Argentina: Khủng hoàng thể chế

Chủ Nhật, 17/01/2010, 16:15
Ngày 7/1 vừa qua, Tổng thống Cristina Kirchner đã ra sắc lệnh sa thải Thống đốc Ngân hàng Trung ương Argentina Martin Redrado. Một ngày sau đó, một thẩm phán liên bang ra phán quyết ngưng tạm thời việc thực thi sắc lệnh của tổng thống.Martin Redrado trở lại làm việc bình thường trong khi vấn đề này đang trở thành đề tài nóng bỏng nhất trong toàn bộ chính giới tại quốc gia Nam Mỹ này.

Sự bất đồng quan điểm giữa Phủ tổng thống Argentina và Ngân hàng trung ương liên quan tới việc thanh toán các khoản nợ công. Ngày 14/12/2009, Tổng thống Cristina Kirchner ra sắc lệnh thành lập một quỹ đặc biệt- Quỹ kỷ niệm 200 năm cách mạng Argentina tháng 5/1810. Theo sắc lệnh, quỹ này phải được cấp 6,5 tỉ USD.

Đây là số tiền mà Ngân hàng trung ương Argentina phải vét tất cả trong những khoản dự trữ ngoại tệ để có được. Số tiền này không phải dành tài trợ cho các hoạt động kỷ niệm 200 năm cuộc cách mạng Argentina như tên gọi của quỹ mà được dùng để chi trả một phần những khoản nợ nước ngoài đáo hạn vào năm 2010. Theo Phủ tổng thống Argentina, ngày 1/1/2010 là ngày nước này phải thanh toán 13 tỉ USD đáo hạn cho các nước và tổ chức tài chính quốc tế.

Tổng thống Kirchner (phải) và Thống đốc Ngân hàng trung ương Redrado.

Tuy nhiên, ông Redrado đã từ chối thực hiện việc chuyển tiền vào quỹ trên vì sợ rằng các chủ nợ tư nhân sẽ khiếu kiện. Được biết quyết định trả món nợ công trên của Chính phủ Argentina là nhằm củng cố niềm tin của các thị trường. Nên biết, nếu một quốc gia không giữ uy tín trong việc vay và trả nợ sẽ khiến các nhà đầu tư mất tin tưởng vào chính phủ đó và rút tiền đầu tư hàng loạt khiến các thị trường lập tức rơi tự do.

Còn nhớ cách đây không lâu, chỉ riêng tin đồn về việc Dubai khất nợ hay Hy Lạp không đủ khả năng thanh toán nợ công đáo hạn đã khiến không những thị trường chứng khoán của hai quốc gia này mà còn cả các thị trường khác trên thế giới cùng một màu đỏ.

Điều tồi tệ hơn cả là cuộc khủng hoảng giữa Ngân hàng trung ương và ngành hành pháp Argentina diễn ra đúng vào thời điểm chính phủ nước này đang chuẩn bị chi trả khoảng 20 tỉ USD cho các chủ nợ tư nhân để đổi lấy lòng tin của những người này, vốn đã từ chối cho chính phủ vay từ tháng 6/2005. "Mọi việc đáng lý đã diễn ra tốt đẹp nhưng nay lại đổ bể hết"- Aldo Abram, tư vấn tài chính của Chính phủ Argentina cho biết.

Từ chối thực hiện quyết định của Tổng thống, ông Redrado ngay lập tức bị cách chức vì tội "không hoàn thành trách nhiệm của một công chức". Tuy nhiên, vấn đề rắc rối ở chỗ, sắc lệnh sa thải Thống đốc Ngân hàng trung ương của Tổng thống Cristina Kirchner lại bị giới luật gia nước này cho là vi hiến.

Nhiệm kỳ của ông Redrado, được chỉ định làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương từ năm 2004, sẽ hết hạn vào ngày 23/9/2010. Hiến pháp Argentina quy định Ngân hàng Trung ương là một định chế độc lập với hành pháp và để phế truất người đứng đầu thể chế này, cơ quan hành pháp phải nhận được ý kiến chấp thuận của một ủy ban lưỡng viện.

