Argentina: Đệ nhất phu nhân ra tranh cử tổng thống

Thứ Hai, 16/07/2007, 14:53

Đệ nhất phu nhân Argentina, Thượng nghị sĩ Cristina Fernandez de Kirchner, sẽ trở thành ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống Argentina diễn ra vào ngày 28/10/2007.

Telam – cơ quan ngôn luận chính thức của Chính phủ Argentina – trích lời một phát ngôn viên chính phủ (giấu tên), cho biết, chính Tổng thống Nestor Kirchner đưa ra tuyên bố này sau khi quyết định không tiếp tục ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 nữa. Quyết định mới nhất khép lại những tranh cãi suốt nhiều tháng qua, khi dư luận cho rằng ông hoặc vợ ông sẽ ra tranh cử tổng thống vào tháng 10/2007.

Xuất thân là một luật sư khá bộc trực, nữ thượng nghị sĩ 54 tuổi này được cho là có nhiều cơ may trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Argentina. Tuy nhiên, bà Cristina không phải là người đầu tiên nắm quyền điều hành đất nước Argentina. Isabel Peron, vợ góa của Juan Domingo Peron, lên nắm quyền Tổng thống sau khi ông này mất vào năm 1974. Thế nhưng chỉ 2 năm sau đó, bà bị truất hết quyền bính trong một cuộc đảo chính bí mật do các tướng lĩnh quân đội tiến hành.

Vài cuộc điều tra dư luận gần đây cho thấy bất kỳ ai trong họ cũng có thể đắc cử rất dễ dàng. Nhật báo Clarin tại Argentina xác nhận nguồn tin này, và cho biết Cristina Fernandez de Kirchner là một trong những thượng nghị sĩ sáng giá của Nội các Argentina.

Hiện tại, bà Cristina làm việc cho cả Hạ viện lẫn Thượng viện, và là một trong những cố vấn hàng đầu của đấng lang quân tổng thống. Bà Cristina được nhiều người biết đến hơn khi ông Nestor Kirchner ra tranh cử tổng thống từ vị trí Thị trưởng Santa Cruz.

Chánh văn phòng Nội các Argentina, ông Alberto Fernandez nói với Telam rằng, bà Cristina Fernandez sẽ chính thức thông báo việc ra ứng cử vào cuối tháng này tại thành phố quê nhà La Plata (thủ phủ của Buenos Aires) của bà. La Plata là nơi chiếm đến 1/4 số cử tri của cả nước. Chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Cristina được phát động kể từ ngày 19/7 tới.

Một trong những viên chức thân cận với ông Kirchner cho biết, quyết định không tái tranh cử của tổng thống đánh dấu một nước cờ cao bất thường của một nguyên thủ rất được lòng dân qua tài kiến tạo sự hồi phục kinh tế Argentina thoát khỏi cơn khủng hoảng trầm kha vào năm 2001 và 2002.

Nhà lãnh đạo đất nước thuộc phe trung tả này tuy không công khai tuyên bố lý do ông muốn rời nhiệm sở – ít ra là tạm thời, nhưng các chuyên gia phân tích đưa ra một số nguyên nhân, trong đó có vấn đề sức khỏe khiến ông mệt mỏi, và ông có kế hoạch ra tranh cử lại vào năm 2011.

Động thái này có thể nhằm tái tạo sức mạnh cho chính phủ của ông, giúp bảo đảm cho việc ông luôn kiểm soát được đảng cầm quyền Peronist. Tổng thống Nestor Kirchner đảm nhận cương vị này từ tháng 5/2003. Luật pháp Argentina không cho phép mỗi vị tổng thống tại nhiệm quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, mỗi nhiệm kỳ 4 năm, nhưng họ có thể tiếp tục tranh cử nguyên thủ quốc gia sau 4 năm “nghỉ ngơi”.

Như vậy, nếu thành công, hai vợ chồng ông Kirchner có khả năng làm tổng thống 4 nhiệm kỳ liên tiếp trong cái gọi là luân phiên nắm quyền điều hành đất nước. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, cả ông lẫn bà Kirchner đều được xem là đối thủ nặng ký hơn so với các ứng viên đảng đối lập đang có sự chia rẽ nội bộ.

Được xem là một nguyên thủ rất được lòng dân, từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng năm 2002, ông Kirchner giúp khôi phục nền kinh tế ngày một ổn định, với mức tăng trưởng đạt hơn 8%/năm trong vòng 4 năm qua. Thế nhưng, sự ủng hộ và tín nhiệm của người dân vào Chính phủ Argentina đang giảm sút trong những tháng gần đây, tiếp sau cuộc khủng hoảng về năng lượng, lạm phát theo cấp số nhân và một vụ bê bối tham nhũng công trình công cộng mới được phát hiện.

Chính vì vậy, những ứng viên liên minh với Tổng thống Kirchner chịu nhiều thất bại thảm hại trong cuộc bầu thị trưởng Buenos Aires hồi tháng 6 vừa qua cũng như cuộc tranh chức tỉnh trưởng tỉnh Tierra del Fuego.

Vị trí ứng viên Cristina có thể giúp giải quyết tốt vấn đề rắc rối mà hầu hết các tổng thống nhiệm kỳ 2 đều phải đối mặt, cho phép ông Kirchner tự do xây dựng một nền tảng cánh tả vững chắc ngay bên trong đảng Peronist. 4 đối thủ khác cũng loan báo việc ra ứng cử của họ, nhưng cho đến nay tỉ lệ cử tri ủng hộ họ rất thấp, chỉ là con số lẻ so với tỉ lệ ủng hộ ông Kirchner. Trong 4 đối thủ đó có cựu Bộ trưởng Kinh tế trung lập Roberto Lavagna của ông Kirchner, và cựu Tổng thống Carlos Menem hết sức bảo thủ. Điều tra dư luận cho biết chỉ “vài người” ủng hộ ông Carlos Menem, vì đại đa số người dân Argentina đổ lỗi cho chính phủ của ông (1989-1999) gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng vào năm 2002.

Những người ủng hộ Đệ nhất phu nhân Cristina Fernandez de Kirchner cho rằng, bà sẽ là gương mặt mới và có nhiều ý tưởng mới giúp liên minh cầm quyền dễ dàng giành nhiều ghế trong Quốc hội. Ngược lại, một số người chỉ trích tỏ ý nghi ngờ sự non kém kinh nghiệm chính trường của bà, bất kể những đóng góp to lớn của bà vào việc Thượng viện và việc thực hiện nhiều chuyến công du ngoại giao cấp cao đến nhiều quốc gia khác trên thế giới như Pháp, Venezuela, Mexico đạt kết quả tốt...

Riordan Roett, Chủ nhiệm các công trình nghiên cứu châu Mỹ Latinh tại Trường đại học SAIS - Johns Hopkins ở Washington, nói: “Kinh nghiệm của bà Cristina trên cương vị Thượng nghị sĩ chưa chắc đã giúp ích gì cho bà khi là nguyên thủ quốc gia. Hiện tại người ta thấy bà làm đúng những gì có trong sách lược của chồng, vậy thôi”

Lê Minh (Tổng hợp)
.
.