấn đề Brexit không còn là trọng tâm tranh cử, chủ đề chính trong cương lĩnh của cả đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập chính đã được  thay bằng chính sách an ninh và chống khủng bố.

Dù có quan điểm cứng rắn và quyết liệt trong xử lý vấn đề khủng bố, đặc biệt là chiến lược đối với Hồi giáo cực đoan, song bà Theresa May, người từng phụ trách vấn đề an ninh và giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trước khi trở thành Thủ tướng, lãnh đạo đảng Bảo thủ, đã bị chỉ trích vì không đưa ra được những biện pháp cụ thể để ngăn chặn các vụ tấn công vừa qua. Những cam kết vào “phút chót” đã không giành thêm được sự ủng hộ của cử tri vốn đã giảm sút từ 2 tuần trước khi diễn ra cuộc đua chính thức. 

Kết quả cuộc bầu cử sớm cũng là bằng chứng cho thấy cử tri Anh chưa tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của Thủ tướng May và đảng Bảo thủ trong việc duy trì an ninh khi mà nước Anh liên tục “báo động đỏ” về khủng bố. “Phép thử” nhằm củng cố quyền lực của đảng Bảo thủ trước khi bước vào cuộc đàm phán đưa nước Anh rời khỏi EU đã “phản tác dụng” khi đẩy bà May vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong các cuộc đàm phán chính thức về Brexit.

Bà Theresa May (đảng Bảo thủ) và ông Jeremy Corbyn (Công đảng).

Với kết quả như vậy, đảng Bảo thủ không thể tự đứng ra thành lập chính phủ, bà May sẽ phải đi tới một thỏa thuận với các đảng khác để tiếp tục lãnh đạo một chính phủ liên minh hoặc chính phủ thiểu số. Điều này sẽ gây hậu quả bất ổn đối với nền kinh tế Anh, cũng như các chính sách của chính phủ liên quan đến mọi vấn đề, từ chi tiêu của chính phủ, thuế công ty tới việc phát hành trái phiếu.

Trong bối cảnh nước Anh sẽ chính thức bước vào giai đoạn tiến hành đàm phán với EU để rút khỏi liên minh này, dự kiến là tháng 4/2019, Chính phủ mới sẽ chịu áp lực về thời gian nhằm công bố sớm nhất nội dung đàm phán, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất kể từ khi Anh chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon.

Giới phân tích cho rằng một chính phủ liên minh khó có thể đồng quan điểm ngay về nội dung này và chính những tranh cãi  mới có thể đẩy nước Anh bước vào thời kỳ bất ổn định khi mà các nhà đầu tư, giới chủ cũng như người lao động đều trong tình trạng lo lắng bất an. Điều này sẽ tác động không tốt đến nền kinh tế Anh cũng như vị thế của Anh tại châu Âu.

Với bà May, thách thức lớn hiện nay là làm thế nào để nước Anh tránh được những thua thiệt về kinh tế, chính trị khi rời khỏi “mái nhà chung” trong khi các đảng phái chính trị khác ở Anh, cũng như lãnh đạo EU đều đưa ra những điều kiện đòi London phải đảm bảo mọi quyền lợi họ đang có hiện nay khi Anh còn là thành viên EU: đó là tự do cư trú, tự do luân chuyển vốn, công nghệ, các dịch vụ tài chính và nguồn nhân lực giữa Anh và các nước trong EU.

Trong khi đó, vấn đề người nhập cư, đặc biệt từ Đông Âu, đang tạo ra sức ép lớn lên an sinh xã hội và kích động làn sóng bài nhập cư ở Anh, Chính phủ của bà May đã thể hiện quan điểm về quyền được kiểm soát và giảm số người nhập cư xuống còn con số 10.000, đặc biệt là những người ngoài EU, không muốn tiếp tục duy trì quy định tự do đi lại, làm việc của người dân các nước EU tới Anh.

Nhưng điều này lại được cho là điều kiện tiên quyết của EU: nếu Anh muốn đàm phán để có quy chế tham gia thị trường chung châu Âu thì phải chấp nhận quyền tự do đi lại của các công dân EU.

Dù được đánh giá là một nhà lãnh đạo thể hiện được sự mạnh mẽ trong thời điểm đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt lập trường và quan điểm khá nhất quán và rõ ràng kể từ khi nắm quyền, song thắng lợi của đảng Bảo thủ đã không đem lại sự hài lòng cho người chèo lái con thuyền. Bởi lẽ việc liên minh với bất kỳ đảng nào để thành lập chính phủ, cũng đồng nghĩa với việc mọi chính sách của bà May cũng như nội dung của tiến trình đàm phán Brexit sẽ phải được xác định lại từ đầu và chưa biết sẽ kéo theo bao nhiêu phức tạp.

Trong bối cảnh đó, mọi kịch bản Brexit mà Chính phủ theo đuổi trong 2 năm tới đều phải ưu tiên bảo vệ nước Anh trước “bóng ma” khủng bố vốn đang gieo rắc nỗi kinh hoàng trên toàn châu Âu. Cho tới nay, Thủ tướng May và đảng Bảo thủ vẫn giữ nguyên quan điểm cứng rắn với vấn đề đàm phán Brexit "thà không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận tồi".

Tuy nhiên, với kịch bản hiện nay, một số lại lo ngại thái độ cứng rắn quá của bà sẽ dẫn đến nước Anh bị thua thiệt trong đàm phán cũng như tương lai quan hệ thương mại của London với EU, đặc biệt là giới đầu tư, ngân hàng, tài chính tại khu tài chính London. Sau chiến thắng không biết “mừng hay lo”.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.