Cho nên, sau khi nhận quyết định sa thải, ông Redrado đã rời nhiệm sở nhưng không tuyên bố từ chức và cho biết sẽ kiến nghị lên tòa án tối cao để hủy sắc lệnh sa thải của tổng thống.

Một ngày sau, Tổng thống Cristina Kirchner bị "bẽ mặt" lần thứ hai sau khi thẩm phán Maria José Sarmiento thuộc Tòa hiến pháp Argentina ra phán quyết bác bỏ sắc lệnh sa thải ông Redrado, bác bỏ quyết định của Phủ tổng thống trong việc đưa ông Miguel Angel Pesce, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương, lên thay ông Redrado, đồng thời ra quyết định phục chức tạm thời cho ông Redrado trong lúc chờ đợi ra phán quyết cuối cùng. Ngoài ra, thẩm phán Sarmiento cũng ra quyết định tạm thời ngưng việc thực thi sắc lệnh của tổng thống trong việc sử dụng quỹ dự trữ của Ngân hàng trung ương để thanh toán nợ công.

Có thể thấy nguyên nhân sâu sa của cuộc khủng hoảng hiện nay tại Argentina bắt nguồn từ kết quả cuộc bầu cử Quốc hội cuối tháng 6/2009, theo đó đảng Peron của Tổng thống Kirchner mất quyền kiểm soát Quốc hội. Quyết định của thẩm phán Sarmiento là cái cớ lý tưởng cho phe đối lập tổ chức cuộc phản công nhằm vào đảng Peron cầm quyền.

Phó tổng thống Julio Cobos, thủ lĩnh phe đối lập, đã ngay lập tức hoãn kỳ nghỉ tại Chilê để quay về tập hợp các nhóm đối lập khác trong Quốc hội nhằm đưa ra một bản kiến nghị phế truất tổng thống. Giới truyền thông phe đối lập cũng được đà chỉ trích kịch liệt quyết định của Tổng thống Kirchner.

Theo họ sắc lệnh của thổng thống vi phạm tính độc lập của Ngân hàng trung ương, không coi ý kiến của Quốc hội ra gì trong khi chính phủ lại không còn chiếm đa số tại đây. "Vấn đề rất phức tạp vì chính phủ thiếu tiền để chi cho ngân sách. Bức thông điệp mà Argentina muốn gửi tới tất cả các nước trên thế giới là Argentina là quốc gia không có luật pháp"- đảng viên đối lập Federico Pinedo tuyên bố.

Nặng lời hơn, nhật báo bảo thủ La Nacion còn cáo buộc chính quyền của bà Kirchner là độc tài vì chính phủ đang muốn chiếm lấy những khoản tiền không phải của họ.

Đáp trả trước những lời chỉ trích trên, Tổng thống Kirchner cho rằng: "Những người không biết điều hành đất nước trong quá khứ giờ không biết làm gì tốt hơn ngoài việc chọc gậy bánh xe"- ý ám chỉ đảng bảo thủ nắm quyền năm 2001 và để xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử Argentina và khiến quốc gia này lâm vào khánh tận.

Năm 2005, Tổng thống Nestor Kirchner (2003-2007), chồng của đương kim Tổng thống Kirchner, cũng đã dùng toàn bộ khoản dự trữ của Ngân hàng trung ương trả khoản vay 9,5 tỉ USD cho Quỹ tiền tệ quốc tế. Nhưng khi đó ông Redrado không thể làm gì vì phe của ông Nestor Kirchner đang nắm quyền kiểm soát Quốc hội.

Giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay tại Argentina không chỉ đặt các thể chế của nước này vào vòng nguy hiểm mà nó còn tác động xấu tới nền kinh tế. Khi sử dụng dự trữ quốc gia để trả nợ, Chính phủ Argentina muốn khôi phục lòng tin và từ đó trở lại với các thị trường quốc tế nhưng trước mắt cái họ đang nhận được lại là điều ngược lại

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.