Argentina: Sự hồi sinh cần thiết của ông Nestor Kirchner

Thứ Bảy, 12/12/2009, 15:40
Một sự "hồi sinh" vào giờ chót sau một thời gian “im hơi lặng tiếng” của cựu Tổng thống Nestor Kirchner đã tạo ra cơ hội vừa đủ để cặp vợ chồng chính trị nổi tiếng nhất Argentina tiếp tục các chương trình xã hội, dân sinh của mình.

Nestor Kirchner đã chính thức quay trở lại chính trường bằng lễ tuyên thệ nhậm chức Hạ nghị sĩ vào ngày 3/12/2009, 5 tháng sau thất bại tại cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tháng 6/2009. Tại cuộc bầu cử đó, ông Kirchner đã không thể thắng được đối thủ giàu có Francisco de Narváez, đành chịu xếp ở vị trí thứ nhì. Cuộc bầu cử đó vốn được ngầm hiểu là đợt "trưng cầu" gián tiếp về uy tín của vợ chồng ông Kirchner, cho nên ông đã từ chức Chủ tịch đảng Partido Justicialista (PJ) vào ngày 29/6.

Tuy nhiên, mọi người chưa kịp quên đi một Kirchner mạnh mẽ và cứng rắn, không chịu lùi bước trước bất cứ trở ngại nào, thì đùng một cái, ông đã quay trở lại nhờ một số thay đổi trong Luật bầu cử mới được Quốc hội Argentina thông qua hôm 2/12. Luật mới này cho phép Kirchner được nhận chiếc ghế đại biểu Quốc hội theo đường "vé vớt".

Carlos Germano, chuyên gia phân tích chính trị tại Buenos Aires, nhận xét: "Về mặt chính trị thì đây có thể được xem là một bước ngoặt. Nó khẳng định vợ chồng Kirchner sẽ kéo dài thời gian nắm quyền của mình" để thực hiện thành công những chương trình cải cách kinh tế - xã hội còn đang dở dang. Năm nay 59 tuổi, ông Nestor Kirchner được đánh giá là một trong những chính khách có nhiều ảnh hưởng nhất của Argentina.

Với khẩu hiệu "vì một nước cộng hòa công bằng", Kirchner đã "lội ngược dòng" ngoạn mục, giành chiến thắng trước đương kim Tổng thống Carlos Menem tại vòng 2 của cuộc bầu cử vào tháng 5/2003 sau khi bị dẫn trước 2 điểm tại vòng 1 trước đó một tháng (4/2003). Lên nắm quyền, Kirchner bắt đầu chuyển hướng "rẽ trái" để đi theo các đồng minh thiên tả trong khu vực như Brazil, Venezuela...

Vợ chồng Nestor và Cristina Kirchner.

Lúc Kirchner nhậm chức, Argentina bị nhấn chìm trong vòng vây phá sản với 178 tỉ USD nợ nước ngoài. Hàng loạt thay đổi về nhân sự, về hệ thống pháp lý và cơ chế hoạt động của bộ máy chính quyền giúp ông Kirchner khắc phục phần nào nạn tham nhũng tại quốc gia này. Ngay trong năm đầu tiên lãnh đạo đất nước, Kirchner đã đạt được một thỏa thuận quan trọng với các chủ nợ nước ngoài để tái cơ cấu khoản nợ 84 tỉ USD trong 3 năm.

Đến tháng 2/2005, chính phủ của ông tiếp tục phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ, và hơn 76% khoản nợ này đã được tái cơ cấu còn 1/3 giá trị ban đầu. Giữa tháng 12/2005, theo một sáng kiến của Brazil, Kirchner mạnh dạn đưa ra quyết định "xù" toàn bộ số nợ của IMF và đưa ra giải pháp chi trả một lần. Đây là một quyết định táo bạo, là bước ngoặt lịch sử giúp Argentina "đảo chiều" thành công và phục hồi kinh tế nhanh chóng trong những năm sau.

Trong tình hình hiện nay, chiếc ghế Quốc hội là điều rất cần thiết không chỉ đối với ông Kirchner mà cả vợ ông, bà Tổng thống Cristina Kirchner. Hai ông bà từng là cặp bài trùng rất ăn ý, từng nổi tiếng là "đôi uyên ương quyền lực" trên chính trường Argentina cách đây hơn 2 năm (trước khi bà Cristina lên làm Tổng thống). Khi đó, ông Kirchner là Tổng thống đầy uy tín của Argentina, còn bà Cristina là Thượng nghị sĩ lãnh đạo phe đa số để hỗ trợ mọi chính sách điều hành đất nước của ông Kirchner.

Sự phối hợp ăn ý của "đôi uyên ương" này đã giúp cho Argentina kịp hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2001 và lấy lại đà tăng trưởng trong những năm sau đó. Thời vàng son của cặp uyên ương này từng được báo chí mang ra ví von gọi là một "Peron mới" của Argentina và dự đoán "triều đại" của gia đình Kirchner không chừng sẽ còn kéo dài hơn cả triều đại Peron nữa.

Thế nhưng, qua 2 năm bà Cristina lãnh đạo đất nước, đã xuất hiện một số "trục trặc", chủ yếu xoay quanh những mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích nảy sinh khi bà Cristina tiếp tục triển khai các chương trình xã hội của chồng bà như tái phân bố tài nguyên đất đai, các chương trình an sinh xã hội và quốc hữu hóa trong hoạt động kinh tế.

Những người chống đối chính phủ của bà Cristina chủ yếu thuộc thành phần bị thiệt thòi do phải phân bổ lại tài sản cho các tầng lớp dân nghèo và do việc chính phủ nắm quyền kiểm soát các thực thể kinh tế, các hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho sự phát triển bền vững hơn.

Ai cũng biết, mặc dù hết nhiệm kỳ, rút vào hậu trường và yên vị với chức vụ Chủ tịch đảng PJ, nhưng trên thực tế Nestor chưa bao giờ "xong nhiệm vụ" đối với các hoạt động điều hành đất nước tại Dinh Tổng thống. Với tư cách là Đệ nhất quý ông, là chồng của Tổng thống Cristina Kirchner, đương nhiên ông Kirchner phải luôn ở bên cạnh bà và chưa bao giờ rời mắt khỏi những diễn biến của tình hình đất nước suốt 2 năm qua.

Mặc dù có cá tính và phong cách riêng, nhưng bà Cristina vẫn luôn cần đến sự hỗ trợ về mọi mặt của chồng, đặc biệt là những kinh nghiệm dồi dào ông có được qua 2 nhiệm kỳ làm Thống đốc tỉnh Santa Cruz và 4 năm lãnh đạo đất nước trong vai trò Tổng thống.

Do những trục trặc trong 2 năm qua, tỉ lệ ủng hộ của bà Cristina và chính phủ của bà xuống thấp nhất, chỉ quanh quẩn trên mức 30%. Bà đang cần thêm sức mạnh hỗ trợ từ ông Kirchner để thực hiện các bước thay đổi trong chính sách điều hành đất nước nhằm "kéo" tỉ lệ ủng hộ của cử tri lên, từ đó mới có hy vọng tiếp tục giành chiến thắng tại cuộc bầu cử vào năm 2011.

Với vai trò Đệ nhất quý ông, sự hỗ trợ của Nestor dành cho vợ chỉ hạn chế ở những ý kiến cố vấn trong hậu trường. Nhưng một khi là đại biểu Quốc hội, tức là ông Nestor nắm trong tay một lá phiếu biểu quyết.

Trong tình thế đảng PJ đang mất đi thế đa số tuyệt đối ở cả 2 viện Quốc hội, lá phiếu của ông có thể giúp làm nghiêng hẳn cán cân để góp phần giúp cho các quyết sách của chính phủ được thông qua dễ dàng hơn

Văn Trương (tổng hợp)
.
.